Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình và quyền này do luật quy định, nhưng hiện mới chỉ có Nghị định của Chính phủ quy định.
Ngày 30.12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 12/2014 nghe và thảo luận về: Báo cáo tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh năm 2014, nhiệm vụ Quý I/2015 và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2014, nhiệm vụ năm 2015...
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhìn lại năm 2014, công tác xây dựng luật, pháp lệnh có nhiều cố gắng, tiến bộ cả về số lượng, chất lượng theo tinh thần đúng Hiến pháp, luật pháp, tính khả thi. Song so với yêu cầu, trong năm 2014 vẫn còn có các dự án luật, pháp luật đã đưa vào chương trình xây dựng, sau đó lại xin rút, xin lùi thời gian.
Đối với việc xây dựng Thông tư, Nghị định, Quyết định cũng có rất nhiều cố gắng cả về số lượng và chất lượng, nhưng vẫn còn hạn chế đó là còn để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản, một số nội dung trong một số văn bản tính khả thi chưa cao, chưa sát thực thế.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Trong công tác xây dựng luật, pháp luật; những cái đã có trong chương trình, phải tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng yêu cầu về thời gian quy định; hết sức cố gắng để không có điều luật nào mà tính khả thi không cao.
Khi xây dựng các dự án luật, pháp lệnh phải nghiên cứu, đánh giá cho kỹ về các tác động xã hội; khi đã được đưa vào chương trình phải hạn chế thấp nhất việc xin rút, xin lùi”.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Luật nào, thuộc Bộ, ngành nào chủ trì xây dựng cũng phải luôn quan tâm đến yêu cầu hàng đầu là đảm bảo tiến độ thời gian, bảo đảm chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi.
Đối với mảng Nghị định, Thông tư, các Bộ chủ trì cũng phải hết sức quan tâm bảo đảm tiến độ về về thời gian, chất lượng; các Bộ, ngành được xin ý kiến cũng phải đề cao tinh thần trách nhiệm trong phối hợp, đóng góp ý kiến”.
Sau các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình và quyền này do luật quy định, nhưng hiện mới chỉ có Nghị định của Chính phủ quy định. Hiến pháp cũng quy định việc hạn chế quyền của người dân phải do luật định.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo luật này cần nghiên cứu kỹ và chỉ xin lùi thời điểm trình dự án luật bởi việc xây dựng luật này đã được Bộ Chính trị và Quốc hội quyết định. Hơn nữa, việc xin rút dự án luật này ra khỏi chương trình phải có đủ lý lẽ thuyết phục và phải có đủ cơ sở.
Khẳng định sự kiên định thực hiện Nghị quyết số 19, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng: “Kiên định làm cái này, không phải tốn kém đầu tư tiền bạc lớn, nhưng có hiệu quả tức thì, tạo ra môi trường cạnh tranh, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cho quốc gia, đất nước”.
Với tinh thần như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cần hết sức quan tâm tập trung bổ sung, sửa đổi cơ chế, thể chế, văn bản quy định; từng Bộ ngành phải thực sự “xông vào” rà soát, đề xuất; đi liền với đó là tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý nhà nước, qua đó góp phần giảm biên chế, giảm tiêu cực, giảm thời gian;…
Thủ tướng cũng nêu rõ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để góp phần thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ; cho biết, tại các phiên họp thường kỳ tới đây, Chính phủ sẽ kiểm điểm và đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia .
Đồng thời, ngay trong đầu năm tới, kết quả chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, ngành và địa phương sẽ được công bố công khai để các Bộ, ngành, địa phương tự sửa chữa, khắc phục.
Theo TTXVN