Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa để 60% số trường đại học dùng xét tuyển.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Đề thi tốt nghiệp THPT có tính vận dụng cao, phân hóa phù hợp

Dạ Thảo | 26/06/2023, 11:15

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa để 60% số trường đại học dùng xét tuyển.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã có những chia sẻ về công tác chuẩn bị, tổ chức để đảm bảo một kỳ thi nghiêm túc, công bằng cho mọi thí sinh.

Sẵn sàng tâm thế cho kỳ thi quan trọng

Thứ trưởng đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của các địa phương đến thời điểm này?

- Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là công việc thường niên hàng năm của ngành giáo dục và luôn là việc được ngành xác định cần tập trung cao nhất, không thể chủ quan, lơ là. Khâu quan trọng, quyết định thành công của kỳ thi chính là khâu chuẩn bị. Chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu càng tốt cho quá trình tổ chức kỳ thi bấy nhiêu.

Qua làm việc trực tiếp với các địa phương và báo cáo của 63 tỉnh/thành phố gửi về Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, có thể thấy các địa phương đã chủ động, khẩn trương, chu đáo, toàn diện trong công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi. Các địa phương cũng đều xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Ngành giáo dục địa phương đã chỉ đạo để học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT. Từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn đều có nhiều phương thức, cách thức hỗ trợ học sinh hoàn thành chương trình, ôn tập hiệu quả và tổ chức một đến nhiều đợt thi thử. Đặc biệt các địa phương đều quan tâm chỉ đạo việc hỗ trợ cho thí sinh có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không để bất kỳ thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không thể tham gia kỳ thi.

thu-truong-pham-ngoc-thuong-5170.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Việc tổ chức kỳ thi năm nay có những thuận lợi và khó khăn thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Thuận lợi đầu tiên phải kể tới là kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Quy chế thi năm nay được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Quy chế năm 2020, 2021 với một số điều chỉnh nhằm tăng cường các yếu tố an ninh, an toàn và bảo đảm quyền lợi cao nhất cho thí sinh, phân công và chịu trách nhiệm rõ cho mỗi bên liên quan tổ chức kỳ thi.

Thuận lợi tiếp theo là sau 3 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức trong bối cảnh dịch COVID-19 với biết bao khó khăn, thử thách thì đây là năm kỳ thi quay về trạng thái bình thường, ngay cả thời gian thi cũng thay đổi trở về vào thời điểm cuối tháng 6 như thời gian trước khi có COVID-19. Học sinh lớp 12 dự thi năm nay cũng đã có một năm học cuối trọn vẹn học trực tiếp. Sự an tâm cho thí sinh, người làm công tác thi, phụ huynh và toàn xã hội phần nào mang lại thuận lợi cho tổ chức kỳ thi năm nay.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi cũng có những khó khăn. Khó khăn đầu tiên có thể kể đến là lứa học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay có 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, do đó các trường cần tăng cường tổ chức ôn tập nhằm giúp các em có được kiến thức và tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi.

Khó khăn nữa là có thể xuất hiện tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng công việc này nhiều năm đã làm, chủ quan từ chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị đến công tác kiểm tra, giám sát các quy trình.

Vấn đề sử dụng thiết bị công nghệ cao, tinh vi để gian lận cũng là một trong những khó khăn đặt ra cho việc đảm bảo an toàn và tính nghiêm túc cho kỳ thi.

Thứ trưởng có thể chia sẻ, đề thi năm nay như thế nào để bảo đảm mục đích, yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT?

- Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đánh giá chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Kết quả này cũng là cơ sở để nhiều trường đại học sử dụng trong xét tuyển ĐH, CĐ. Theo thống kê, có khoảng trên 60% trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển. Với tính chất như vậy, định hướng đề thi tốt nghiệp THPT sẽ đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu.

Học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đồng thời nội dung đề thi sẽ chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa phù hợp là căn cứ để các cơ sở đào tạo đại học sử dụng như một trong các phương thức xét tuyển.

2-12-.jpg
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 28 và 29.6

Ngăn chặn gian lận bằng thiết bị công nghệ cao

Để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng, Bộ GD-ĐT có lưu ý gì để ngăn chặn gian lận thi cử, đặc biệt gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao, thưa Thứ trưởng?

- Gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao là vấn đề đã được Bộ GD-ĐT và Bộ Công an cảnh báo từ nhiều năm qua. Đồng thời với đó là những giải pháp được đưa ra để vừa cảnh báo, vừa ngăn chặn giảm thiểu cao nhất gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao.

Để phòng chống gian lận thi cử nói chung và gian lận bằng thiết bị công nghệ cao nói riêng, vai trò của cán bộ coi thi là rất quan trọng. Khi công tác tập huấn được thực hiện nghiêm túc, khi những người làm công tác coi thi tiếp nhận đầy đủ các thông tin từ tập huấn, nắm chắc các cảnh báo, nhận diện và thực hiện nhiệm vụ được giao với trách nhiệm cao nhất, việc phát hiện và ngăn chặn thiết bị công nghệ cao nhằm gian lận thi cử là có thể thực hiện được. Một kỳ thi nghiêm túc, không có gian lận cũng chính là để đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh.

Trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thứ trưởng có lưu ý, nhắn nhủ gì tới thí sinh, phụ huynh và cán bộ coi thi?

Năm 2023 là năm thứ tư kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức và là năm đầu tiên mối lo dịch bệnh không còn hiện hữu phức tạp như những kỳ thi trước. Tôi đã đến làm việc với nhiều địa phương và gặp gỡ các em học sinh tại một số trường học trong những ngày ôn thi nước rút. Không khí và tinh thần học tập của các em rất đáng ghi nhận. Tôi mong rằng các em sẽ mang tinh thần này để bước vào kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.

Với các vị phụ huynh, ngoài dành sự chăm sóc, động viên tinh thần cho các em thí sinh bình tĩnh, tự tin, tôi mong rằng phụ huynh cũng dành sự quan tâm nhắc nhở các em để thực hiện đúng Quy chế thi - có như vậy mới tránh được những thiệt thòi về kết quả thi cho chính các em.

Với đội ngũ cán bộ coi thi nói riêng và tất cả cán bộ làm thi nói chung, tôi muốn nhắc lại tinh thần chỉ đạo “4 đúng - 3 không” mà Bộ GD-ĐT đã quán triệt. “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường và “3 không” là: không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức. Thực hiện được “4 đúng - 3 không” chính là chúng ta đang hướng đến một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực, khách quan và công bằng.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Đề thi tốt nghiệp THPT có tính vận dụng cao, phân hóa phù hợp