Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm vấn đề nhà ở công nhân.

Thủ tướng: Giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân 'an cư lạc nghiệp'

Hoài Lam | 01/02/2023, 23:00

Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm vấn đề nhà ở công nhân.

Giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân "an cư lạc nghiệp"

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, nhu cầu mua nhà phần lớn thuộc về các công nhân có việc làm ổn định, thu nhập khá, còn những công nhân có thu nhập thấp hơn có nhu cầu thuê nhà. Mặt khác, có 2/3 công nhân có con nhỏ gửi về quê; nhiều công nhân dành khoảng 2/3 thu nhập gửi về quê hỗ trợ người thân và nuôi con nhỏ.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, tính đến nay, trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2, gồm 93.000 căn nhà xã hội và 63.000 căn nhà ở công nhân.

Cả nước đang triển khai thêm khoảng 401 dự án với quy mô 454.000 căn hộ, trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Hiện Bộ Xây dựng đang trình các cấp có thẩm quyền nghị quyết thí điểm, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về nhà ở công nhân. Trong đó, một số nhóm chính sách là dành nhiều quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; miễn tiền sử dụng đất mà không cần thủ tục tính tiền sử dụng đất; lựa chọn nhà đầu tư nhanh nhất và cho phép công đoàn được làm chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân; phát triển đồng bộ các tiện ích trong khu nhà ở; chính sách chi phí, giá bán nhà ở theo hướng thủ tục nhanh nhất; đẩy mạnh các hình thức thuê và thuê mua…

Thủ tướng lưu ý, cần tăng cường tạo công ăn, việc làm cho công nhân, người lao động thông qua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn liên quan các thị trường, hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn; đồng thời nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng cho công nhân đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước.

Thủ tướng yêu cầu giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân "an cư lạc nghiệp". Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp thực hiện, Phó thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo.

Thủ tướng cho hay, về cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở công nhân, đất đai, quy hoạch sử dụng đất công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, Bộ Xây dựng đang chủ trì nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở.

Về bố trí nguồn lực đầu tư công trung hạn trong phát triển nhà ở xã hội: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nhiệm vụ được giao; ngày 1.8.2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

tt.jpg
Thủ tướng yêu cầu giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân "an cư lạc nghiệp"

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chồng chéo, khoảng trống của pháp luật trong thời gian chưa sửa các luật liên quan.

Hỗ trợ hơn 68 triệu lượt người lao động

Liên quan đến việc hỗ trợ người lao động, Thủ tướng nhấn mạnh, đến nay, đã hỗ trợ trên 68,43 triệu lượt người lao động và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỉ đồng.

Chính sách xã hội dịp Tết được thực hiện "đúng, đủ, kịp thời", các địa phương trong cả nước đã dành khoảng 9.500 tỉ đồng hỗ trợ trên 25 triệu lượt người. Đã có 6,5 triệu lượt đoàn viên công đoàn, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn với tổng nguồn kinh phí là trên 4.581 tỉ đồng…

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn một cách mạnh mẽ, đồng bộ; nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động. Thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần nâng cao đời sống của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các ban, bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động, nhất là vấn đề ổn định việc làm, nâng cao thu nhập; vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí; vấn đề chậm đóng bảo hiểm xã hội và rút bảo hiểm xã hội một lần; việc tuân thủ chính sách, pháp luật của người sử dụng lao động.

"Công đoàn phải là một kênh tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đất nước. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh theo Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân 'an cư lạc nghiệp'