Theo kế hoạch năm 2018, cùng với việc quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Chính phủ sẽ thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng quy định, rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ...

Thu hồi 100% nhà công vụ sai mục đích và rà soát trạm BOT trong năm 2018

Trí Lâm | 12/04/2018, 14:34

Theo kế hoạch năm 2018, cùng với việc quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Chính phủ sẽ thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng quy định, rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ...

Theo báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017 của Chính phủ, một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác tổng kết đánh giá, chế độ báo cáo theo quy định.

Trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, vẫn còn tình trạng xin lùi, rút dự án ra khỏi chương trình, nợ đọng văn bản, chất lượng một số văn quy phạm pháp luật chưa cao.

Bên cạnh đó, nợ đọng thuế, nhất là những khoản không có khả năng thu còn lớn. Sử dụng vốn đầu tư ở nhiều bộ, địa phương còn dàn trải, lãng phí; chi ngân sách nhà nước sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra tại nhiều đơn vị.

Công tác đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập chưa theo kịp yêu cầu. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Chi ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn quá lớn.

Việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, một số dự án vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ.Định mức trang bị, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại một số cơ quan, đơn vị chưa phù hợp; khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo cơ chế tự nguyện, nên còn ít người đăng ký áp dụng.

Báo cáo cũng nhận định, vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi giải ngân vốn đầu tư công chậm. Vẫn còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư chưa đúng quy định, thủ tục đầu tư chưa đầy đủ; bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện so với quy định. Các dự án BT, BOT giao thông chưa được kiểm soát chặt chẽ; còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong xã hội.

Về việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng trụ sở làm việc, Chính phủ cho rằng ở một số nơi chưa nghiêm, nhiều trường hợp xảy ra lãng phí. Việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước sau khi được phê duyệt, di dời các hộ gia đình bố trí trong khuôn viên trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, kết quả chưa cao.

Trong năm 2017 qua công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành trong cả nước đã phát hiện và xử lý vi phạm về đất đai 17.586 ha đất; thu hồi trên 175 tỉ đồng; xử lý hành chính 238 tập thể, 944 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 28 vụ, 49 đối tượng. Công tác quản lý giá tính thuế tài nguyên, quản lý khối lượng tài nguyên khai thác... còn tồn tại lớn.

“Việc giám sát thực thi pháp luật về môi trường còn nhiều hạn chế, tình hình ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực nông thôn, làng nghề, lưu vực sông. Diện tích rừng bị thiệt hại và số vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng tuy có giảm nhưng còn ở mức lớn, diễn biến phức tạp”, báo cáo nêu.

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy một số cơ quan nhà nước chưa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao. Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế chưa theo đúng trình tự quy định; kỷ luật, kỷ cương hành chính một số nơi còn lỏng lẻo. Công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức ở một số nơi chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), báo cáo cho rằng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Tại một số bộ, ngành, địa phương tiến độ thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN đạt tỷ lệ thấp, bàn giao các DNNN đã cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn chậm.

Theo báo cáo này, nguyên nhân chủ quan của sự tồn tại, hạn chế là ý thức, trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa tốt, nên kết quả còn hạn chế.

Về kế hoạch năm 2018, Chính phủ sẽ quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%, huy động tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP.

“Tiết kiệm triệt để kinh phí chi thường xuyên; mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung và đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán xe công; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công và đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công”, báo cáo nêu.

Cùng với đó là việc thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng quy định. Rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ; hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp ngành công thương; tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa quản lý; tinh giản biên chế hành chính. Dừng việc giao bổ sung biên chế. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu hồi 100% nhà công vụ sai mục đích và rà soát trạm BOT trong năm 2018