Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi" tại cuộc làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cả nước có gần 680 doanh nghiệp nhà nước (DNNN, trong đó, có 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số DN cả nước và 198 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%) nhưng nắm một lượng tài sản rất lớn - hơn 3,8 triệu tỉ đồng (trong đó, vốn Nhà nước đầu tư gần 1,7 triệu tỉ đồng; riêng 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng vốn trên 1,55 triệu tỉ đồng).
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, trong đó tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng...
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu phải nhận định, đánh giá đúng, sát vị thế, vai trò của DNNN hiện nay, từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Đây cũng là công việc phục vụ cho việc tổ chức sơ kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW năm 2017 của Trung ương Đảng khóa 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.
Mặt khác, Thủ tướng nhấn mạnh việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của các DNNN cần góp phần tiếp tục cụ thể hóa, triển khai các thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam với các nước, các đối tác, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, nhất là sau các chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm 2022 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây.
Nhấn mạnh tinh thần "Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi", Thủ tướng mong muốn, với sự bản lĩnh, kiên định, năng động, sáng tạo..., các đại biểu tập trung thảo luận, tìm ra giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn, tập trung cho các động lực tăng trưởng, đặc biệt là về đầu tư.
Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo điều hành để tiếp tục để nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN.
Cụ thể, cần theo dõi sát tình hình trong và ngoài nước, những vấn đề tích tụ đã nhiều năm, kịp thời đưa ra chính sách, giải pháp sát tình hình, khả thi và hiệu quả cao; DNNN đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, những ngành mới nổi; Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, các cơ quan đại diện chủ sở hữu phải đồng hành, kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp…
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật để tháo gõ khó khăn, huy động nguồn lực, phát huy nguồn lực nhà nước dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; tái cơ cấu DNNN sát tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái có cấu vốn, mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn…
“Các DNNN phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, các chương trình, dự án lớn như hệ thống cao tốc, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, phát triển 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ở ĐBSCL...”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh thành tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền; tạo mọi thuận lợi cho DN, đặt mình vào địa vị DN để giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức; thực sự chia sẻ, khích lệ, khuyến khích những người làm đúng, làm tốt và cương quyết xử lý những người vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…
"Tinh thần là phải mạnh dạn hơn nữa để tạo ra đột phá mới, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không để trì trệ; bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.