Hầu hết học sinh đăng ký thi THPT quốc gia 4-5 môn, trong đó môn tự chọn được đăng ký thi nhiều nhất là vật lý, trong khi lịch sử rất ít học sinh chọn

Thí sinh chuộng vật lý, chê lịch sử

Một Thế Giới | 06/04/2015, 06:07

Hầu hết học sinh đăng ký thi THPT quốc gia 4-5 môn, trong đó môn tự chọn được đăng ký thi nhiều nhất là vật lý, trong khi lịch sử rất ít học sinh chọn

Trường THPT Nguyễn Công Trứ (TP HCM) hiện có 953 học sinh (HS) khối 12. Theo bản đăng ký môn thi, phần lớn HS thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn; có 330 HS đăng ký thi 5 môn và chỉ có 201 HS đăng ký thi 6 môn.

Hiếm hoi thí sinh thi lịch sử

Trong số các môn tự chọn, vật lý là môn được HS Trường THPT Nguyễn Công Trứ chọn nhiều nhất với 834 em, tiếp theo là hóa (521), sinh (270), địa (36), sử chỉ có 26 em đăng ký thi.

Bà Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), cho biết năm học này, trường có 420 HS khối 12, đa phần trong số đó chỉ thi 4 môn, số đăng ký thi 5 môn chỉ chiếm 20% và rất ít em chọn thi 6 môn. Môn vật lý được HS chọn nhiều nhất, tiếp theo là hóa, sinh, sử, địa.

Ngoài 3 môn bắt buộc, HS Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TP HCM) chọn thi môn vật lý nhiều nhất, tiếp theo là các môn hóa, sinh, địa, sử.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết trường đã khảo sát và kết quả cho thấy 90% HS chọn môn thi vật lý. Cả trường chỉ có 1 em chọn môn lịch sử; khoảng 50 em chọn môn địa lý, sinh học.

Còn theo ông Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội), năm nay trường có 432 HS thi THPT quốc gia. Qua khảo sát có khoảng 60% HS đăng ký thi vật lý, hóa học và không có em nào đăng ký thi môn lịch sử.

Tại Trường THPT Ứng Hòa B (Hà Nội), cả trường chỉ duy nhất 1 HS đăng ký dự thi môn  lịch sử. Tương tự, tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), trong số 350 HS  lớp 12, số đăng ký thi môn sử chiếm tỉ lệ thấp nhất với 6,35%.

Tại Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), trong số 360 HS  lớp 12 được khảo sát có 18,1% chọn thi môn sử; số còn lại đăng ký thi các môn vật lý, địa lý.

Chỉ nên chọn 4-5  môn thi

Lãnh đạo các trường THPT đều cho rằng xu hướng chọn môn thi như hiện nay là do HS đăng ký vào các trường xét tuyển khối A, A1, B, D. Bên cạnh đó, thi 4 môn HS đã có thể xét tuyển vào 2 khối là D (toán, văn, Anh) và A1 khi chọn thi thêm môn vật lý (toán, vật lý, Anh). Đây là những khối thi mà các em đã chọn từ rất sớm. Những HS đăng ký thi thêm 1-2 môn nữa chỉ là phương án dự phòng.

Các trường khối khoa học xã hội có ít khoa, ngành nên không hấp dẫn thí sinh. Theo PGS Văn Như Cương, phần lớn HS của trường chọn thi 5 môn, một số ít thi 4 môn và không em nào thi 6 môn trở lên. Đó cũng là xu hướng chung trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

“Sau khi tập huấn kỹ càng, cán bộ của trường sẽ lên từng lớp hướng dẫn việc khai hồ sơ cụ thể các HS lớp 12. Năm nay là năm đầu tiên đổi mới thi nên các em cần nghiên cứu cẩn thận trước khi chọn môn thi. Chọn môn gì để xét tuyển  vào trường nào là quyết định rất quan trọng ảnh hưởng đến tương lai của các em sau này” - một lãnh đạo của Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) lưu ý. Vị này cũng cho biết trường đã tổ chức các buổi tư vấn nghề nghiệp cho HS lớp 12 với lời khuyên được nhấn mạnh là không nên chọn thi nhiều môn để tránh bị quá sức. Năm môn là đủ cho việc vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ.

Yến Anh - Huy Lân/Người Lao Động

Đề thi tương tự bộ đề minh họa

PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), lưu ý: Từ ngày 1 đến hết 30-4, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên (thí sinh học tại trung tâm giáo dục thường xuyên) hoặc tại các Sở GD-ĐT (thí sinh tự do). Tại TP HCM, thí sinh tự do cũng có thể nộp hồ sơ ở Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP HCM (số 3 Công trường Quốc tế, quận 3). Đối với thí sinh tự do chưa tốt nghiệp, các em vẫn phải thi tốt nghiệp và xét tuyển theo quy định. Riêng thí sinh đã tốt nghiệp THPT chỉ cần thi các môn trong khối dự thi. Hình thức học và ôn thi không khác biệt giữa các thí sinh, đề thi tương tự bộ đề minh họa Bộ GD-ĐT vừa ban hành.
L.Thoa




Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thí sinh chuộng vật lý, chê lịch sử