Có lần tôi đọc một bài viết về hội thơ được tổ chức ngày rằm tháng giêng năm Bính Thân 2016 ở Văn Miếu (Hà Nội) trên báo Tuổi Trẻ. Phóng viên mấy lần viết “hồ Thiên Quang Tỉnh”.

Thiên Quang tỉnh

19/10/2016, 14:55

Có lần tôi đọc một bài viết về hội thơ được tổ chức ngày rằm tháng giêng năm Bính Thân 2016 ở Văn Miếu (Hà Nội) trên báo Tuổi Trẻ. Phóng viên mấy lần viết “hồ Thiên Quang Tỉnh”.

Giếng Thiên Quang trong khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh: Tư liệu

Xin nói ngay rằng nơi mà nhà báo đề cập đến trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nổi tiếng ở thủ đô là cái giếng chứ không phải cái hồ, cái ao. "Tỉnh" là từ Hán Việt, nghĩa là cái giếng. Bậc đại nho Mạc Đĩnh Chi thời nhà Trần có bài phú Ngọc tỉnh liên (thường được gọi là Ngọc tỉnh liên phú) có nghĩa hoa sen trong giếng ngọc. Thiên Quang tỉnh nghĩa là giếng Thiên Quang.

Tỉnh là giếng, thường do con người tạo nên, nó khác với hồ. "Hồ" từ Hán Việt nghĩa là cái hồ, cũng để chỉ chỗ chứa nước, có sẵn trong tự nhiên, ví dụ hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây. Nhà nho Nguyễn Huy Lượng đầu thế kỷ 19 (năm 1801) viết bài Tụng Tây hồ phú (phú ca ngợi hồ Tây) qua đó ca ngợi công đức của nhà Tây Sơn và anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Còn "trì" là cái ao, ví dụ liên trì (ao sen), Mễ Trì (để chỉ nơi có nhiều lúa gạo, ví như một ao gạo).

"Thiên quang" có nghĩa là ánh sáng trời. Thiên Quang tỉnh có nghĩa cái giếng soi, phản chiếu ánh sáng bầu trời, nghĩa bóng là tri thức soi sáng con người. Chỉ cần viết Thiên Quang tỉnh, hoặc giếng Thiên Quang là đủ, là chính xác; còn viết “hồ Thiên Quang Tỉnh” tức là chả hiểu gì về đối tượng đang được nhắc đến, bị sai hoàn toàn.

Trong từ Hán, có những danh từ chung kết hợp với danh từ riêng khác để chỉ địa danh, ví dụ: giang (sông), hà (sông), sơn (núi), tự (chùa)…, tạo thành: Hoàng Hà (sông Hoàng), Trường Giang (con sông dài), Thái Sơn (núi Thái), Linh Sơn Tự (chùa Linh Sơn). Trong tiếng Việt ta, do bị ảnh hưởng nặng của chữ Hán cũng có những địa danh như vậy, ví dụ: Hồng Hà (sông Hồng), Đà Giang (sông Đà), Hương Giang (sông Hương), Ngũ Hành Sơn (núi Ngũ Hành), Thiên Phúc Tự (chùa Thiên Phúc). Chẳng ai lại nói, lại viết là sông Hồng Hà, sông Hương Giang (nhưng nếu nói dòng Hương Giang thì được), núi Ngũ Hành Sơn (nếu nói ngọn Ngũ Hành Sơn thì được)… Vì vậy, chả ai lại viết là giếng Thiên Quang Tỉnh, đã thế lại còn viết sai giếng thành hồ.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiên Quang tỉnh