Nhiều cuộc thi hoa hậu đang được tổ chức rầm rộ trên cả nước, với vô số kết quả, loạn danh xưng hoa hậu, người đẹp... Dư luận cho rằng đang có sự trục lợi từ những cuộc thi này.

Thi hoa hậu: Lạm dụng danh xưng, giảm phần giá trị

Bài, ảnh: Dạ Thảo | 29/07/2022, 10:22

Nhiều cuộc thi hoa hậu đang được tổ chức rầm rộ trên cả nước, với vô số kết quả, loạn danh xưng hoa hậu, người đẹp... Dư luận cho rằng đang có sự trục lợi từ những cuộc thi này.

Hào nhoáng danh hiệu

Tình trạng nở rộ các cuộc thi nhan sắc đang được bàn luận một cách sôi nổi trên các trang mạng xã hội. Nhiều luồng ý kiến cho rằng đang có quá nhiều cuộc thi hoa hậu, đến nỗi không thể nào nhớ nổi tên các cuộc thi, các người đẹp. Sự bùng phát ấy khiến cho danh hiệu danh giá bị xuống cấp thảm hại.

Việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, hoa hậu giờ đây đã được đưa về cho các tỉnh thành quản lý, cấp phép. Bởi thế, dường như việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp trở nên dễ dàng hơn, thậm chí dễ dãi, dù tất cả các cuộc thi này đều theo tiêu chí tôn vinh sắc đẹp, trí tuệ, ngoài ra còn góp vào việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Trước đây, khi nghị định 79 của Cục Nghệ thuật biểu diễn quy định mỗi năm chỉ được tổ chức 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia trong nước, nhiều đơn vị muốn tổ chức cuộc thi người đẹp đều phải đưa thí sinh ra nước ngoài. Những cuộc thi đó, không được Cục NTBD cấp phép, bị gọi là "thi chui". Tuy nhiên, khi nghị định 144/2020 ra đời, các cuộc thi hoa hậu không còn bị giới hạn nữa và các đơn vị tổ chức chỉ cần xin phép UBND cấp tỉnh thành, nơi diễn ra thi thì được phép. Đó chính là điều dư luận xã hội quan tâm và e ngại, bởi khi các cuộc thi người đẹp được tổ chức một cách rầm rộ thì danh xưng hoa hậu sẽ trở nên tầm thường, không được coi trọng.

Như chúng ta biết, ở các cuộc thi hoa hậu, điều gây nhiều tai tiếng là tình trạng mua bán danh hiệu, lựa chọn các người đẹp để phục vụ cho cá nhân. Có cuộc thi chỉ nhằm kêu gọi tài trợ với nguồn thu khổng lồ. Không ít đơn vị tổ chức thi đặt yếu tố kinh doanh và thu lợi lên trên mục tiêu tìm kiếm những người xứng đáng và góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng.

doanh-nhan-tran-thi-ai-loan-dang-quang-hoa-hau-quy-ba-viet-nam-toan-cau-2022-070200.jpg
Một trong những cuộc thi hoa hậu được tổ chức trong năm nay

Trước những phản ứng của xã hội, nhiều chuyên gia quản lý cho rằng đã có sự sàng lọc tất yếu với những cuộc thi không đủ tiêu chuẩn, không đảm bảo các yêu cầu, hoặc mua bán giải. Tuy nhiên, điều này khó thực hiện, hoặc nói như một doanh nghiệp "chờ được sự đào thải thì chúng tôi đã mất tiền". Hiện nay, tình trạng cuồng danh hiệu hoa hậu chưa chắc đã tới giai đoạn đỉnh điểm, nói gì đến thoái trào. Khi cánh cửa quy định mở ra, nhiều đơn vị không cần phải tổ chức thi chui hay đưa cuộc thi ra nước ngoài nữa mà đường hoàng tổ chức trong nước.

Danh xưng “hoa hậu” dường như luôn có hấp lực và giá trị “đánh bóng” tên tuổi hơn rất nhiều so với nhiều danh xưng khác. Có rất nhiều người đẹp, nữ doanh nhân vẫn chấp nhận dấn thân đua tranh bởi sự hào nhoáng của danh hiệu. Họ tham gia vào các cuộc thi hoa hậu vì nhiều lý do: đạt danh hiệu, muốn ngồi ở vị trí giám khảo, làm cố vấn... để được tôn vinh. Chính vì thế rất nhiều người vẫn lao vào cuộc thi như thiêu thân bất chấp mọi khuyến cáo.

