Sở Kế Hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, FDI quý I vào Hà Nội đạt 160,2 triệu USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2014. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI phát triển hơn nữa, TP Hà Nội cho biết sẽ quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho khối doanh nghiệp này.

Thu hút hơn 160 triệu USD, Hà Nội quyết gỡ khó cho DN

Một Thế Giới | 24/04/2015, 05:00

Sở Kế Hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, FDI quý I vào Hà Nội đạt 160,2 triệu USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2014. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI phát triển hơn nữa, TP Hà Nội cho biết sẽ quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho khối doanh nghiệp này.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị giao ban tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy triển khai thực hiện một số dự án FDI trên địa bàn Thành phố được tổ chức tại Hà Nội ngày 22.4. 
Tăng trưởng song hành khó khăn 
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội, trong quý I.2015, toàn Thành phố đã thực hiện cấp mới và tăng vốn cho 80 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 160,2 triệu USD (tăng 2,6 lần so cùng kỳ 2014).
Trong đó, cấp mới 64 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 92 triệu USD (tăng 204% so cùng kỳ 2014 và lĩnh vực chiếm tỷ trọng vốn lớn nhất là Kinh doanh bất động sản với 70,2%), báo cáo cho biết.
Theo thống kê, các dự án FDI có sử dụng đất trên địa bàn Thành phố có 147 dự án vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện đầu tư trong nhiều lĩnh vực như: kinh doanh bất động sản, thương mại siêu thị, y tế, giáo dục, thể thao vui chơi giải trí, công nghiệp chế biến chế tạo, viễn thông, nông nghiệp.
Các doanh nghiệp FDI hiện đóng góp khoảng 15% trong tổng vốn đầu tư xã hội của Thành phố và chiếm khoảng 16,5% cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP).
Riêng trong quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt khoảng 1,27 tỷ USD (tăng 10,5% so cùng kỳ 2014, và chiếm tỷ trọng 46,1% toàn thành phố, nộp ngân sách khoảng 293 triệu USD (tăng 63% so cùng kỳ 2014).
Một số công trình dự án FDI đã tạo điểm nhấn trong diện mạo phát triển kinh tế đô thị của Thủ đô như: Tổ hợp khách Keangnam Landmark Tower (Toà nhà cao nhất Việt Nam), các tổ hợp công trình bất động sản, thương mại dịch vụ khác như KS Metropole; Melia; Tổ hợp Grand Plaza Hà Nội…
Cũng tại hội nghị, Hà Nội đã nêu tình hình hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn. Cùng với đó là tình hình triển khai một số dự án FDI có sử dụng đất gặp khó khăn, vướng mắc trên địa bàn thành phố.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thành phố vẫn còn một số dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng trong quá trình triển khai gặp khó khăn vướng mắc, chưa đảm bảo tiến độ quy định, chưa hoàn thành xây dựng công trình.
Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội hiện có 37 dự án FDI triển khai chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, do quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chậm được phê duyệt, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, một số công trình gặp vướng mắc trong quá trình thi công...
Thành phố Hà Nội sẵn sàng giải quyết mọi khó khăn
Ðể khắc phục tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo, trong tháng 5, các sở, ngành và các quận, huyện liên quan tập trung rà soát những dự án, làm rõ thắc mắc của doanh nghiệp và đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn.
Ông Tuấn nói thêm, đối với dự án có quy mô sử dụng đất lớn, công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, các đơn vị phải báo cáo UBND thành phố chủ trì họp giao ban định kỳ để kiểm điểm tiến độ, chỉ đạo tháo gỡ từng vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết, thành phố sẽ khẩn trương hoàn thành các quy hoạch phân khu, xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ để các dự án triển khai nhanh hơn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung vào những thủ tục về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, tín dụng...
Đại diện chính quyền địa phương, lãnh đạo UBND các quận, huyện có dự án FDI đang triển khai đã trả lời một số thắc mắc, kiến nghị của DN FDI liên quan đến các vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB), hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật…
Theo đó, chính quyền các quận, huyện đề nghị các chủ đầu tư tiếp tục tập trung triển khai các hạng mục đăng ký trong dự án, chính quyền sẽ tập trung giải quyết vấn đề GPMB, đền bù cho các hộ dân di dời để triển khai dự án.
Về nội dung quy hoạch chung của các dự án FDI trên địa bàn, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, thành phố luôn có chỉ đạo sát sao, Sở đã và đang triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN.
Lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc đã báo cáo tại Hội nghị về việc triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; việc rà soát, hướng dẫn các nhà đầu tư triển khai dự án FDI trên địa bàn.
Về nội dung liên quan đến đất đai, GPMB, qua ý kiến của các doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, ngay khi hoàn thành GPMB, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành bàn giao ngay cho các chủ đầu tư để thực hiện dự án.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng chỉ đạo phối hợp với Cục Thuế Hà Nội tiến hành tổng hợp, rà soát danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện miễn giảm hoãn tiền sử dụng đất của doanh nghiệp đủ điều kiện.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ngô Văn Quý, ngay sau Hội nghị này, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ có văn bản đề xuất thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành liên quan làm việc với chủ đầu tư; đồng thời báo cáo kết quả, nội dung làm việc với UBND TP để có hướng xử lý, giải quyết cụ thể.
Ông Quý khẳng định, trong quá trình triển khai thực hiện, các vướng mắc sẽ được các sở, ngành thành phố và các chủ đầu tư phối hợp giải quyết, tháo gỡ.
Qua hội nghị lần này, các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI và các cơ quan quản lý nhà nước của Thành phố sẽ có những trao đổi thảo luận nhằm đi đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy triển khai nhanh các dự án và hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh thuận lợi, tiếp tục gắn bó lâu dài với thành phố.
Trí Lâm (Tổng hợp)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu hút hơn 160 triệu USD, Hà Nội quyết gỡ khó cho DN