Trong cuốn sách đầu tay ấn tượng, Lisa Taddeo đưa độc giả tiếp cận những ‘chân trời’ sâu thẳm nhất của tâm trí phụ nữ - với đầy nỗi khao khát, khổ đau, sự say mê lẫn tủi nhục xoay quanh chuyện sắc dục và tình yêu.

‘Three Women’: Phụ nữ giữa nỗi trăn trở về ái tình, sex và khác biệt giới tính

nhu y | 28/11/2019, 07:37

Trong cuốn sách đầu tay ấn tượng, Lisa Taddeo đưa độc giả tiếp cận những ‘chân trời’ sâu thẳm nhất của tâm trí phụ nữ - với đầy nỗi khao khát, khổ đau, sự say mê lẫn tủi nhục xoay quanh chuyện sắc dục và tình yêu.

Nữ tác giả người Mỹ Lisa Taddeo rất có thể đã tạo nên ‘tựa sách tiểu sử xuất sắc nhất’ năm 2019. Hoặc chí ít, đây là điều công chúng, báo chí cũng như nhiều đơn vị xuất bản nhận định.

Không quá lời khi nói, nội dung ’Three Women’ lôi cuốn người đọc theo cách ngoạn mục đến khó tin. Được biên soạn và viết trong hơn 8 năm, tác phẩm phác họa đời sống tình ái của 3 người phụ nữ Mỹ với cá tính, xuất thân hoàn toàn khác nhau. Lina, người bị mắt kẹt trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Sloane, người công khai ngoại tình theo chính đề nghị của chồng. Và Maggie, nạn nhân bị lạm dụng trong cuộc tình sai trái với một giáo viên.

Văn sĩ, nhà báo Lisa Taddeo (Ảnh: Redux)

‘Three Women’ tiếp cận một số vấn đề tưởng như không thể tiếp cận. ‘Luồng’ xúc cảm chân thật có lúc hỗn độn, hoang dại trên trang sách, lại đủ sức tạo nên trãi nghiệm ngỡ ngàng cho độc giả.

Đam mê tình ái - tình dục, đặc biệt dưới góc nhìn của phái đẹp, hiếm khi được diễn giải thẳng thắn, điềm nhiên như những gì Taddeo làm được ở đây. Bất kể vài chi tiết đặc biệt gai góc, lột tả nỗi đau, hổ thẹn hay sức ép khó giải tỏa nơi mỗi nhân vật có thật.

Đầu năm 2019, nhân sự kiện ‘Three Women’ ra mắt thành công tại Bắc Mỹ (với đề cử ‘Bestseller’ của báo New York Times), Taddeo đã có buổi phỏng vấn cùng tạp chí Huck. Cô chia sẻ về tác phẩm và những thông điệp ẩn chứa liên quan đến giá trị tình dục, tình yêu, cách biệt giới tính, về cả cách phụ nữ hiện nay đang nhìn nhận - tương tác cùng nhau.

Đam mê sắc dục có phải điều luôn làm cô hứng thú?

- Tôi luôn hứng thú nghiên cứu ý niệm đam mê và khổ đau. Tôi nghĩ thực tế mỗi người chúng ta chỉ sống vì 2 lẽ ấy. Chúng như 2 ‘cột trụ’ định hình nên ‘ngôi nhà’ cảm xúc và tư duy.

Trong sách, cô đi sâu khắc họa cuộc sống của những phụ nữ thoạt nhìn không hề có điểm tương đồng. Cụ thể vì sao cô lại chọn những nhân vật này?

- Ban đầu, tôi không nghĩ sẽ viết về 3 phụ nữ. Tôi đã định chọn đến 20 người khác nhau. Tôi muốn tìm người có thể sẵn lòng chia sẻ cảm xúc, đam mê thật sự của họ, những người đủ cởi mở để chia sẻ cùng tôi. Những người như thế không dễ tìm. 3 phụ nữ sau cùng tôi chọn, tôi nghĩ, đã nghiêm túc, chân thành mở lòng với tôi.

Hàng loạt chi tiết trong sách được thể hiện như thể cô đã khám phá đến tận cùng tâm trí nhân vật. Cô làm cách nào để mỗi phụ nữ chia sẻ về cuộc đời họ chân thật, sống động như vậy?

- Tôi hỏi đi hỏi lại họ một câu hàng trăm lần. Tôi cố nắm bắt từng mảnh chi tiết, dù nhỏ nhặt nhất. Tôi thử đến những nơi họ đề cập trong lúc trò chuyện, một cửa hiệu, chỗ hẹn hò cạnh bờ sông,.. Tôi thậm chí trích dẫn nguyên văn một đoạn tin nhắn qua Facebook giữa Lina và tôi. Tôi dẫn nguyên lời cô ấy vì chính tôi không thể ‘biên tập’ những câu chữ ấy tốt hơn. Lina luôn muốn hình ảnh bản thân được ghi nhận chân thật, sinh động.

