Việt Nam tiếp nhận thêm 3.000.060 liều vắc xin Moderna do chính phủ Mỹ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX, trong đó 1.499.960 liều đã được chuyển đến TP.HCM hôm nay (24.7).
1.500.100 liều vắc xin Moderna còn lại sẽ đến Hà Nội vào 25.7.
Nguồn vắc xin bổ sung này giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý 1/2022.
Đây là lô vắc xin Moderna thứ hai đến Việt Nam trong tháng này, nâng tổng số vắc xin do chính phủ Mỹ hỗ trợ Việt Nam thông qua Cơ chế COVAX lên đến hơn 5 triệu liều.
Hôm 10.7, Mỹ đã tặng Việt Nam 2 triệu liều vắc xin Moderna qua cơ chế COVAX.
Bà Lesley Miller, Quyền Trưởng Đại diện Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc Việt Nam (UNICEF), nói: "Lô vắc xin này đến đúng vào thời điểm quan trọng với Việt Nam, khi làn sóng COVID-19 thứ tư đang xảy ra. Vắc xin do chính phủ Mỹ hỗ trợ thông qua COVAX sẽ thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam nhằm bảo vệ nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu, người cao tuổi và các nhóm ưu tiên khác do chính phủ Việt Nam quy định".
Vắc xin này được hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX. Theo đó các quốc gia có lượng vắc xin dồi dào chia sẻ vắc xin với các quốc gia khác nhằm giúp bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao nhất trên toàn cầu. Số vắc xin này sẽ góp phần việc thực hiện mục tiêu đạt tỉ lệ tiêm chủng 20% ở các quốc gia thu nhâp thấp và trung bình trong Giai đoạn phân bổ vắc xin đầu tiên.
Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) đồng khởi xướng, UNICEF là đối tác thực hiện chính.
Trong nhiều tháng qua, các đối tác COVAX bao gồm CEPI, GAVI, WHO và đối tác cung ứng UNICEF, đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực sẵn sàng và triển khai vắc xin COVID-19 trên toàn quốc.
Đến nay Việt Nam đã tiếp nhận hơn 14 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 thông qua các nguồn khác nhau, trong đó có 7.493.300 liều vắc xin COVID-19 với 4 lô hàng từ Cơ chế COVAX bao gồm 5.000.100 liều vắc xin Moderna do Chính phủ Mỹ hỗ trợ và 2.493.200 liều AstraZeneca.
Trong quý 3.2021, Pfizer cam kết sẽ chuyển cho Việt Nam 3,5 triệu liều vắc xin, tăng 500.000 liều so với lộ trình dự kiến trước đó.
Dự kiến Pfizer sẽ chuyển 20 triệu liều vắc xin để tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi trong năm 2021.
Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 24.7, tổng số liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm ở Việt Nam là 4.478.757, trong đó tiêm 1 mũi cho 4.125.156 người và tiêm 2 mũi cho 353.601 người.
Vắc xin COVID-19 của Moderna chống lại biến thể Delta hiệu quả hơn so với Beta
Hãng dược Moderna cho biết vắc xin COVID-19 của họ có triển vọng chống lại biến thể Delta (được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ) trong một nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, với hiệu quả giảm nhẹ so với SARS-CoV-2 ban đầu.
Nghiên cứu được thực hiện trên huyết thanh của 8 người tham gia thu được một tuần sau khi họ nhận được liều thứ hai của vắc xin Moderna (mRNA-1273).
Theo hãng Moderna (Mỹ), vắc xin đã tạo ra phản ứng kháng thể chống lại tất cả các biến thể được thử nghiệm, nhưng vẫn kém hơn trong mọi trường hợp với hoạt động vô hiệu hóa của vắc xin chống lại chủng coronavirus ban đầu được tìm thấy lần ở Trung Quốc.
Dữ liệu cho thấy vắc xin của Moderna hiệu quả hơn nhiều trong việc tạo ra kháng thể chống lại biến thể Delta so với biến thể Beta được xác định lần đầu tiên ở Nam Phi.
Với ba phiên bản của biến thể Beta, các kháng thể trung hòa được kích thích bằng vắc xin giảm từ 6 đến 8 lần so với các kháng thể được tạo ra chống lại chủng ban đầu, trong khi mức giảm khiêm tốn từ 3,2 đến 2,1 lần với các dòng biến thể lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ gồm Delta và Kappa.
"Những dữ liệu mới này đang khuyến khích và củng cố niềm tin của chúng tôi rằng vắc xin Moderna có thể duy trì khả năng bảo vệ chống lại các biến thể mới được phát hiện", Giám đốc điều hành Moderna - Stéphane Bancel nói.