Dung ơi! Bạn biết không? Tôi đã từng kì thị một cách 'rất lịch sự' những người chuyển giới như bạn. Đã có lúc tôi nghĩ bụng, sao trên đời này lại sinh ra những người 'lạ lùng' như vậy!

Thư gửi một người chuyển giới

Một Thế Giới | 04/04/2015, 01:41

Dung ơi! Bạn biết không? Tôi đã từng kì thị một cách 'rất lịch sự' những người chuyển giới như bạn. Đã có lúc tôi nghĩ bụng, sao trên đời này lại sinh ra những người 'lạ lùng' như vậy!

Rồi một lần, một người bạn của tôi nói rằng: “Sự bình thường hay khác thường nằm ở đa số hay thiểu số. Mình nằm trong số đông thì mình trở nên bình thường. Còn những người số ít lại trở nên bất thường”.
Ừ nhỉ? Người chuyển giới các bạn trở nên “bất thường” và bị những người số đông như chúng tôi kì thị vì các bạn là những người ít ỏi và khác biệt. Tại sao bọn tôi lại có quyền kì thị các bạn nhỉ?
Lần đầu tiên gặp Dung, Dung ngập ngừng kể câu chuyện của mình: “Bạn là con gái nhưng thử tưởng tượng cảm giác ngày nào bạn cũng phải mặc áo quần, mang giày dép, mang điệu bộ như một thằng con trai ra đường. Sự khó chịu đó, chẳng khác gì cảm giác của tụi mình trước khi chuyển giới”. Rồi Dung bộc bạch: “Tên khai sinh của mình là Chí Dũng, nhưng mình khát khao được mọi người gọi mình là Chi Dung như bây giờ”. 
Tôi hiểu Dung thiệt thòi lắm, Dung lớn lên ở một xóm nghèo ở Bến Tre. Hồi mới sinh Dung, nhìn thấy con, ba mẹ Dung mừng lắm, vì “có thằng con trai nối dõi tông đường” nhưng Dung bảo: “Mình nhận thức được mình là một đứa con gái ngay từ khi còn nhỏ mà đau khổ không hiểu tại sao mình mang hình hài này, hình hài của một đứa con trai”. Thời đi học, thấy “thằng Dũng” hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ, điệu bộ y như con gái, những đứa trẻ cùng lớp vô tâm chế giễu, kì thị Dung. Họ ném tất cả bút thước và những gì có thể ném vào mặt bạn. Rồi họ bắt đầu gọi bạn là “pê đê”.
Ba mẹ Dung thì không hiểu tại sao bạn lại lạ lùng như vậy. Ba mẹ gạt nước mắt gửi bạn lên nhà một người bà con ở Sài Gòn để học nốt vì không thể nào chịu được áp lực từ chòm xóm. Bạn tâm sự, 10 năm trời học ở Sài Gòn, đến việc về thăm nhà của bạn cũng trở nên lén lút. Bạn chỉ dám về buổi tối và chẳng bao giờ để hàng xóm biết đến sự hiện diện của mình.
Những đêm bạn về, mẹ bạn khóc, mẹ năn nỉ bạn hãy là một thằng đàn ông đúng nghĩa giùm mẹ. Bạn chỉ biết đáp lại: “Con là con gái mà mẹ”. Vậy là mẹ bạn giận: “Tại sao tao lại đẻ ra một đứa quái thai như mày. Mày đừng gặp tao nữa”. Kể lại chuyện này với tôi, bạn rơm rớm nước mắt. 
Bạn lại kể về ngày bạn lên Sài Gòn, sống trong nỗi cô độc khi hầu hết mọi người đều ném vào bạn một sự khinh bỉ. Dung học ở một trường múa rồi đi làm cho đoàn nhạc. Vô số lần, bạn bị đồng nghiệp nói thẳng với ông chủ đoàn nhạc rằng: “Tôi không thể diễn cùng một đứa pê đê”. 
Dung không phẫu thuật chuyển giới. Bạn chỉ độn ngực, mặc váy, nuôi tóc dài, mang giày cao gót như một cô gái. Nhưng bạn có những người bạn phải đi hát đám ma, đám cưới để kiếm sống đã không đủ tiền để phẫu thuật, phải đi tiêm silicon lậu vào người. 
Có lần, một người bạn của bạn bảo: “Chiều Dung qua chơi với tui nha. Hôm nay tui tiêm”. Chiều, Dung qua nhà người bạn đó thì bạn chỉ được liệm xác bạn mình. Bạn Dung chết vì sốc silicon. Dung lại kể, đó không phải là người bạn duy nhất của bạn chết vì tiêm silicon dạo: “Từ ngày lên Sài Gòn, mình đi đám ma 7 đứa tất cả”. Lẽ nào chính sự kì thị của số đông đã đẩy các bạn của bạn Dung vào tình cảnh đó?
Vậy mà Dung vẫn bảo rằng mình may mắn. Lý do bạn đưa ra thật giản dị là vì bạn không phải đứng đường, không đến nỗi phải đi hát đám ma, đám giỗ, đi múa lửa vất vả để mưu sinh. Rồi sau 10 năm mẹ không nhìn mặt, Dung cũng được mẹ chấp nhận. Tôi vẫn nhớ ánh mắt đầy tự hào của bạn. Bạn kể về ngày bạn cho là hạnh phúc nhất trong cuộc đời, ngày mẹ mua cho bạn chiếc áo ngực, và bảo: “Cái này mẹ mua cho con, có dịp con cứ mặc nha!”. 
Dung có ước mơ gì? Bạn chỉ ước được sống theo tự nhiên và được xã hội chấp nhận. “Xã hội sẽ chấp nhận một đứa chuyển giới nhưng sống tử tế và thành đạt”. Nhưng tôi lại thấy Dung thoáng buồn: “Chỉ có cái khó là mình và những người bạn đi xin việc chẳng ai chịu nhận”.
Lá thư này, tôi gửi đến Dung một lời cám ơn. Tôi từng nghĩ rằng mình hiểu biết về cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới), nhưng thực ra tôi vẫn lơ mơ về người chuyển giới như bạn. Bạn giúp tôi hiểu hơn về chuyển giới. Thì ra, đó là tự nhiên. Nó tự nhiên như một loại hoa 3 cánh, bỗng dưng có một vài bông 4 cánh hay 6 cánh. Điều đó làm cho cành hoa thêm đa dạng. 
Dung ơi, giờ đây, tôi cũng như bạn, cũng ao ước xã hội, những người nằm trong số đông có một cái nhìn bao dung hay ít nhất là một sự chấp nhận Dung, chấp nhận người chuyển giới. Tại sao người ta cứ mãi kiếm tìm những loại cỏ 4 lá như một biểu tượng của sự khác biệt, sự may mắn mà không chấp nhận một sự khác biệt ở những con người có hình hài khác so với giới tính của mình? 
Chúc Dung và các bạn của mình được sống với tự nhiên, được nhà tuyển dụng chấp nhận, các bạn có một công việc tốt, làm một người tử tế và thành đạt như ao ước, Dung nhé!
Khương Quỳnh (Theo LĐ)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thư gửi một người chuyển giới