Reuters cho hay: vào sáng sớm 12.2, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo ra vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Theo tuyên bố của văn phòng Hội đồng tham mưu trưởng Hàn Quốc thì quả tên lửa đã được phóng đi từ một khu vực ở phía tây Triều Tiên, nhưng chi tiết ra sao thì không được tiết lộ.

Thấy gì từ việc Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo?

12/02/2017, 22:19

Reuters cho hay: vào sáng sớm 12.2, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo ra vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Theo tuyên bố của văn phòng Hội đồng tham mưu trưởng Hàn Quốc thì quả tên lửa đã được phóng đi từ một khu vực ở phía tây Triều Tiên, nhưng chi tiết ra sao thì không được tiết lộ.

Tại sao Bình Nhưỡng bất chấp nguy hiểm, thực hiện các vụ thử hạt nhân?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng tiết lộ trong thông điệp mừng năm mới 2017 rằng Bình Nhưỡng đã tiến gần tới việc thử nghiệm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), có khả năng vươn tới lục địa Mỹ và một vụ thử như vậy có thể diễn ra bất kỳ lúc nào. Và nay thì dường như nó (tên lửa) đã được phóng đi sau khi tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vừa kết thúc chuyến thăm hai đồng minh đông Bắc Á, Nhật – Hàn.

Có lẽ dư luận chưa quên sự kiện ngày 9.9.2016 khi Triều Tiên tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ 5 chỉ trong thời gian có 2 tuần. Đó được xem là cuộc thử nghiệm quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng. Sự việc ngay lập tức bị thế giới lên án. Phương Tây kêu gọi áp đặt các lệnh cấm vận "nghiêm khắc chưa từng có trong lịch sử" lên xứ Bắc Hàn.

Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo có thể được nhận diện là thực thi chiến lược "xa Trung" để gần Mỹ của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un

Hàn Quốc thì lên án các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và thách thức trực tiếp cộng đồng quốc tế. Các nhà lập pháp của đảng cầm quyền Saenuri tại Hàn Quốc cũng đã kêu gọi chính quyền nước này cân nhắc việc xây dựng tàu ngầm hạt nhân để đối phó hiệu quả với kỹ thuật hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Còn Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết việc phát triển hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Nhật Bản, và Tokyo sẽ xem xét biện pháp trừng phạt nặng với Bình Nhưỡng. Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada cũng cho rằng tiến bộ của Bình Nhưỡng trong công nghệ tên lửa đạn đạo đe dọa nghiêm trọng Nhật Bản

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì lên tiếng kiên quyết phản đối các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng ngưng dùng những hành động tương tự để làm trầm trọng thêm tình hình. Ngay tại Hội nghị G-20 Hàng Châu 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã tái khẳng định cam kết thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Cuối cùng thì một lệnh trừng phạt Triều Tiên về các vụ thử tên lửa đạn đạo hồi tháng 9.2016 cũng đã được LHQ thông qua. Song động thái mới nhất của Bình Nhưỡng cho thấy "Kim Jong-un sẽ lại chỉ kiếm được nhiều biện pháp trừng phạt và cô lập. Hành động khiêu khích sẽ tiếp tục đẩy nhanh Bình Nhưỡng đến chỗ tự hủy diệt”, theo nhận định của The Straits Times.

Dư luận đặt câu hỏi là biết sự việc rất nguy hiểm vậy nhưng tại sao nhà lãnh đạo trẻ tại xứ Bắc Hàn vẫn tiếp tục thách thức cả thế giới? Có lẽ những vụ thử hạt nhân trước đây cũng như vụ thử ngày 12.2.2017 của Bình Nhưỡng đều có thể được nhận diện là hành động thực thi một chiến lược cực kỳ quan trọng của Bình Nhưỡng.

Chiến lược “xa Trung để gần Mỹ” của Kim Jong-un

Có thể thấy rằng hậu quả của việc độc quyền lãnh thổ mà Trung Nam Hải áp dụng cho xứ Bắc Hàn quá nguy hại với quốc gia này. Nguy hiểm nhất là những kế hoạch hợp tác, những chính sách bang giao của Bình Nhưỡng dường như đều bị xem là thực hiện ý đồ của Bắc Kinh, và Triều Tiên chỉ là cánh tay phá hoại nối dài của Trung Quốc.

