"Tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân, nhưng do quy định chưa chặt chẽ nên giao cho tư nhân, thích thì họ bán, không thích thì họ găm lại để đẩy giá lên, gây ảnh hưởng tới các dự án đầu tư”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng: 'Tài nguyên giao cho tư nhân, thích thì họ bán, không thì găm lại đẩy giá lên, gây ảnh hưởng các dự án'

Lam Thanh | 08/05/2022, 10:53

"Tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân, nhưng do quy định chưa chặt chẽ nên giao cho tư nhân, thích thì họ bán, không thích thì họ găm lại để đẩy giá lên, gây ảnh hưởng tới các dự án đầu tư”, Thủ tướng nói.

Ngày 8.5, trong chuyến công tác tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, khảo sát một số dự án, công trình lớn trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết khó khăn lớn là tỉnh chưa có kinh nghiệm trong triển khai khu kinh tế (KKT) nên đã rất cầu thị tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh khác. Tỉnh cũng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác này.

Ông Hải cũng cho biết một số khó khăn về quy định hiện hành; khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi đất chật người đông. “Nếu không có sự vào cuộc của người dân thì trong vòng từ 6-8 tháng, không thể giải phóng mặt bằng được hơn 500 ha”.

Ông cũng cho biết, hiện khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái đã có 4 nhà đầu tư lớn của nước ngoài và đang có nhiều nhà đầu tư khác quan tâm...

Thủ tướng cho biết Trung ương rất quan tâm tới việc phát triển KKT Thái Bình và chuyến công tác, khảo sát này nhằm “lắng nghe hơi thở cuộc sống” để lắng nghe về các khó khăn, vướng mắc, các kinh nghiệm, bài học rút ra.

Đây là KKT rất quan trọng với Thái Bình, tỉnh đất hẹp người đông, đưa tỉnh phát triển hướng ra biển, khai thác không gian biển. Thủ tướng gợi ý, trước đây tiền nhân đã khai phá huyện Tiền Hải của tỉnh Thái Bình. Đến nay, KKT Thái Bình mới chủ yếu phát triển trên đất liền, cần phát triển theo hướng khai thác không gian biển.

“Kinh nghiệm là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phải đi trước, phải phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống chính trị, người dân và nhà đầu tư để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; an sinh phải đi đầu và hạ tầng phải đồng bộ”, Thủ tướng nói.

tt1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, khảo sát một số dự án, công trình lớn trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Phân tích kỹ hơn về yêu cầu phát triển hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu tỉnh dồn lực nguồn vốn đầu tư công để hoàn thiện hạ tầng kết nối khu kinh tế, trong đó trước hết là dự án đường ven biển để kết nối càng sớm càng tốt với sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện của Hải Phòng. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không trông chờ, ỷ lại vào Trung ương.

Thủ tướng cũng gợi ý về các phương án triển khai xây dựng KKT, trong đó đó có mô hình lãnh đạo công - quản trị tư. Quản trị công là xây dựng thể chế, quy hoạch, chiến lược, xây dựng hạ tầng tới chân hàng rào KKT…, còn quản trị tư là giao cho nhà đầu tư lớn vận hành, kêu gọi, thúc đẩy các nhà đầu tư khác. Nhiều tỉnh đã làm tốt mô hình này.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Bình phải xác định người dân phải được hưởng lợi từ KKT chứ không phải bị ảnh hưởng; bảo đảm đời sống của người dân đã nhường mặt bằng cho dự án ở nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần thuộc thẩm quyền của của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, các cấp, các ngành, các cơ quan không làm thay công việc của nhau... Trong đó, liên quan tới các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, Thủ tướng cho biết đây là vấn đề đặt ra với nhiều dự án trên cả nước.

"Tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân, nhưng do quy định chưa chặt chẽ nên giao cho tư nhân, thích thì họ bán, không thích thì họ găm lại để đẩy giá lên, gây ảnh hưởng tới các dự án đầu tư. Vấn đề này đã được giải quyết tại các nghị quyết của Chính phủ, nhưng chưa triệt để, phải giải quyết triệt để vấn đề này trong thời gian tới", Thủ tướng nói.

Bí thư Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết tỉnh quyết tâm thông tuyến đường ven biển qua tỉnh với kinh phí hơn 3.000 tỉ đồng vào tháng 5.2023. Ông cũng khẳng định quyết tâm cao trong phát triển KKT này.

KKT Thái Bình có diện tích trên 30.000 ha, trong đó diện tích dành cho công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên 8.000 ha. Đây là lợi thế rất lớn để Thái Bình bứt phá phát triển công nghiệp.

Tỉnh Thái Bình cũng phấn đấu đến năm 2025 thu hút được khoảng 25 dự án lớn với tổng mức đầu tư khoảng 500.000 tỉ đồng; cơ cấu kinh tế theo các ngành: công nghiệp - xây dựng chiếm 55-60%, thương mại - dịch vụ chiếm 28-30%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10-17%; tạo việc làm mới cho 30.000–40.000 lao động; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,5-2 lần mức bình quân chung của tỉnh.

Ngoài 2 dự án nhiệt điện đã và đang hoàn thành phát điện thương mại, có một số nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu đầu tư phát triển điện gió, trong đó một nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Nhà máy điện gió Tiền Hải giai đoạn 1 với quy mô công suất 40 MW, tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỉ đồng.

Một số dự án lớn, trọng điểm (Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2, Nhà máy Amon Nitrat, dự án khí mỏ Hàm Rồng...) được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi triển khai; một số dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: 'Tài nguyên giao cho tư nhân, thích thì họ bán, không thì găm lại đẩy giá lên, gây ảnh hưởng các dự án'