Chú không kể nhiều về những mất mát, những vết thương chiến tranh. Chú chỉ cười hiền lành. Chú kể nhiều về hiện tại, về những niềm vui thường nhật nhất. Làm gì còn nước mắt nữa mà khóc! Những nỗi đau chú giữ chặt trong lòng. 

Theo bánh xe lăn

Một Thế Giới | 23/12/2013, 14:13

Chú không kể nhiều về những mất mát, những vết thương chiến tranh. Chú chỉ cười hiền lành. Chú kể nhiều về hiện tại, về những niềm vui thường nhật nhất. Làm gì còn nước mắt nữa mà khóc! Những nỗi đau chú giữ chặt trong lòng. 

Tôi gặp chú vào một buổi cùng lớp ghé Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng và người có công Long Đất (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) .

Trên chiếc xe lăn đã ngả màu cùng nắng gió biển, hình ảnh chú thương binh gầy gò, khuôn mặt suy tư, bàn tay miết theo từng vòng quay bánh xe lăn khiến tôi nín lặng.

Tôi ngỏ ý muốn đẩy dùm chú, chú cười hiền hậu nói để tự chú…tập thể dục. Đã bao năm nay, những vòng quay của bánh xe lăn luôn đi cùng chú...

Những năm tháng không tên

Câu chuyện về người thương binh bắt đầu từ những năm chú 18 tuổi. Quê ở Hải Phòng chú tham gia đi B vào chiến trường miền Nam. Rồi những năm sau đó chú Nguyễn Văn Phòng tham gia chiến tranh giúp nước bạn Campuchia chống chế độ diệt chủng những năm 1979.  

Chú là lính tăng thiết giáp, trong một lần lái chiếc xe tăng phản công quân địch, hoả lực của địch bắn trả dữ dội đã khiến xe tăng của chú bị lật và chú chịu thương tật 91%.

Khu điều dưỡng thương binh trở nên buồn hơn khi vừa mất 4 thương binh trong năm nay.

Theo sau bánh xe lăn, chú Phòng chỉ tay về phía dãy nhà đối diện. Dãy hành lang dài trở nên hun hút với những cánh cửa đóng. Khu thương binh vốn yên tĩnh nay trở nên ảm đạm hơn.

Chú Phòng nói nửa đùa nửa thật: “Những cánh cửa đóng là những phòng mà thương binh đã mất, quay đi quẩn lại không biết bao giờ… đến lượt mình”.

Cuộc sống của những người thương binh như chú Phòng trở nên mong manh hơn bao giờ! Chiến tranh đã lấy đi 91% sức lao động của chú và để lại những di chứng đau thương.

Mỗi khi trở trời thì những vết thương không lành lại gây ra những cơn đau quặn thắt. Khi hỏi về thuốc thang thì chú chỉ cười: “Thuốc tây uống lắm nó cũng… nhờn ra, uống vào thêm mệt các cháu ơi”.

Hình ảnh người thương binh  gầy gò, gương mặt đầy suy tư khiến tôi nghĩ nhiều về bố tôi. Cũng là thương binh “đi B” - cũng mang trên mình một mảnh đạn chiến tranh, mỗi khi trái gió trở trời bố lại đau nhức nhối. Bố tôi mất 31% sức lao động, nhưng vào cái tuổi trạc ngoại... ngũ tuần sức khoẻ của bố giảm rõ rệt, vỏ đạn càng hành hạ bố hơn.

Nay gặp chú, chú mất đến 91% sức lao động thì những cơn đau ấy chắc phải gấp hơn nhiều lần…

Và những nỗi buồn sau chiến tranh còn hơn thế…

Theo banh xe lan
 Đối với chú Phòng, Hải Phòng bỗng nhiên trở thành cố hương! Gia đình, người thân trở nên xa ngái!

Những niềm vui nhỏ bé

Theo sau chiếc xe lăn, chú dẫn  ra chiếc chuồng gà ở sân sau. Trên chiếc ổ nhỏ chú làm một con gà mái đang ấp ổ. Chú cẩn thận lấy từng quả trứng ra lau sạch, để trong nước kiểm tra xem chiếc nào còn nở được.

Cả khu thương binh chỉ mỗi chú Phòng nuôi gà, và ngạc nhiên hơn khi đàn gà gần tới cả trăm con, chú nuôi để chúng lớn, thả cho chúng tự bay nhảy quanh khoảng sân rộng.

Nuôi gà dường như trở thành một niềm vui nhỏ của chú, chú nói: “Nuôi cho vui vậy thôi chứ có bao giờ giết thịt đâu, thỉnh thoảng mấy người dân ở ngoài ghé mua, nhưng chú cho luôn”.

“Bạn trung thành” nhất của chú có lẽ là con chó vàng. Chú Phòng nuôi nó đã mấy năm nay, mỗi vòng quay của chiếc xe lăn tới đâu nó luôn theo sát tới đó.

Tôi lại gần chú hơn, con chó liền lao lại. May chú “mắng” kịp. Chú cười nói: “Nó khôn lắm, đã nuôi nó mấy năm nay nên đi đâu là nó theo đó. Bảo nó gì nó cũng nghe”.

Thấy chú cười mà mà tôi thấy cay cay khoé mắt. Bao nhiêu năm nay, triệu người quen có mấy người thân với chú?

Tôi chợt nhận ra sau những thú vui nhỏ bé ấy là một nỗi buồn lớn. Quê chú ở Hải Phòng, chú phải xa quê, xa gia đình từ lúc nhập ngũ. Vài năm chú mới về quê được đôi lần vì sức khoẻ chú không cho phép.

Hải Phòng bỗng nhiên trở thành cố hương! Gia đình, người thân trở nên xa ngái!

Những vết thương chiến tranh cũng không cho phép chú có một gia đình như người khác. Những người bạn thời chiến nay người còn, người mất. Quay đi nhìn lại chỉ những vòng quay của bánh xe lăn là thân thuộc với những người thương binh như chú

Những chuyến thăm của khách đến với khu điều dưỡng  nhanh chóng qua đi. Biết bao người đã đến nhưng thử hỏi có mấy người quen?

Chú không kể nhiều về những mất mát, những vết thương chiến tranh. Chú chỉ cười hiền lành. Chú kể nhiều về hiện tại, về những niềm vui thường nhật nhất. Làm gì còn nước mắt nữa mà khóc! Những nỗi đau chú giữ chặt trong lòng.

Chú quý từng người chú gặp, nên khi chúng tôi ghé thăm chú tiếp như những người quen từ lâu vậy. Chú vẫn hát như một người lính trẻ trong ca khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”… Những lúc đó tôi lại cảm thấy một khu thương binh hào hùng với những người lính. Chất thép của những người lính vẫn còn cháy mãi trong những người như chú…

Đức Lộc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Theo bánh xe lăn