Chiều 25.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Thủ tướng: Phải biến niềm tự hào về di sản văn hóa Huế thành nguồn lực phát triển

C.P | 26/03/2023, 06:55

Chiều 25.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

thu-tuonga.jpg
Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế - Ảnh: Nhật Bắc

Năm 2022, tỉnh Thừa Thiên-Huế đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 8,56%; GRDP bình quân đầu người tăng 10% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 12,7 nghìn tỉ đồng, tăng 12%.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 107% kế hoạch. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động gấp gần 1,9 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Vốn FDI đăng ký tăng 40% so với cùng kỳ. Chuyển đổi số được đẩy mạnh, chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021 xếp thứ 2/63, chỉ sau Đà Nẵng.

Trong quý 1/2023, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều điểm sáng tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 4,9 nghìn tỉ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước tăng 3,5%...

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Thừa Thiên-Huế. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chất lượng tăng trưởng chưa bền vững. Quy mô kinh tế còn nhỏ (xếp thứ 43/63); GRDP bình quân đầu người năm 2022 là 2.405 USD, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước là 4.110 USD.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu còn gặp nhiều khó khăn. Nông nghiệp năm 2022 không tăng trưởng, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ phát triển chưa tương xứng. Một số ngành công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,7%. Du lịch phục hồi chưa được như mong muốn...

"Thừa Thiên-Huế nói chung và cố đô Huế nói riêng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí đặc biệt, rất đặc sắc về con người và truyền thống văn hóa, lịch sử. Chúng ta tự hào về Huế và phải biến niềm tự hào này thành nguồn lực, kế thừa và phát huy thành quả, di sản mà cha ông để lại để Thừa Thiên-Huế phát triển nhanh và bền vững hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh.

thu-tuongb.jpg
Thủ tướng nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là về kinh tế biển, du lịch văn hóa lịch sử - sinh thái - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu tỉnh rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ, Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16.

Thứ hai, làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và ưu tiên của tỉnh; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; tăng tỉ trọng của lĩnh vực dịch vụ, văn hóa, du lịch. Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao, tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo.

Thứ tư, huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư). Xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước và quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ năm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ, nhân lực số. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo toàn diện gắn với đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng giáo dục mũi nhọn, phát triển tài năng; xây dựng văn hóa học đường.

Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số. Cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh. Thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, làm giàu chính đáng; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thứ bảy, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp. Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy di sản; "biến di sản thành tài sản", "biến tiềm lực thành nguồn lực" để phục vụ phát triển.

Trên tinh thần tạo thuận lợi nhất cho Thừa Thiên-Huế phát triển, Thủ tướng giao tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với các cơ quan, tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tổng kết thực tiễn, xây dựng, hoàn thiện các dự án, đề án, chương trình cụ thể bảo đảm sát thực tế, khả thi, hiệu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bài liên quan
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Phải biến niềm tự hào về di sản văn hóa Huế thành nguồn lực phát triển