Từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu trải qua nhiều lần biến động bất thường, đặc biệt là việc khan hiếm nguồn cung xăng dầu từ cuối tháng 9 đến nay.
Mặc dù Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan đã tích cực vào cuộc và đưa ra nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng này.
Bất ổn trong nhập khẩu
Trong hơn 10 tháng đầu năm nay, các nhà máy lọc dầu (NMLD) trong nước đều đã nỗ lực, vận hành với công suất tối đa, margin cực đại đến 112%, duy trì tồn kho ở mức thấp, cung ứng ra thị trường vượt kế hoạch và vượt so với cùng kỳ. Tuy nhiên do sản xuất xăng dầu từ các NMLD trong nước chỉ đáp ứng hơn 70% nhu cầu thị trường, khoảng 30% còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu, nhưng tình hình nhập khẩu khó khăn, bất ổn đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trên thị trường.
Các nhà quản lý, các chuyên gia đều đã chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trên thị trường xuất phát từ giảm lượng xăng dầu nhập khẩu do nhiều thương nhân đầu mối tư nhân hạn chế nhập hàng. Do đó, để giải quyết bài toán thiếu nguồn cung xăng dầu thì bên cạnh nỗ lực duy trì ổn định, công suất cao của các NMLD trong nước, thì nút thắt chính nằm ở chỗ điều hành nhập khẩu xăng dầu, có giải pháp để tăng lượng hàng nhập khẩu.
Vấn đề này làm chúng ta nhớ lại câu chuyện nhập khẩu xăng dầu ở thời điểm năm 2020-2021, khi đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ xăng đầu sụt giảm nghiêm trọng, cung vượt cầu, các công ty năng lượng hết chỗ chứa dầu, các nhà máy lọc dầu tồn kho lên cao, đứng trước nguy cơ "tank top" (vượt giới hạn tồn trữ), kéo giá dầu thô có thời điểm xuống âm 37 USD/thùng. Trong bối cảnh cấp bách đó, các nhà máy lọc dầu trong nước đã đề xuất với cơ quan quản lý, đề nghị các thương nhân đầu mối ưu tiên mua xăng dầu trong nước, hạn chế nhập khẩu, để giảm tồn kho, hỗ trợ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, với lý do cần theo cơ chế thị trường, nơi nào rẻ hơn thì doanh nghiệp mua hàng để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, việc nhập khẩu xăng dầu của nước ta lúc đó lại tăng, tạo thêm sức ép cho sản xuất trong nước, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Cũng rất may là nhu cầu tiêu thụ dần được cải thiện sau khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn và các NMLD trong nước tránh được "tank top".
Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy rằng việc không điều phối tốt lượng xăng dầu nhập khẩu có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Nếu các NMLD trong nước rơi vào tình trạng "tank top", phải ngừng hoạt động, kéo theo ảnh hưởng đến an toàn cho các mỏ dầu của nước ta, lúc đó phải ngừng khai thác, đóng cửa các giếng khoan dầu thì thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với lợi là nhập khẩu được rẻ hơn chút ít so với mua xăng dầu trong nước. Đó là chưa kể, các nhà máy lọc dầu trong nước có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nếu ta chỉ chú trọng nhập khẩu thì khi thị trường thế giới biến động hoặc vì một lý do nào đó mà mà các quốc gia xuất khẩu tạo sức ép nguồn cung, tăng giá đột biến, thì áp lực sẽ càng lớn hơn đối với thị trường xăng dầu trong nước.
Hiện nay, thì vấn đề lại ngược lại, trong 10 tháng đầu năm nay, nguồn hàng nhập khẩu không dồi dào, phí nhập khẩu cao, cũng với lý do theo cơ chế thị trường, nhập khẩu về bán lỗ thì nhập làm gì, nhiều thương nhân đầu mối lại quay ra không nhập khẩu, dẫn đến nguồn cung trong nước bị thiếu hụt. Số liệu công bố của Bộ Tài chính cho thấy lượng nhập khẩu xăng dầu quý 3/2022 giảm 30 - 40% tùy loại so với quý trước đã minh chứng điều đó.
Hai sự việc này cho thấy rất cần thiết phải quản lý được vấn đề nhập khẩu xăng dầu, để chủ động nguồn cung cho thị trường, điều tiết thị trường trong nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Lỗ hổng trong quản lý hệ thống phân phối
Ngoài vấn đề nhập khẩu, thì hệ thống phân phối cũng có vấn đề đã tồn tại từ rất lâu. Đó là quy định thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối. Điều này dẫn đến nhiều cửa hàng phân phối xăng dầu không có nguồn hàng ổn định, không thể nhập được hàng khi thị trường biến động, nguồn cung khan hiếm.
Với vấn đề này, trong một cuộc trao đổi với phóng viên trước đây, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOIL cho biết trên thực tế nhiều đại lý thường chỉ mua 50 - 70% của đầu mối mà mình đứng tên thương hiệu, phần còn lại họ linh hoạt để xem nơi nào có giá tốt hơn sẽ nhập hàng. Khi nguồn cung khan hiếm, mặc dù các đầu mối đã cung cấp đủ hàng theo hợp đồng cho các đại lý nhưng họ vẫn không đủ hàng để bán, vì lượng hàng mà bình thường đại lý nhập trôi nổi giờ không thể mua được từ bên ngoài như trước đây. Khi không mua được hàng từ bên ngoài họ lại quay sang đề nghị đầu mối mà họ đứng tên phải tăng lượng bán nhiều hơn bình thường để bù đắp lượng thiếu hụt đó thì các đầu mối không thể đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến này vì việc nhập hàng của đầu mối đều đã có kế hoạch, theo nhu cầu của các cửa hàng, đại lý đăng ký với đầu mối.
Chưa kể, các thương nhân phân phối tư nhân, thì tỷ lệ nhập từ các nguồn hàng không ổn định, trôi nổi có thể sẽ còn cao hơn, dẫn đến nhiều cửa hàng xăng dầu thiếu hàng để bán, phải tạm ngưng bán, đóng cửa, chưa kể khó kiểm soát được chất lượng xăng dầu. Mà thực tế phần lớn đều là các cửa hàng xăng dầu tư nhân. Do đó, dù khi nhà nước đã có giải pháp trong điều hành giá thì nhiều cửa hàng xăng dầu vẫn không có hàng để bán. Lượng khách hàng lại đổ về các cửa hàng xăng dầu của nhà nước, dẫn đến dồn ứ, khó khăn cho người mua hàng.
Thực tế trên cho thấy cần thiết phải có biện pháp để có thể điều tiết tốt lượng xăng dầu nhập khẩu; đồng thời cần phải quy định đại lý của đầu mối nào thì chỉ được phép mua hàng từ đầu mối đó, có kế hoạch để đảm bảo nguồn hàng ổn định để các thương nhân dầu mối có thể chủ động trong đảm bảo nguồn cung cho các đại lý; tránh kiểu làm ăn chụp giật, gây khó khăn cho công tác quản lý, nhất là với mặt hàng đặc biệt như xăng dầu, có tác động lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước và vấn đề an ninh năng lượng quốc gia.