Ngày 18.1, Quốc hội bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5. Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).
Sự kiện

Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy trình đặc biệt

Lam Thanh 18/01/2024 09:50

Ngày 18.1, Quốc hội bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5. Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Bảng giá đất ban hành hằng năm

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, đồng thời cũng là dự án luật rất khó và phức tạp.

Quốc hội xem xét dự thảo luật tại kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến của đại biểu quốc hội (ĐBQH) đã được tiếp thu, giải trình, không còn ĐBQH nào phát biểu thêm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Về bảng giá đất (điều 159), về ý kiến đề nghị quy định bảng giá đất 5 năm/lần như luật hiện hành và hằng năm biến động thì điều chỉnh hệ số K, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ đây là nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, trình Quốc hội thảo luận nhiều lần.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, bảng giá đất được quy định 5 năm một lần và phải điều chỉnh, bổ sung đối với trường hợp có biến động về giá đất thị trường; tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp thực hiện điều chỉnh bảng giá đất trong quá trình áp dụng, dẫn đến bảng giá đất không phản ánh đúng giá đất thực tế trên thị trường.

Thể chế hóa Nghị quyết số 18/NQ-TW và trên cơ sở thống nhất giữa các cơ quan, dự thảo luật quy định ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất.

dat-dai.jpeg
Quốc hội bế mạc kỳ họp bất thường và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

Dự thảo luật cũng quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1.1 của năm tiếp theo hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế.

Để bảo đảm chất lượng bảng giá đất, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần nâng cao hơn nữa năng lực trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai để trực tiếp phục vụ cho công tác quản lý và sử dụng đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ chỉ đạo trong quá trình thực hiện luật.

Phương pháp thặng dư là cần thiết

Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu về phương pháp thặng dư (điểm c khoản 5 điều 158), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Định giá đất là vấn đề khó, nội dung quy định tại dự thảo luật đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu ý kiến ĐBQH, nghiêm túc nghiên cứu để thiết kế các phương pháp định giá vừa có tính kế thừa, vừa có tính cụ thể hóa thực tiễn, có đổi mới nhưng phải có tính bao quát để có thể áp dụng cho các trường hợp cụ thể, lâu dài.

Dự thảo luật quy định mang tính nguyên tắc, xác định rõ về nội hàm và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Các cơ quan đã cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất cao về việc tiếp tục quy định tại dự thảo luật về phương pháp thặng dư.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay nền kinh tế đang phát triển thì việc sử dụng phương pháp thặng dư trên cơ sở ước tính giá trị tương lai là cần thiết vì chưa có sẵn những thông tin dự án tương tự đã hình thành và giao dịch để áp dụng các phương pháp định giá khác. Mặt khác, về cả khoa học và thực tiễn, phương pháp thặng dư hiện vẫn đang được sử dụng trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (điều 79), có ý kiến đề nghị bỏ khoản 32 điều 79 dự thảo luật, thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trên cơ sở trao đổi kỹ lưỡng và thống nhất giữa các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng tiếp tục quy định rõ tại khoản 32 điều 79 đây là trường hợp được Quốc hội xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn, tương tự quy định tại khoản 1 điều 8 Luật Đầu tư năm 2020 về sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (điều 243), có ý kiến đề nghị xem xét, sửa đổi về nội dung quy hoạch đất rừng sản xuất tại các điều 65, 66, 67 và điểm d khoản 1 điều 243, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch để đảm bảo thống nhất và phù hợp với pháp luật về lâm nghiệp.

bds-2.jpeg
Nhiều kỳ vọng việc khơi thông nguồn lực từ Luật Đất đai (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và ý kiến của các ĐBQH, dự thảo luật quy định theo hướng quy hoạch sử dụng đất quốc gia chỉ quy định các chỉ tiêu sử dụng đất quan trọng tầm quốc gia.

Các chỉ tiêu sử dụng đất khác được xác định tại các quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo quy định của Chính phủ nhằm bảo đảm tính khả thi trong việc lập quy hoạch.

Hai điều có hiệu lực sớm

Về hiệu lực thi hành (điều 252), tiếp thu ý kiến ĐBQH và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, dự thảo luật quy định hiệu lực sớm đối với điều 190 và điều 248 dự thảo luật từ ngày 1.4.2024.

Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29.11.2023 của Quốc hội cũng đã quyết nghị về việc trong năm 2024 ban hành quy định về hoạt động lấn biển.

Trên cơ sở các quy định có hiệu lực thi hành sớm, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng, hoàn thiện các quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tương ứng bảo đảm khả thi, rõ ràng, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật, tránh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua luật này.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy có 432 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,63%).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy trình đặc biệt