Đây là một trong những điểm đáng lưu ý tại nội dung dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, trình Chính phủ thông qua. Theo đó, các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên (Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh) sẽ phải nhận khoán xe công đi làm theo diện bắt buộc.

Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh sẽ 'bắt buộc' phải nhận khoán xe

dantri | 15/07/2017, 18:17

Đây là một trong những điểm đáng lưu ý tại nội dung dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, trình Chính phủ thông qua. Theo đó, các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên (Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh) sẽ phải nhận khoán xe công đi làm theo diện bắt buộc.

Bộ trưởng đi xe đắt nhất 1,1 tỉ đồng

Theo quy định tại dự thảo, những chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên thì sẽ được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác 1 xe ô tô với giá mua tối đa là 1,1 tỉ đồng/xe. Trong số những chức danh này có Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Công an và Bí thư tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương (trừ Hà Nội và TP.HCM).

Một số chức danh của TP.Hà Nội và TP.HCM cũng được hưởng chế độ này là Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách.

Riêng Bí thư Thành ủy TP.HCM và TP.Hà Nội được hưởng chế độ xe công tương tự với các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên (cùng với các Ủy viên Bộ Chính trị). Các chức danh này được sử dụng thường xuyên 1 xe ô tô trong thời gian công tác song không khống chế giá mua xe.

Các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên (Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách, Chủ tịch và Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế), theo quy định hiện hành, đang được bố trí xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác.

Tuy nhiên, theo quy định mới tại dự thảo Nghị định thì tới đây, những chức danh này sẽ được áp dụng hình thức khoán kinh phí với công đoạn từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại. Khi đi công tác, sẽ được bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán kinh phí sử dụng xe hoặc thuê xe dịch vụ.

Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ giảm định mức sử dụng xe của Cục, Vụ thuộc Bộ so với quy định hiện hành (từ 2 xe/1 Cục và 1 xe /1 Vụ) xuống còn 1 xe/1 đơn vị (đối với đơn vị có biên chế từ 50 người trở lên) và 2 đơn vị/1xe (đối với đơn vị có biên chế dưới 50 người).

Do các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 trở lên theo quy định tại dự thảo Nghị định mới chỉ chuyển sang áp dụng khoán “bắt buộc” đối với công đoạn đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại; còn công đoạn đi công tác mới chỉ khoán “tự nguyện”; do đó, vẫn cần thiết trang bị xe ô tô để phục vụ cho các chức danh này khi đi công tác. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị quy định định mức trang bị tối đa 3 xe để phục vụ chức danh Thứ trưởng và tương đương khi đi công tác; số xe này được tính vào định mức chung xe ô tô phục vụ công tác chung của Cơ quan Bộ.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 giảm từ 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các Bộ, ngành, địa phương, trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31 năm 2016.

Cơ chế tự nguyện không khuyến khích được chế độ khoán xe

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù vừa qua số lượng xe phục vụ công tác chung đã giảm, nhưng xe chuyên dùng có xu hướng tăng. Sau khi sắp xếp lại xe ô tô phục vụ công tác chung, một số bộ, ngành, địa phương tiếp tục chuyển xe phục vụ công tác chung sang xe chuyên dùng. Nguyên nhân chủ yếu do việc quy định phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức xe chuyên dùng cho các Bộ, ngành, địa phương dẫn đến việc ban hành tiêu chuẩn, định mức chưa thống nhất và có xu hướng tăng số lượng xe chuyên dùng không hợp lý.

Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại một số cơ quan, đơn vị còn có quy định chưa phù hợp, như: Định mức xe ô tô trang bị cho Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh theo định mức chung áp dụng cho các sở, ngành (2 xe/1 đơn vị) chưa đáp ứng được yêu cầu công tác.

Trong khi đó, nhiều đơn vị thuộc cấp cục hoặc trực thuộc cấp sở (như: chi cục, trung tâm, trường…) chỉ có 1 chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô (hệ số phụ cấp 0,7 đến dưới 1,25) nhưng cũng được trang bị 1 xe ô tô, nên hiệu quả sử dụng thấp.

Cũng theo Bộ Tài chính, tiêu chuẩn xe phục vụ công tác chung ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên khác nhau nhưng tiêu chuẩn sử dụng xe như nhau là chưa phù hợp với thực tế.

Chế độ khoán kinh phí sử dụng xe theo cơ chế tự nguyện nên còn ít chức danh đăng ký áp dụng, một số bộ, ngành, địa phương đã thực hiện hoặc đang trong quá trình xây dựng phương án để thực hiện nhưng còn mang tính thăm dò, thí điểm.

Việc kế thừa quy định trước Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg trong việc quy định một đơn giá (đơn giá bình quân của các hãng taxi trên địa bàn) để thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe cho các chức danh có đủ tiêu chuẩn là chưa bao quát hết thực tế, chưa thực sự tạo động lực khuyến khích việc thực hiện cơ chế khoán xe công.

Bích Diệp/Dân Trí

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh sẽ 'bắt buộc' phải nhận khoán xe