Thổ Nhĩ Kỳ thấy "kỳ lạ khi Thụy Điển miễn cưỡng thực hiện các bước theo đòi hỏi của Ankara và nhận thấy rằng sự miễn cưỡng của Stockholm khiến người dân Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng".

Thổ Nhĩ Kỳ nói thẳng Thụy Điển đừng làm phí thời gian của NATO

Anh Tú | 06/06/2022, 11:00

Thổ Nhĩ Kỳ thấy "kỳ lạ khi Thụy Điển miễn cưỡng thực hiện các bước theo đòi hỏi của Ankara và nhận thấy rằng sự miễn cưỡng của Stockholm khiến người dân Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng".

Fahrettin Altun - người dứng đầu bộ phận truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Thụy Điển nên ngừng làm phí thời gian của NATO vì yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến tư cách thành viên mới của liên minh là rất rõ ràng, đồng thời Altun khẳng định Stockholm phải thực hiện các biện pháp chống khủng bố.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Thụy Điển Dagens Nyheter, Altun nói: “Chúng tôi không tin rằng việc Thụy Điển và Phần Lan khiến NATO bận rộn trong thời điểm quan trọng này là đúng đắn. Tư cách thành viên NATO là một đặc ân, không phải là một quyền lợi. Những quốc gia muốn tham gia với chúng tôi, sẽ được tham gia nếu họ đáp ứng các tiêu chí liên quan. Không thể thương lượng hoặc mặc cả, đặc biệt là liên quan đến một vấn đề như khủng bố”.

Nhắc lại Ankara mong đợi các bước đi cụ thể, Altun nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ thấy "kỳ lạ khi Thụy Điển miễn cưỡng thực hiện các bước về vấn đề này và nhận thấy rằng sự miễn cưỡng của họ (Thụy Điển) khiến người dân Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng".

Ông Altun khẳng định: “Khi nói đến an toàn tính mạng và tài sản của công dân Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi mong đợi hành động chứ không phải lời nói. Thụy Điển cần thực hiện những thay đổi cụ thể và lâu dài trong chính sách của mình đối với chủ nghĩa khủng bố”.

Thụy Điển và Phần Lan chính thức nộp đơn gia nhập NATO vào ngày 18.5, một quyết định được thúc đẩy bởi cuộc chiến của Nga với Ukraine. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên sáng lập của NATO, đã lên tiếng phản đối đơn xin gia nhập của 2 nước Bắc Âu. Đến giờ Ankara vẫn tiếp tục phản đối việc Stockholm và Helsinki đăng ký xin làm thành viên NATO trừ khi hai nước từ bỏ chính sách ủng hộ và cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, bao gồm các thành viên của PKK, YPG và những tổ chức khác như FETO.

Để kết nạp thành viên mới, NATO cần có sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Do vậy, Thổ Nhĩ Kỳ nắm quyền phủ quyết đối với lá đơn của Thụy Điển Phần Lan.

Trong khi hai nước Bắc Âu cho biết các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục để giải quyết bất đồng, Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan 1.6 cho biết Ankara vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào đối với các yêu cầu ngừng hỗ trợ khủng bố, dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Ankara và dẫn độ các nghi phạm mà Thổ Nhĩ Kỳ truy nã.

Mặt khác, người phát ngôn của Tổng thống Ibrahim Kalın nói rằng hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid vào cuối tháng 6 không phải là thời hạn cuối cùng để đưa ra quyết định về đơn xin kết nạp của Thụy Điển và Phần Lan.

Phát biểu với Hãng thông tấn Anadolu trong chuyến thăm đến thủ đô Tây Ban Nha, ông Kalın nhắc lại rằng tiến độ thông qua đơn xin vào NATO tùy thuộc vào cách Thụy Điển và Phần Lan đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sẽ triệu tập các quan chức cấp cao của Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ tại Brussels trong những ngày tới để thảo luận về vấn đề này trước Hội nghị của NATO (dự kiến trong hai ngày 29-30.6 tại Madrid).

Stoltenberg đã tweet vào cuối ngày 3.6 rằng ông đã gặp Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin để thảo luận về “sự cần thiết phải giải quyết các mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ” để thúc đẩy tiến trình Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Stoltenberg cũng cho biết ông đã có một "cuộc điện đàm mang tính xây dựng" với Erdogan, gọi Thổ Nhĩ Kỳ là "đồng minh giá trị" và ca ngợi những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc làm trung gian một thỏa thuận nhằm đảm bảo vận chuyển an toàn ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine trong bối cảnh chiến sự với Nga căng thẳng. Stoltenberg đã tweet rằng mình và Erdogan sẽ tiếp tục cuộc đối thoại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thổ Nhĩ Kỳ nói thẳng Thụy Điển đừng làm phí thời gian của NATO