Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn IMF hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc rà soát, đánh giá, cập nhật thông tin, thống kê về khu vực kinh tế chưa được quan sát (khu vực kinh tế phi chính thức), được xem là chiếm tỉ lệ không nhỏ trong GDP.

Thủ tướng muốn IMF hỗ trợ thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát

13/02/2019, 21:02

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn IMF hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc rà soát, đánh giá, cập nhật thông tin, thống kê về khu vực kinh tế chưa được quan sát (khu vực kinh tế phi chính thức), được xem là chiếm tỉ lệ không nhỏ trong GDP.

Khu vực kinh tế chưa được quan sát rất khó thống kê - Ảnh: Internet

Ngày 13.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Trưởng Đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Jonathan Dunn.

Thủ tướng hy vọng với vai trò mới, ông Jonathan sẽ trở thành cầu nối giữa Việt Nam và IMF, tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và IMF; mong muốn ông tiếp tục có các khuyến nghị sớm cho Việt Nam, nhất là về chính sách tiền tệ trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp như nhận định của Tổng Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde là có các “đám mây đen lớn” tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng cũng mong muốn IMF hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc rà soát, đánh giá, cập nhật thông tin, thống kê về khu vực kinh tế chưa được quan sát (khu vực kinh tế phi chính thức), được xem là chiếm tỉ lệ không nhỏ trong GDP. Thủ tướng đề nghị, với chuyên môn và kinh nghiệm của mình, IMF giúp Việt Nam trong việc tính toán khu vực kinh tế này một cách khách quan, chặt chẽ, trung thực và khoa học.

“Dù trên cương vị nào, ông luôn là người bạn thân thiết của Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ và chúc ông Jonathan Dunn thành công trên cương vị mới.

Ông Jonathan Dunn nhìn nhận, khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài đã được cải thiện. “Tôi vinh dự khi được tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trên cương vị mới”, ông bày tỏ.

Ông cho biết, sẽ báo cáo lãnh đạo IMF về đề nghị của Thủ tướng trong việc hỗ trợ Việt Nam tính toán, thống kê khu vực kinh tế không chính thức và ông tin rằng, IMF sẽ giúp Việt Nam đo lường tốt hơn sản lượng quốc gia.

Theo chuyên gia này, ngay cả số liệu thống kê khu vực kinh tế chính thức trong GDP của Việt Nam cũng chưa được phản ánh một cách đầy đủ khi GDP của Việt Nam có các trọng số, quyền số mà 10 năm mới cập nhật một lần, lần gần đây nhất là vào năm 2012. Trong khi đó, cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam có sự thay đổi lớn thời gian qua.

Vì vậy, ông tin rằng, khi cập nhật lại quyền số tính GDP thì GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể. Ông cho biết, khi công tác tại Nhật Bản thì ông sẽ có dịp quan sát những thay đổi này ở Việt Nam.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn về khu vực kinh tế chưa được quan sát. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc đo lường và đưa kinh tế ngầm vào tính toán là cần thiết nhưng không dễ dàng bởi kinh tế ngầm, buôn lậu phi pháp không dễ tính được. Điều này không riêng gì ở Việt Nam mà ở các nước cũng vậy.

Nêu ví dụ, bà Lan dẫn ra số liệu Việt Nam nhập siêu tại Trung Quốc có sự vênh nhau tới hơn 20 tỉ USD giữa cơ quan thống kê 2 nước. Những con số này Việt Nam thống kê chưa đầy đủ, phải dựa vào thống kê nước ngoài thì mới biết. “Năm 2017, nếu tính cả con số nhập siêu chưa thống kê được thì tôi nghi ngờ rằng chúng ta nhập siêu chứ không xuất siêu?”

