Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar, quan chức cao cấp nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan nếu tính 40 năm trở lại đây, đã ca ngợi thành công của chính quyền Đài Bắc trong việc ngăn chặn COVID-19 là "một sự tôn vinh đối với tinh thần dân chủ, cởi mở, minh bạch của xã hội và văn hóa Đài Loan".

Thấy gì từ chuyến thăm ‘lịch sử’ của Bộ trưởng Y tế Mỹ tới đảo Đài Loan

11/08/2020, 16:00

Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar, quan chức cao cấp nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan nếu tính 40 năm trở lại đây, đã ca ngợi thành công của chính quyền Đài Bắc trong việc ngăn chặn COVID-19 là "một sự tôn vinh đối với tinh thần dân chủ, cởi mở, minh bạch của xã hội và văn hóa Đài Loan".

Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 10.8 - Ảnh: CNA

Cả Washington và Đài Bắc đều nhấn mạnh rằng chuyến đi của ông Azar chỉ để tăng cường hợp tác y tế chống lại COVID-19. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy động thái này đã được khéo léo sắp xếp để khiến Trung Quốc cảm thấy lo lắng trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục leo thang.

Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, cho biết: “Bắc Kinh phản đối mọi tương tác giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan, vì vậy rõ ràng chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế Mỹ tới đảo chắc chắn sẽ chọc giận họ. Người Trung Quốc đang đặc biệt cảnh giác vì họ cho rằng Mỹ có thể đang làm suy yếu cam kết hoặc thậm chí từ bỏ nguyên tắc "một Trung Quốc”.

Sau khi Mỹ thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc vào tháng 1.1979, Washington đã tránh xa các cuộc gặp gỡ cấp cao với các quan chức Đài Loan vì tuân thủ nguyên tắc nói trên, mà trong đó khẳng định rằng hòn đảo tự trị Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã thay đổi dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ngay cả trước khi nhậm chức, ông Trump đã nhận điện chúc mừng bất thường từ nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào tháng 12.2016 và khẳng định mối quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ giữa Washington và Đài Bắc.

Đạo luật Du lịch Đài Loan, được ông Trump ký ban hành vào tháng 3.2018, rõ ràng khuyến khích các chuyến thăm của các quan chức cấp cao của cả hai bên, ngay cả khi không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Mặc dù vậy, không có cuộc gặp song phương đáng chú ý nào diễn ra trong 2 năm sau đó. Nhưng với sự xích mích giữa Washington và Bắc Kinh leo thang trong thời gian gần đây, việc chính quyền Trump cử một thành viên nội các đến Đài Loan được cho là một động thái ngoại giao chiến lược.

Carla Freeman, giám đốc điều hành của Viện Chính sách đối ngoại SAIS tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) nhận định rằng chuyến đi của Bộ trưởng Y tế Mỹ "dường như được Nhà Trắng thiết kế để phát tín hiệu cho Bắc Kinh về sự hỗ trợ của Mỹ đối với Đài Bắc, đồng thời tạo cơ hội cho một quan chức Mỹ có bài phát biểu tại Đài Bắc", liên kết xã hội dân chủ với phản ứng COVID-19 thành công của Đài Loan.

Phản ứng trước sự kiện trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5.8 đã lên tiếng phản đối chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Y tế Mỹ tới Đài Loan. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân, cũng chỉ trích các tương tác chính thức giữa Mỹ và Đài Loan.

Ông Uông cho biết eo biển Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất đối với mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ dừng tất cả các trao đổi chính thức với Đài Loan để tránh thiệt hại cho quan hệ Trung – Mỹ và giữ ổn định eo biển Đài Loan”, ông nói.

Một người phát ngôn khác của Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên hôm 10.8 cũng lên tiếng phản đối chuyến thăm của ông Azar, thúc giục Mỹ tôn trọng nguyên tắc "một Trung Quốc", dừng mọi hình thức tương tác và liên lạc chính thức với Đài Loan. "Những gì Washington đang làm đã vi phạm nghiêm trọng các cam kết của Mỹ trong vấn đề Đài Loan”, ông nói.

Trong khi đó, một bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu thuộc cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã mô tả chuyến đi của Bộ trưởng Y tế Mỹ đến hòn đảo này là một sự khiêu khích.

“Washington muốn làm suy yếu các quy tắc hiện có giữa Trung Quốc và Mỹ trong việc xử lý vấn đề Đài Loan. Cộng đồng quốc tế, bao gồm cả người Mỹ, biết rằng Washington đang cố tình khiêu khích và gây áp lực với Trung Quốc. Chúng ta cũng nên làm cho xã hội Đài Loan nhận ra rằng việc nuông chiều chính quyền bà Thái Anh Văn trong việc củng cố quan hệ Mỹ - Đài Loan là một động thái nguy hiểm. Những hành động này là chỉ một con tốt trong chiến lược cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc”, bài xã luận viết.

Đáng chú ý, chỉ một giờ trước khi cuộc họp giữa ông Azar và lãnh đạo Thái Anh Văn bắt đầu, cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết máy bay chiến đấu Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến trên eo biển với đại lục nhưng sau đó "bị đuổi đi" bởi không quân Đài Loan.

Mỹ dường như không lùi bước

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar đã chỉ trích cách xử lý đại dịch ban đầu của Trung Quốc song song với việc ca ngợi sự thành công chống dịch của Đài Loan. "Đài Loan là mô hình tiêu biểu cho sự minh bạch trong việc chia sẻ thông tin y tế. Còn Trung Quốc đã ngăn cản Đài Loan quay trở lại ghế quan sát viên Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA)”, ông nói.

Ông Azar cho biết chuyến đi của ông "thể hiện mối quan hệ đối tác bền chặt giữa Mỹ và Đài Loan về y tế và an ninh sức khỏe toàn cầu, một trong nhiều khía cạnh của tình hữu nghị toàn diện”.“Chúng tôi coi Đài Loan là một đối tác quan trọng, và là một minh chứng cho thành công của nền dân chủ và động lực vì những điều tốt đẹp trên thế giới”, ông nói.

“Chuyến thăm của chúng tôi có 3 mục đích chính. Thứ nhất là để công nhận Đài Loan là một xã hội cởi mở và dân chủ, đã đưa ra phản ứng COVID-19 minh bạch và thành công cao. Thứ hai là để tái khẳng định Đài Loan là một người bạn và đối tác lâu dài của Mỹ. Và thứ ba là để tuyên bố với thế giới rằng Đài Loan xứng đáng được công nhận là một nhà lãnh đạo y tế toàn cầu, với thành tích xuất sắc trong việc đóng góp cho y tế quốc tế", quan chức y tế Mỹ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Azar và người đứng đầu Cơ quan Y tế Đài Loan Chen Shih-chung đã cùng chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ lịch sử mở rộng hợp tác y tế giữa Mỹ và Đài Loan.

Mỹ và Đài Loan dự kiến ​​sẽ tổ chức các cuộc thảo luận chi tiết về việc thúc đẩy Đài Loan tham gia với tư cách quan sát viên tại cuộc họp của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) vào mùa thu này. Trước đó, Mỹ đã từng vận động để Đài Loan tham dự cuộc vào tháng 5, nhưng đã bị Trung Quốc phản đối và ngăn chặn.

Hoàng Vũ (theo Nikkei)

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì từ chuyến thăm ‘lịch sử’ của Bộ trưởng Y tế Mỹ tới đảo Đài Loan