Với rất nhiều bất cập đang diễn ra, việc thả nổi trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cần phải được nhìn nhận thấu đáo. Riêng ở lĩnh vực tổ chức thi hoa hậu, nữ hoàng… càng không thể chờ đợi đến khi khán giả bội thực rồi quay lưng, tẩy chay giống như với phim ảnh hay game show được. Muốn tránh tiền hậu bất nhất trong quy định, từ câu chuyện cấp phép đến xử phạt cần được xem xét kỹ lưỡng hơn, từ đó sẽ tạo tiền đề tích cực, tránh tiền lệ xấu, để không còn cảnh chạy theo xử lý vụ việc khi sự đã rồi.

Sẽ xử lý những cuộc thi vi phạm

Chia sẻ với phóng viên khi được hỏi về những cuộc thi hoa hậu đang được tổ chức một cách rầm rộ, NSƯT Trần Ly Ly - quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết do đại dịch COVID-19, nhiều kế hoạch, nhiều hoạt động nghệ thuật biểu diễn bị ngưng trệ. Vì vậy, ngay khi tình hình dịch được kiểm soát khá tốt, trong điều kiện “bình thường mới”, các cuộc thi người đẹp, người mẫu, hoa hậu cũng như hoạt động văn hóa nghệ thuật khác đồng loạt được tổ chức cũng là điều dễ hiểu.

"Với vai trò là cơ quan tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, Cục đã chỉ đạo các sở văn hóa xử lý những trường hợp vi phạm, hướng dẫn tháo gỡ điểm nghẽn trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định 144 cũng nêu rõ quy định về điều kiện, thủ tục tổ chức cuộc thi, điều kiện đối với cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi cũng như thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi nếu vi phạm các điều khoản có trong nghị định", bà Trần Ly Ly nhấn mạnh.

Bà Ly Ly nói trong thời gian tới việc tăng cường công tác hậu kiểm, giảm tiền kiểm, gắn trách nhiệm sẽ được chú trọng. Cục sẽ tư vấn cho sở văn hóa ở các tỉnh thành xử lý triệt để sai phạm của các cuộc thi, giám sát, hậu kiểm với các đơn vị tổ chức để tránh bị loạn thi. Ngoài ra, đơn vị tổ chức các cuộc thi nhan sắc phải cam kết thực hiện đúng theo đề án xin cấp phép, và cơ quan quản lý kiên quyết xử lý khi có vi phạm.

"Chúng ta cũng nên nhìn nhận đa chiều về các cuộc thi sắc đẹp. Bên cạnh một số hạn chế, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực từ các sân chơi này. Những cuộc thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản góp phần quan trọng trong việc quảng bá du lịch, tôn vinh nét đẹp văn hóa và con người Việt Nam. Nhiều người đẹp bước ra từ các cuộc thi sắc đẹp trong nước cũng có thành tích đáng kể trên đấu trường khu vực và quốc tế", bà Ly Ly chia sẻ.

Còn nhà thơ Dương Kỳ Anh - cha đẻ của các cuộc thi hoa hậu Việt Nam sau 1975 thì cho rằng hiện nay nhiều cuộc thi được tổ chức ra không rõ mục đích và quy mô, vẫn dùng danh xưng hoa hậu, gây bức xúc trong công chúng. Các cuộc thi hiện giờ thu đủ thứ tiền, từ tiền tham dự chương trình của thí sinh, cho tới thu tiền của giám khảo, cố vấn, người nhà thí sinh... 

"Chúng ta cần có những quy định cụ thể, chẳng hạn đơn vị nào mới được cấp phép tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, chứ không phải đơn vị nào cũng có quyền cấp phép. Phải là các đơn vị quản lý về văn hóa, các cơ quan liên quan đến văn hóa phải am hiểu văn hóa và phải có kinh nghiệm, kinh phí, phải tôn vinh cái đẹp lên hàng đầu… Quan điểm của riêng tôi, các cuộc thi hoa hậu nên giữ quy định cấm thí sinh đã phẫu thuật thẩm mỹ tham dự, chúng ta nên tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ Việt Nam. Sau khi tổ chức xong, cần có sự rà soát, quản lý về chất lượng của mỗi cuộc thi", ông Dương Kỳ Anh nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi hoa hậu: Lạm dụng danh xưng, giảm phần giá trị