“Thống kê vào nhằm mục đích gì? Có những cái khu vực phi chính thức đã thống kê vào kinh tế rồi như hộ kinh doanh gia đình, người ta đóng thuế đầy đủ, tạo công ăn việc làm, đóng góp 31% GDP, muốn đẩy vào khu vực chính thức phải có chính sách để họ vươn lên. Thêm nữa cần giải pháp ngăn chặn tham nhũng, tạo động lực lớn duy trì họ hoạt động dễ dàng, lớn mạnh”, bà Lan nêu.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng cho rằng muốn tính toán được khu vực kinh tế này, Chính phủ phải công nhận tất cả các khu vực kinh tế chưa quan sát được. Từ đó, các cơ quan thống kê mới có cơ sở để tính toán vào quy mô nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần phải tính GDP từ phía cầu, tức phương pháp tính GDP dựa trên chi tiêu cuối cùng. GDP mà Tổng cục Thống kê công bố là GDP tính từ phía cung, bằng tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản + thuế sản phẩm.

Ông Trinh cũng cho rằng sở dĩ kinh tế ngầm sống được là do tham nhũng. Do đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật đối với các hoạt động nhạy cảm có nguy cơ "ngầm", ngăn chặn nạn tham nhũng, bảo kê. Tuy nhiên, những giải pháp này là rất phức tạp và không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết bà lo ngại việc khu vực kinh tế ngầm đưa vào làm GDP lớn hơn, trần nợ công giảm xuống, tỷ trọng nợ công trên GDP được mở rộng.

“Khu vực kinh tế ngầm dù có tính toán được cũng khó lòng thu được, không có gì thay đổi. Trong khi đó, nền kinh tế thực sẽ phải gánh tác động lớn hơn rất nhiều lần từ việc tăng nợ công”, bà Lan nói.

Khu vực kinh tế chưa được quan sát gồm 5 thành tố:

- Thành tố thứ nhất gồm các hoạt động kinh tế ngầm, là những hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu diếm có chủ ý, nhằm tránh phải nộp thuế (thuế thu nhập, thuế VAT), tránh đóng bảo hiểm xã hội, tránh thực hiện các quy định của Nhà nước, ví dụ như về mức lương tối thiểu, số giờ làm việc tối đa, điều kiện sức khỏe cho người lao động… tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính cũng như thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thống kê.

- Thành tố thứ hai là các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, bao gồm các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm, ví dụ như sản xuất, buôn bán ma túy, buôn người… Các hoạt động kinh tế không bị pháp luật cấm nhưng do các nhà sản xuất trái phép thực hiện cũng thuộc vào các hoạt động kinh tế bất hợp pháp.

- Thành tố thứ ba là hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia quá trình sản xuất hàng hóa, dịch vụ với mục tiêu cơ bản là tạo công ăn việc làm, thu nhập cho những người thực hiện hoạt động kinh tế đó.

- Các hoạt động này thường hoạt động quy mô nhỏ, tổ chức sản xuất đơn giản, ít có phân định rõ ràng giữa lao động và vốn của cơ sở kinh doanh với hộ gia đình. Mối quan hệ giữa người lao động và sử dụng lao động dựa trên nền tảng tạm thời, gia đình chứ không dựa trên hợp đồng chính thức.

- Thành tố thứ tư là hoạt động kinh tế hộ gia đình, tự sản tự tiêu của hộ gia đình bao gồm các hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tự tiêu dùng và tích lũy cho chính những thành viên trong gia đình (như trồng trọt, chăn nuôi, hoạt động tạo ra sản phẩm vật chất khác phục vụ nhu cầu trong hộ gia đình), các hoạt động xây nhà để ở, tự sửa chữa nhà, tự tích lũy tài sản cố định khác, hoạt động giúp việc cho gia đình.

- Thành tố thứ năm là hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản, bao gồm cả các hoạt động kinh tế đáng lý phải thu thập thông tin nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập số liệu do điều tra không bao phủ đầy đủ phạm vi hoặc đối tượng điều tra không hợp tác…

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng muốn IMF hỗ trợ thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát