Báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ ngày 1.9 cùng đưa tin bài về việc “Phát hiện 2 tấn sầu riêng bị nhúng hóa chất cho mau chín” xảy ra tại huyện Di Linh (Lâm Đồng). Những người làm trong ngành chế biến thực phẩm và các nhà khoa học chuyên ngành liên quan cho rằng hóa chất nhúng này không độc và vụ việc có vẻ bị tác động bởi cuộc tranh mua (thu gom) sầu riêng đang cao giá để xuất đi Trung Quốc.
Tin trên báo Thanh Niên: Sáng 1.9, Công an H.Di Linh (Lâm Đồng) cho biết đơn vị vừa phối hợp cùng đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả H.Di Linh kiểm tra và phát hiện cơ sở thu mua sầu riêng của ông Hoàng Văn Trọng (ngụ tại thôn 2, xã Hòa Nam) sử dụng hóa chất trái phép để nhúng sầu riêng. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản niêm phong, thu giữ hơn 2 tấn sầu riêng đã bị nhúng hóa chất; 13 chai thuốc đặc trị nấm phytophthora loại 1.000ml; 4 chai phân bón lá cao cấp có nhãn hiệu HPC-97HXN loại 500ml/chai; một số can hóa chất và nhiều bao giấy có chứa bột màu vàng (cònbáo Tuổi Trẻ ghi rõ là bột nghệ).
Chuyện tưới nhớt hay nhúng hóa chất tạo tăng trưởng nhảy vọt hay thúc chín trái cây gần đây luôn khiến người tiêu dùng kinh sợ vì ngại... gây ung thư. Thực hư thế nào thì đã có một hội thảo khoa học làm rõ tính chất không độc của “phân bón lá ethephon” diễn ra ngày 28.12.2015, do Hiệp hội Doanh nghiệp trang trại nông nghiệp nông thôn Việt Nam và Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao tổ chức tại TP.HCM. Qua thảo luận, có thể thấy: xem xét các nghiên cứu khoa học trên thế giới thì không có báo cáo nào về độc tính của ethylen đối với con người hay động vật đối với các nguồn phơi nhiễm. Cơ quan quốc tế về nghiên cứu ung thư (IARC) kết luận không có bằng chứng về khả năng gây ung thư của ethylen. Kết luận từ báo cáo của OECD khuyến cáo không cần phải tiến hành các nghiên cứu về độc tính của ethylen. Vì vậy, trên thế giới hiện không có một điều luật nào nghiêm cấm việc sử dụng ethylen để giấm chín trái cây.
Tuy nhiên, cần phân biệt ethylen với acetylen (có trong đất đèn hay khí đá để “dú” trái cây) vì chất này sản sinh ra phosphine là chất gây ung thư. Do đó, GS-TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tich Hội đồng Khoa học Viện Sinh học khuyến cáo không nên sử dụng đất đèn để giấm chín trái cây, mà nên dùng ethephon. Cũng theo GS-TS Nguyễn Quang Thạch, khi giấm chín trái cây bằng ethylen thì có thể dùng theo dạng xông, tức là làm buồng kín, để ethephon trong đó rồi nhỏ vào vài giọt kiềm để giải phóng ethylen hoặc cũng có thể nhúng trái cây vào dung dịch ethephon.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cũng khẳng định hợp chất ethephon không độc như mọi người nghĩ. Chất này đã được thế giới sử dụng phổ biến trong trồng trọt, có tác dụng điều hòa sinh trưởng cây trồng, thúc hoa quả chín nhanh, chín đều, qua đó giảm mạnh được công và chi phí thu hoạch. TS Trần Hạnh Phúc (Viện Sinh học nhiệt đới)cho biết cách đây 20 năm, Nhà nước đã cho tiến hành dự án “Chuyển giao sản xuất thử nghiệm và ứng dụng chế phẩm ethephon từ Liên bangNga vào Việt Nam”. Kết quả nghiên cứu của dự án được các hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và cho phép triển khai ứng dụng chính là: Sử dụng ethephon để điều khiển quá trình ra hoa kết trái của cây trồng theo ý muốn của nhà nông nhằm rải vụ và nghịch vụ các loại cây trái.
Ở nước ta, ethephon đã được phép sử dụng trong phân bón và điều này được ghi rõ trong Danh mục các chất điều tiết sinh trưởng được phép sử dụng trong phân bón ban hành kèm theo Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24.6.2010 của Bộtrưởng Bộ NN-PTNT...
Báo chí đã thông tin khá rộng rãi về nội dung hội thảo này. Không ngờ, 9 tháng sau sự việc lại vẫn xảy ra như cũ và cơ quan chức năng lại tiếp tục đi bắt bớ, tịch thu... và cung cấp tin cho hai tờ báo lớn đăng. Chúng tôi thử trao đổi với một doanh nhân, Chủ tịch Công ty Vinamit, ông Nguyễn Lâm Viên, doanh nghiệp cũng đang mua sầu riêng để chế biến với công nghệ mới là sấy lạnh. Ông Viêncho biết:Nhìn từ góc độ thị trường, tôi hơi ngờ là đang có “âm mưu” cạnh tranh không lành mạnh quanh mặt hàng này. Hiện nay giá sầu riêng cao gấp đôi vụ2014-2015 và vào lúc này, người dân cũng mua ăn nhiều. Những người gom hàng xuất đi Trung Quốc đang phải “cắn răng” mua sầu riêng với giá cao thì không gì có lợi cho họ hơn là tung tin để người dân sợ độc, không mua ăn, giá rớt, họ mua rẻ, và càng tốt hơn nếu cơ quan chức năng “rất nhiệt tình” đi bắt bớ, tịch thu sầu riêng nhúng thuốc, rồi báo đăng, dân càng hoảng, ngó lơ luôn. Bài báo còn nóingười nhúng còn dùng dung dịch bột nghệ. Bột nghệ thì tốt chứ đâu độc hại gì?
Ông Nguyễn Lâm Viên nói thêm: Như hội thảo đã bàn rất kỹ, ethyphon khi hòa với nước thìtạo ra khí etylen , khí này là tác nhân làm chín quả tốt nhất vì không có dư lượng kim loại so với acetylene (khí đá). Tôi đoán có thể có một điều khiến cơ quan chức năng ngộ nhận là bởi chiếc bình chứa ethyphon bán trên thị trường lại được nhà sản xuất (phải) ghi là Phân bón lá (lý do là Bộ Nông nghiệp-PTNT buộc ghi như vậy, vì theo họ, ethephon cứ đặt vào nhóm phân bón lákhông độc) nhưng chất dùng điều tiết sinh trưởng mà Bộ bảo ghi phân bón lá cũng dễ gây hiểu lầm, và người ác ý thì tận dụng kẽ hở này cũng như cơ quan thực thi nếu không hiểu thật sâu cũng dễ băn khoăn, ngộ nhận.
Tôi cho rằng sau hai bài báo của 2 tờ báo (nói trên)thì nông dân và người bán sầu riêng sẽ lãnh hậu quả, chỉ những người mua gom sầu riêng bán qua Trung Quốc là có lợi. Làm ăn thì ai cũng biết, các doanh nghiệp lớn như chuối Dole của Mỹ hay các công ty Nhật xuất xoài Hòa Lộc... thì họ đều có phòng ủ có máy xông etylen và giục trái cây chín đều trong phòng kín. Dân mình nghèo không đủ sức làm phòng ủ, nhúng ethephon không hại gì nhưng lại bị bắt, tịch thu. Và các nhà báo, thay vì làm rõ với cơ quan chức năng giúp nông dân thì lại hồn nhiên đưa tin.
Dù sao, bắt thì cũng bắt rồi và báo cũng đưa tin rồi. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, cách làm đúng là: hãy mời Sở hay Bộ Y tế hoặccơ quan kiểm định thực phẩm vào cuộc, mang sầu riêng sau khi nhúng thuốc đi xét nghiệm xem có dư lượng thuốc độc quá liều mà Bộ Nông nghiệp - PTNT cho phép hay Bộ Y tế khuyến cáo không. Nếu đúng, ghi công của công an và báo chí.Nếu sai, phải xin lỗi trên báo chí, trả lại sản phẩm và bồi thường thiệt hại.
Cần nhất, thông tin đúng để người tiêu dùng không phải sợ sầu riêng và tránh cạnh tranh bất chính, gây thiệt hại thị trường lớn cho nông dân và người kinh doanh trong tình hình không hề sáng sủa của nông nghiệp hiện nay.
Kim Hạnh