Thủ tướng cho biết nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số.

Thủ tướng: Phải xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Hoài Lam | 12/07/2023, 22:00

Thủ tướng cho biết nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số.

Chiều 12.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Nhiều điểm sáng về chuyển đổi số

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có nhiều điểm sáng, mô hình hay như việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng; xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chiến dịch 92 ngày đêm tại Bình Phước; triển khai "trợ lý ảo" trong ngành tòa án…

Theo đó, TAND Tối cao đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu và triển khai thử nghiệm "trợ lý ảo" đóng vai trò như một thư ký riêng. Trợ lý này am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh thẩm phán, giao tiếp với thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân.

Việc sử dụng "trợ lý ảo" đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian tra cứu, tìm kiếm, nghiên cứu, xử lý, ra quyết định đối với các vụ án được đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật. Đến tháng 6.2023, TAND Tối cao đã cung cấp hơn 11.600 tài khoản cho thẩm phán và cán bộ, công chức của toà án sử dụng trợ lý ảo…

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết tỉnh quyết tâm trong năm 2023, 100% thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh Quảng Ninh đều được rút ngắn từ 30 - 70% thời gian giải quyết so với quy định của cơ quan Trung ương; hơn 60% hồ sơ được giải quyết trước hạn.

huy.jpg
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy phát biểu

Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD chỉ trong 12 giờ làm việc, ngắn hơn tới 14 ngày.

Để kịp thời nâng cấp, đầu tư mới hạ tầng trang thiết bị phục vụ hoạt động của Bộ phận một cửa tại các cấp cơ sở, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo đưa máy vi tính văn phòng ra khỏi danh mục mua sắm tập trung và phân bổ nguồn vốn cho các đơn vị cơ sở chủ động trang bị, mua sắm nhanh tháo gỡ tình trạng chậm đầu tư mua sắm theo hình thức tập trung, kịp thời nhu cầu vận hành hệ thống.

Theo ông Phan Văn Mãi, kinh nghiệm của thành phố là triển khai nhanh, quyết liệt, tổng thể, đồng bộ và kỷ luật trong tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch và phương án đã đề ra. Thành phố sẽ sớm đạt được mục tiêu đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng dịch vụ xác thực định danh điện tử, căn cước công dân trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ…

Cuối năm 2023 có ít nhất 20 triệu người dân sử dụng nền tảng VNeID

Thủ tướng nêu rõ, những kết quả tích cực này mới chỉ là bước đầu và chúng ta vẫn chưa hài lòng, còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số.

Ngoài ra, chất lượng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, chưa đạt kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp, tính liên thông, chia sẻ, đồng bộ giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia còn thấp; nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều; an toàn, an ninh mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

06-1.jpg
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia

Thủ tướng yêu cầu phải xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.

Thủ tướng nêu rõ 4 ưu tiên gồm: Ưu phát triển dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" (dữ liệu là tài nguyên), ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn; ưu tiên phát triển các nền tảng (nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia); ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

“Xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số phải là một nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Kinh tế số là động lực quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam. Xã hội số là một trong những nền tảng của xã hội Việt Nam. Văn hóa số là một phần quan trọng của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cũng yêu cầu hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Các cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai Đề án 06 nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung.

06-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06. Quan điểm "chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó, không thể chung chung được".

Thủ tướng chỉ thị Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh cấp tài khoản định danh cấp độ 2 trở lên và đẩy mạnh phát triển ứng dụng trên nền tảng VNeID. Phấn đấu đến cuối năm 2023 có ít nhất 20 triệu người dân sử dụng nền tảng VNeID với ít nhất 10 ứng dụng, tăng trưởng 3-5%/tháng.

Ngoài ra, sớm nghiên cứu, thí điểm tại một số đô thị loại 3 để triển khai đồng bộ ứng dụng VneID từ làm giàu dữ liệu và triển khai ứng dụng quản lý xã hội và tiện ích cho người dân (tố giác tội phạm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng…; tiện ích cho người dân như lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, giấy khai sinh, kết hôn, ly hôn, dịch vụ ngân hàng; dịch vụ tiện ích cho nhóm đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người có công…).

Bài liên quan
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Phải xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu