Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh từ tháng 1.2016 đến tháng 3.2020, huyện này đã dính nhiều sai phạm trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quản lý đất đai.

Thanh tra TP.HCM phát hiện hàng loạt sai phạm về đất đai tại Bình Chánh

Phan Thị Diệu | 01/09/2020, 21:08

Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh từ tháng 1.2016 đến tháng 3.2020, huyện này đã dính nhiều sai phạm trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quản lý đất đai.

Theo đó, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đến nay Bình Chánh đã có 50 đồ án được phê duyệt với tổng diện tích là 6.592,32 ha. Tuy nhiên, tỷ lệ phủ kín quy hoạch mới chỉ chiếm 26,1% tổng diện tích của huyện (25.255 ha). Điều này gây ảnh hưởng khó khăn cho người sử dụng đất, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện.

Trong khi đó, việc tổ chức, thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện Bình Chánh cũng còn thấp so với các chỉ tiêu đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Tại nhiều dự án, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn kéo dài, thời gian trình thẩm định đơn giá bồi thường chậm, giá bồi thường chưa sát thực tế nên phát sinh khiếu nại của người dân. Không những vậy, năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư kém, một số trường hợp không có khả năng tài chính để thực hiện dự án dẫn đến chậm tiến độ triển khai các dự án.

Kết luận của Thanh tra TP.HCM cũng chỉ rõ trong các năm 2016, 2017, 2018, 2019, UBND huyện Bình Chánh đều chậm gửi hồ sơ đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm đến Sở Tài nguyên - Môi trường để tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất theo quy định Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Việc trình kế hoạch sử dụng đất các năm 2016 - 2018 để Sở Tài nguyên - Môi trường thẩm định trên cơ sở xác định chung của UBND các xã, thị trấn không thực hiện thủ tục xác định về nhu cầu sử dụng đất của từng hộ gia đình cá nhân.

Bản đồ kế hoạch sử dụng đất cũng không thể hiện các khu vực dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Điều này là thực hiện không đúng quy định tại Điều 56, 57, 58, 67 về lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm, xây dựng báo cáo thuyết minh, thẩm định phê duyệt và công bố công khai… theo Thông tư số 29/TT-BTNMT ngày 2.6.2014 của Bộ Tài nguyên - Môi trường quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Về giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất, qua kiểm tra thành phần hồ sơ chuyển mục đích sang đất ở có diện tích lớn trên 1.000m2, Thanh tra TP.HCM nhận thấy có các sai sót như thành phần hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 6; điểm b, Khoản 2, Điều 67 Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 2.6.2014 của Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Thanh tra TP.HCM cũng cho biết kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện Bình Chánh được phê duyệt trong quý 2, 3, 4 năm kế hoạch, nên các trường hợp huyện Bình Chánh giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất là trước khi kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cạnh đó, kế hoạch sử dụng đất hàng năm 2016 - 2018 của UBND huyện Bình Chánh được lập căn cứ trên cơ sở xác định của UBND các xã, thị trấn không thể hiện các khu vực dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên bản đồ kế hoạch sử dụng đất.

Do đó, Thanh tra TP.HCM cho rằng việc thực hiện cho chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là chưa đầy đủ cơ sở pháp lý theo quy định tại Điều 52, Luật Đất đai 2013.

Liên quan đến việc quản lý xây dựng và trật tự xây dựng, cấp phép xây dựng, Thanh tra TP.HCM đánh giá UBND huyện Bình Chánh ban hành quy trình thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ số QT-CPXD-01 ngày 2.11.2017 là có thực hiện công khai bằng hình thức niêm yết tại bộ phận tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ trực thuộc Văn phòng HĐND và UBND huyện Bình Chánh.

Tuy nhiên, UBND huyện Bình Chánh chưa tiến hành cắm mốc ngoài thực địa để xác định lộ giới các hẻm, chỉ giới xây dựng để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng, từ đó thực tế phát sinh trường hợp cấp giấy phép xây dựng nhưng hạ tầng khu vực chưa đảm bảo.

Đáng chú ý, Thanh tra TP.HCM còn kết luận công tác kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng, việc xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng và UBND TP.HCM còn nhiều trường hợp chưa được thực hiện dứt điểm.

Vì vậy, Sở Xây dựng phải chấn chỉnh trong công tác phối hợp, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cơ quan này cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện các quyết định cưỡng chế thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP.HCM, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng và các trường hợp đã có quyết định xử phạt.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh tra TP.HCM phát hiện hàng loạt sai phạm về đất đai tại Bình Chánh