Trước những thiệt hại quá lớn bởi việc độc quyền lãnh thổ gây ra cho Triều Tiên, có thể nhận diện Kim Jong-un đã có chiến lược “thoát Trung”. Tuy nhiên, thoát Trung bắng cách nào? Sau bao nhiêu năm bị thiệt hại bởi độc quyền lãnh thổ của Trung Nam Hải, sức mạnh quốc gia của Triều Tiên có lẽ chỉ còn là chính sách Songun - sức mạnh quân sự là trên hết.

Vì vậy, củng cố và phát huy Songun đã là tâm điểm trong chiến lược thoát Trung của nhà lãnh đạo trẻ Bắc Hàn. Và đó từng được xem là cơ sở cho việc triệu tập Đại hội lần thứ 7 đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 5.2016. Việc tổ chức đại hội đảng tại Triều Tiên được xem là sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của đất nước này.

Nghị quyết Đại hội lần thứ 7 đảng Lao động Triều Tiên đã khẳng định tiếp tục phát triển Songun. Như vậy, Kim Jong-un đã chính thức gửi chiến lược thoát Trung tới Bắc Kinh. Có thể thấy, mọi chính sách hay kế hoạch hành động trong phát triển sức mạnh quân sự, nhất là kỹ thuật hạt nhân, dưới thời Kim Jong-un đều có sự lệch pha giữa Triều Tiên và Trung Quốc.

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh trump nhậm chức

Tổng thống Trump vào Nhà Trắng được xem là cơ hội thoát Trung cho Kim Jong-un

Trước những hành động “chướng tai gai mắt” của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đã phải lên tiếng chỉ trích và đồng thuận với biện pháp cấm vận mà Liên Hợp Quốc áp dụng với Triều Tiên. Song đây lại chính là thắng lợi quan trọng trong chiến lược thoát Trung của Kim Jong-un. Thế mới thấy để có thể độc lập, Bình Nhưỡng phải chấp nhận rất nhiều thiệt hại qua “khổ nhục kế” của mình.

Vậy nhưng “thoát Trung” thì Kim Jong-un hướng tới đâu? Có thể nhận diện nước Mỹ là nơi chiến lược đối ngoại của Triều Tiên thời Kim Jong-un hướng tới. Theo ông Jane Harman, Giám đốc điều hành Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson của Mỹ cho biết, ngay từ năm 1974 Bắc Triều Tiên đã cố gắng kết nối với Mỹ nhưng đã không được Washington đáp lại.

Tuy nhiên, ông Jane Harman - người từng phục vụ trong Hạ viện Mỹ từ năm 1993 đến năm 2011- cho rằng đã đến lúc Mỹ phải đối thoại với Triều Tiên và đó là cách duy nhất giúp Washington có thể giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, theo tường thuật của The Washington Post ngày 30.9.2016.

Song cho đến lúc này, kết quả hành động của Kim Jong-un đều chưa được như mong đợi, Bình Nhưỡng chưa thể đối thoại trực tiếp với Washington. Có thể do Washington còn hoài nghi về chiến lược “thoát Trung” của Kim Jong-un, khiến Washington chưa sẵn sàng cho việc bắt tay với Bình Nhưỡng, hoặc có sự phá đám của Bắc Kinh trong cạnh tranh nước lớn.

Vì vậy, có thể nhận diện việc Bình Nhưỡng tiếp tục cho thử tên lửa đạn đạo là nhằm chứng minh với Washington rằng Bình Nhưỡng không còn là “cánh tay phá hoại nối dài” của Bắc Kinh. Khi Tổng thống Trump bước vào Nhà Trắng, càng “xa Trung” thì Kim Jong-un càng có cơ hội gần Mỹ, bởi dưới triều đại Trump lợi ích của các bên được cho là dễ lượng hóa và đổi trao, do vậy nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên sẽ không bỏ lỡ cơ hội này.

Ngọc Việt

Bài liên quan
Loa phát thanh Triều Tiên ảnh hưởng sức khỏe người dân vùng biên giới
Trang The Korea Herald cho biết cư dân vùng biên giới liên Triều phải chịu tiếng ồn từ loa phát thanh của CHDCND Triều Tiên suốt nhiều tháng, khiến sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nặng nề.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì từ việc Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo?