Ngành may mặc thời trang của Nhật Bản được các nhà hoạt động môi trường thế giới ca ngợi vì sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên kết hợp công nghệ cao tạo ra các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường và chống lãng phí.

Thời trang Nhật Bản đã làm gì cho môi trường và chống lãng phí?

Nhật Hạ - Ảnh: CNN | 27/03/2021, 17:05

Ngành may mặc thời trang của Nhật Bản được các nhà hoạt động môi trường thế giới ca ngợi vì sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên kết hợp công nghệ cao tạo ra các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường và chống lãng phí.

Mottainai và văn hóa thủ công Nhật Bản

"Mottainai" là một thuật ngữ có nguồn gốc xa xưa ở Nhật được các nhà bảo vệ môi trường sử dụng. Thuật ngữ có nguồn gốc sâu xa, bắt nguồn từ tín ngưỡng tôn giáo Nhật Bản cho rằng mọi vật đều có giá trị nội tại và cần được sử dụng trọn vẹn. "Mottainai" có thể dịch là "Thật là lãng phí!".

Kaoru Imajo, Giám đốc Tổ chức Tuần lễ Thời trang Nhật Bản cho biết trong một email rằng: “Mottainai và văn hóa thủ công hiện diện ở khắp mọi nơi trên đất nước Nhật Bản”. Theo ông, ở quốc gia này không có gì là lãng phí. Ông chỉ ra rằng rượu Sake lee (phần men còn sót lại sau quá trình lên men) từ lâu đã được sử dụng làm nguyên liệu nấu ăn hay vỏ cam bỏ đi đã được tái sử dụng bằng cách chế thành sợi và giấy.

Tại Tuần lễ Thời trang Rakuten của Tokyo như Nisai, trong bộ sưu tập Thu Đông 2021 của mình đã có những thiết kế “có một không hai” từ các chất liệu bỏ đi như boro – một loại vải dễ bị sờn rách. Nisai đã tái sử dụng, vá lại với nhau để tạo ra những trang phục “không đụng hàng” trên sàn diễn.

thoitrangnhat1.jpg
Những tấm vải sờn rách được tái sử dụng 

Kaoru Imajo nói: “Chúng tôi đã sử dụng những tấm thảm, quần áo và vải cũ một cách lâu nhất có thể. Bây giờ, hàng dệt may boro buôn bán rất đắt hàng và được gọi là vải cổ điển của Nhật”.

Ngày nay, một số nhãn hiệu thời trang Nhật Bản đang đi theo cách này với danh nghĩa phát triển bền vững. Họ vận dụng kỹ thuật sản xuất hàng may mặc trước đó nhưng kết hợp với công nghệ mới trong quá trình sản xuất nhằm giảm thiểu chất thải và tác hại đến môi trường xung quanh.

Sáng tạo từ nguyên liệu thiên nhiên

Shohei, thành lập vào năm 2016 bởi Giám đốc Sáng tạo Lisa Pek và Giám đốc Tài chính Shohei Yamamoto, đã bắt tay vào việc phát triển thương hiệu bền vững bắt đầu với quy trình nhuộm. Pek cho biết về thương hiệu giữa Nhật Bản và Áo, đã làm việc với một nghệ nhân ở Kyoto để mua hàng dệt nhuộm bằng phương pháp kakishibu truyền thống.

thoitrangnhat2.jpg
Một trang phục được tạo ra từ vải được nhuộm bằng phương pháp shibori

Trong quá trình nhuộm kakishibu, hàng dệt được ngâm trong nước ép lên men của quả hồng lúc chưa chín - một chất thay thế cho thuốc nhuộm tổng hợp phổ biến hiện nay vốn có thể gây hại cho môi trường, đặc biệt là đất và nguồn nước.

Sau quá trình nhuộm, vải được phơi dưới ánh nắng mặt trời để tạo ra màu cam. Ngoài ra, quá trình nhuộm kakishibu cũng tạo ra hiệu ứng chống thấm nước khi bị oxy hóa trong không khí và cung cấp các đặc tính kháng khuẩn. "Đây là thứ mà bạn có thể tìm thấy trong một loại vải công nghiệp nhưng nó cũng có trong tự nhiên", Pek giải thích.

Ngoài phương pháp nhuộm kakishibu, Shohei còn sử dụng công nghệ nhuộm truyền thống khác, được gọi là shibori. Shibori là một kỹ thuật nhuộm bằng tay có từ thế kỷ thứ 8, xuất phát từ một doanh nghiệp gia đình ở Nagoya. Giống như kakishibu, shibori sử dụng chất nhuộm tự nhiên (thường có nguồn gốc từ chàm) và ít gây hại cho môi trường hơn so với các loại thuốc nhuộm tổng hợp.

Tương tự, với tinh thần sản xuất thời trang thân thiện với môi trường, nhà thiết kế Nhật Bản Hiroaki Tanaka, người sáng lập Studio Membrane, đã sử dụng nhựa sinh học có khả năng phân hủy có nguồn gốc từ len. Chất liệu này là nền tảng cho "The Claws of Clothing", một bộ sưu tập ra mắt tại Tuần lễ thời trang sinh thái Australia 2018 ở Perth, được tạo ra với sự hợp tác của Shinji Hirai, một giáo sư tại khoa khoa học và tin học tại Viện Công nghệ Muroran của Hokkaido.

thoitrang3.jpg
Thiết kế làm từ nhựa phân hủy sinh học

Tanaka nói trên Zoom thông qua một người phiên dịch: “Tôi muốn làm ra những bộ quần áo hoàn toàn có thể phân hủy. Bởi vì nó chỉ được làm bằng len nên rất thân thiện vớibmôi trường”.

Tuy nhiên, Tanaka thừa nhận rằng nhựa phân hủy sinh học của ông ấy phù hợp với nghệ thuật trình diễn hơn là quần áo mặc hàng ngày. Khi nhựa bị ướt, nó sẽ trở lại dạng len thông thường và mất cấu trúc. Tuy nhiên, vì len có thể phân hủy sinh học, ông tin rằng vật liệu này có thể được sử dụng để thay thế một số đồ dùng một lần, chẳng hạn như tã hiện đang đầy rẫy các bãi chôn lấp.

Tận dụng công nghệ để chống lãng phí

Việc lựa chọn vải rất quan trọng cho sự phát triển bền vững trong ngành công nghiệp thời trang, tuy nhiên việc áp dụng công nghệ và máy móc mới cũng không kém phần quan trọng trong phong trào bảo vệ môi trường. Nó giúp giảm lượng vải bị lãng phí trong quá trình tạo mẫu, lấy mẫu và may đo. Ở lĩnh vực này, nhà sản xuất Nhật Bản Shima Seiki đã thiết lập tiêu chuẩn với máy dệt kim Wholegarment được vi tính hóa.

Khác với cách sản xuất hàng dệt kim truyền thống, trong đó các mảnh riêng lẻ được dệt kim sau đó may lại với nhau, các mặt hàng Wholegarment được dệt kim liền mạch toàn bộ.

thoitrangnhat6.jpeg

Masaki Karasuno, đại diện của thương hiệu Shima Seiki nói rằng có tới 30% lượng vải bị lãng phí trong quá trình sản xuất tiêu chuẩn, khi các mảnh hoa văn riêng lẻ được cắt ra từ các sợi vải trước khi được may lại với nhau. Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Masaki Karasuno nói: “Với Wholegarment, tất cả những điều đó sẽ bị loại bỏ khi toàn bộ quần áo được dệt kim thành một mảnh trực tiếp từ máy”.

Máy móc của Wholegarment cung cấp cho các thương hiệu sản xuất quần áo tùy theo nhu cầu riêng của thương hiệu nhằm tránh lãng phí. "Hàng may mặc được sản xuất hàng loạt ​​có xu hướng vượt quá nhu cầu thực tế và đó là lý do tại sao có rất nhiều hàng tồn kho. Điều này sẽ dẫn đến lãng phí. Wholegarment có thể sản xuất số lượng hàng may mặc theo yêu cầu của từng khách hàng", Karasuno giải thích.

thoitrangnhat5.jpg

Vào năm 2016, Fast Retailing Co., công ty mẹ của hãng thời trang Uniqlo, bắt đầu hợp tác chiến lược với Shima Seiki có tên là Innovation Factory, nơi sản xuất nhiều loại quần lót Wholegarment cho thương hiệu Uniqlo. Kể từ đó, nhãn hiệu thời trang Ý Max Mara và nhãn hiệu quần áo Mỹ Paul Stuart cũng đã chuyển sang sử dụng công nghệ Wholegarment của Shima Seiki.

Shima Seiki cũng cung cấp nền tảng mẫu ảo, cung cấp hình ảnh thực tế của từng sản phẩm may mặc để nhà sản xuất quyết định trước khi phát triển và ra mắt trên thị trường. Thông thường, việc lấy mẫu là một quá trình lặp đi lặp lại khi các nhà máy gửi các phiên bản quần áo mới, được tinh chỉnh cho đến khi nhà thiết kế hài lòng với sản phẩm cuối cùng. Mặc dù quy trình này rất hữu ích với các nhà thiết kế, cho phép họ điều chỉnh các yếu tố như phom dáng, vị trí và chất lượng, nhưng những nguyên mẫu này thường kết thúc ở các bãi chôn lấp.

Karasuno cho biết: “Mỗi mẫu bị lãng phí đều đòi hỏi thời gian, chi phí, vật liệu và năng lượng để sản xuất... và rồi sau đó, tất cả đều bị vứt bỏ”.

Shohei đã hợp tác với No Form, một studio thiết kế kỹ thuật số, để tạo ra hình ảnh 3D thực tế của một số sản phẩm may mặc của họ bằng cách sử dụng công nghệ tương tự như nền tảng lấy mẫu ảo của Shima Seiki. Những hình ảnh này có thể được sử dụng trong cửa hàng trực tuyến của họ thay cho ảnh của các mẫu. “Nó giống như khi bạn nghĩ về kiến ​​trúc, nơi bạn tạo ra một mô hình… trước khi xây dựng nó”, Pek nói. "Đó cũng là một cách khác để thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí".

Christiana Dean, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT của Redress, một tổ chức từ thiện, cho rằng việc giảm chất thải dệt may thì với các bước thực hiện của ngành công nghiệp thời trang Nhật Bản hiện nay đang làm là một ví dụ tích cực cho một hệ sinh thái thời trang lành mạnh hơn trên toàn thế giới.

"Tôi nghĩ điều đó rất thú vị khi các quốc gia muốn đổi mới. Một đất nước không có những bãi chôn lấp vô tận và cũng không thể vận chuyển tất cả rác thải của mình để đổ đi nơi khác... thì điều đó sẽ thúc đẩy sự đổi mới", Christiana Dean nói.

"Khi bạn đến Nhật Bản, đó là một xã hội đẹp đẽ, văn hóa đề cao sự tối giản; đề cao truyền thống và hiện đại. Nhật Bản có công nghệ rất cao còn ngành dệt may ở Nhật Bản là vô địch về mặt công nghệ".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thời trang Nhật Bản đã làm gì cho môi trường và chống lãng phí?