Đi sâu vào chi tiết đồng thời là cách duy nhất giúp tôi lý giải, cảm thông với cuộc đời từng nhân vật.

‘Three Women’ đứng nhất bình chọn ‘bestseller’ danh mục hồi ký, tiểu sử của New York Times. Sách sẽ sớm được chuyển thể thành series truyền hình mới trên đài Showtime, Mỹ. (Ảnh: Bloomsbury)

Vài chi tiết ở ‘Three Women’ đôi khi thật bi thương, khó tiếp nhận. Cô có lo sợ cuốn sách sẽ mang dấu ấn bi quan?

- Không. Vì tôi nghĩ khi bạn đi tìm đam mê, bạn phải chấp nhận rủi ro bị tổn thương. Chuyện gần như luôn là thế. Cả khi niềm đam mê trở nên bền vững, nó luôn hoặc bắt đầu, hoặc kết thúc bằng nỗi đau. Những phụ nữ trong sách cảm nhận sâu sắc về đam mê tình ái, và cảm giác sâu đậm thường đi cùng niềm đau phức tạp, sâu thẳm không kém. Nên không, tôi không cho rằng quyển sách mang tính bi quan. Đây là đời thực.

Một vấn đề khác tác phẩm muốn lột tả, là cách phụ nữ đang cư xử với nhau. Phụ nữ vẫn luôn có thể tỏ ra khó chịu, sẵn sàng phán xét lẫn nhau. Đây có phải điều cô nhận ra từ lâu, hay đã khiến cô thấy thất vọng?

- Vâng, tất nhiên. Giữa phụ nữ với nhau, có thể nảy sinh nhiều sự ghen tức. Rất dễ để bạn - một phụ nữ, mở lời khuyên một phụ nữ khác. Nhưng cũng rất dễ để phán xét lẫn nhau theo cách tàn nhẫn, thậm chí vô nghĩa. Tôi nghĩ phụ nữ chúng ta luôn có ít nhất đôi lần làm thế.

Với kinh nghiệm riêng, tôi nghĩ sự phán xét hoặc đến từ cảm giác hổ thẹn, hoặc ghen tức. Chúng ta thường chọn cách ‘phản chiếu’, quy chụp khuyết điểm cá nhân lên những ai chúng ta muốn chỉ trích. Điều đó dễ hơn là tự nhìn lại bản thân.

Chính cô cũng từng làm thế?

- Đương nhiên. Tôi nghĩ đây là phản ứng tự nhiên. Tôi thường không phán xét người khác, nam hay nữ, nhưng bản thân tôi sẽ nhận ra khi nào tôi bất chợt phán xét ai đó. Tôi nghĩ viết ‘Three Women’ đã giúp tôi hoàn thiện mình hơn. Tôi học cách cởi mở nêu lên ý kiến, ước ao riêng thay vì âm thầm phán xét, chỉ trích.

Chúng ta thường chọn cư xử giả dối, né tránh thừa nhận khi ta chỉ trích mọi người. Và ở phụ nữ, sự ghen tức, phán xét dễ làm ‘gãy đổ’ tiến trình đấu tranh vì nữ quyền. Thông qua tựa sách, tôi muốn chống lại thực tế này.

Bạn hay tôi, cũng như từng nhân vật nữ tôi mô tả, không ai hoàn hảo. Không ai trong chúng ta đủ hoàn hảo và điều đó ổn thôi, vì chúng ta là người. Nhìn về ‘góc khuất’ đôi khi xấu xí trong tâm trí không phải để bạn ‘mổ xẻ’ khuyết điểm ở mọi người, mà trên hết, sự thật giúp bạn nhận ra cảm xúc thật mà mỗi chúng ta phải trãi qua. Từ đó, chúng ta mới có thể cảm thông cho nhau.

Cô nghĩ cánh mày râu, hay bất kì ai có tư tưởng khác biệt, có thể học được gì khi đọc ‘Three Women’?

- Một độc giả nam từng nói với tôi, trước khi đọc cuốn sách, anh ta không hề nhận ra, sự lạnh nhạt (trong tình yêu, hôn nhân) có thể làm tổn thương một người đến thế. Tôi nghĩ điều này truyền tải hy vọng lớn nhất của tôi về những gì nam giới nhìn nhận từ tác phẩm. Tôi không nghĩ có gì đau đớn hơn việc trở nên ‘vô hình’ trong một mối quan hệ.

Như Ý (theo HuckMag)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Three Women’: Phụ nữ giữa nỗi trăn trở về ái tình, sex và khác biệt giới tính