Thanh toán không dùng tiền mặt nhằm kiểm soát đầu cơ vàng trong bối cảnh nhu cầu tích trữ vàng của người dân đang ở mức cao.
Thị trường và chính sách

Thanh toán không dùng tiền mặt kiểm soát đầu cơ vàng

Tuyết Nhung 15/06/2024 10:05

Thanh toán không dùng tiền mặt nhằm kiểm soát đầu cơ vàng trong bối cảnh nhu cầu tích trữ vàng của người dân đang ở mức cao.

Nói về tình hình nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong thời đại kỷ nguyên số, việc thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu để hội nhập quốc tế và giảm các chi phí cần thiết trong quá trình sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

2b262541-a546-4287-a66d-f339f40d0b87.jpeg
Vàng là một trong những mặt hàng được đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt để cơ quan thuế có thể quản lý - Ảnh: IT

Nhận thức được tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt trong thời đại kỷ nguyên số, trong những năm qua Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực tài chính.

“Trước đây Kho bạc Nhà nước có kho chứa tiền, xe chở tiền, nhưng nay thanh toán không tiền mặt, kho bỏ không, xe thanh lý bán đấu giá hết", người đứng đầu ngành tài chính chia sẻ. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tích cực hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường quy định các khoản thu, chi ngân sách nhà nước bắt buộc phải thanh toán qua tài khoản; thu hẹp dần các khoản chi không dùng tiền mặt.

Về thu ngân sách, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Kho bạc Nhà nước đang không ngừng mở rộng phối hợp thu ngân sách với các ngân hàng thương mại. Kết quả, đến nay hơn 99% giao dịch thu ngân sách đã thực hiện theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Về chi ngân sách, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; đồng thời, triển khai trên diện rộng việc thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách.

“Đến nay, đã có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 3.000 tỉ đồng”, Bộ trưởng Phớc nói.

Ngành tài chính cũng đặc biệt chú trọng đảm bảo bảo mật không dùng tiền mặt trong thu chi ngân sách nhà nước (NSNN). Từ năm 2013, Kho bạc Nhà nước đã dùng 100% chữ ký số giữa kho bạc với các đơn vị sử dụng NSNN và ngân hàng thương mại.

“Năm 2023, tỷ lệ thu NSNN bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt 99,93% trong tỷ lệ thu NSNN qua kho bạc. Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng chiếm 99,9% tổng chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước”, Bộ trưởng Phớc cho biết.

Tuy nhiên, theo bộ trưởng, bên cạnh những thuận lợi của thanh toán không dùng tiền mặt, chúng ta cũng đang phải đối mặt với vấn đề bảo mật và an ninh mạng.

Bộ trưởng Tài chính cho rằng trong thanh toán không dùng tiền mặt thì vấn đề bảo mật và an ninh cần được đặc biệt coi trọng, nhất là đối với các đối tượng người lớn tuổi chưa làm quen với công nghệ để làm sao vừa đảm bảo thuận tiện cho những người già, người lớn tuổi cũng có thể sử dụng được nhưng vẫn đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin.

Để đẩy nhanh hơn nữa việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các ngân hàng thương mại tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng thực hiện thu - chi ngân sách nhà nước và coi đây là những khách hàng đặc biệt.

Mặt khác, ngân hàng đẩy mạnh phát triển các công cụ thanh toán hiện đại để tăng tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là các tiện ích trên thiết bị di động nhằm khuyến khích người sử dụng tự nguyện chuyển sang thanh toán không tiền mặt.

"Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc quản lý hàng hóa và giá cả. Ví dụ khi kiềm chế việc tăng giá vàng, chúng ta đang đưa ra điều kiện phát hành hóa đơn điện tử và có thể thanh toán không dùng tiền mặt nhằm kiểm soát đầu cơ vàng và cả khả năng rửa tiền”, Bộ trưởng Phớc cho biết thêm.

Tổng cục Thuế mới đây đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời xử lý các cơ sở kinh doanh vàng không xuất hóa đơn điện tử kịp thời cho người mua.

Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nhu cầu tiêu thụ vàng. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, năm 2023, nước ta tiêu thụ khoảng 55,5 tấn vàng. Tuy nhiên, các giao dịch mua bán vàng bạc thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ, khiến thất thu thuế trong lĩnh vực này.

Tại chỉ thị ngày 2.5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thanh tra ngay với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng. Thủ tướng yêu cầu các giao dịch mua, bán kim loại quý này phải có hóa đơn điện tử để tăng minh bạch. Các doanh nghiệp không thực hiện, chế tài mạnh nhất là thu hồi giấy phép hoạt động.

Để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua; tổ chức giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Tổng cục Thuế khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, qua đó tạo thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần bảo vệ quyền lợi khi mua hàng.

Chuyên gia kinh tế tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thanh toán không dùng tiền mặt nên áp dụng cho tất cả các giao dịch vàng. Từ trước đến nay, các đơn vị kinh doanh vàng sử dụng tiền mặt nhiều để tránh cơ quan thuế nắm doanh thu, giảm số thuế phải đóng. Vì vậy, những giao dịch qua ngân hàng sẽ sàng lọc, đặc biệt giúp hoạt động phòng chống rửa tiền tốt hơn.

Theo quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền, các giao dịch trên 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Chính phủ cũng đang thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế của thời đại.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị kinh doanh vàng nghiêm túc báo cáo giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên, nhằm nhận diện mức độ rủi ro về rửa tiền.

"Theo đó, nhà điều hành nhắc nhở các ngân hàng, đơn vị kinh doanh vàng bạc đá quý và công ty trung gian thanh toán tăng cường nhận biết khách hàng theo quy định về phòng chống rửa tiền. Việc này nhằm nhận diện mức độ rủi ro về rửa tiền và nguồn gốc tài sản của khách hàng", TS Hiếu cho hay.

Theo vị chuyên gia, việc thanh toán không tiền mặt khi mua bán vàng miếng là phù hợp, không tác động nhiều đến thị trường vàng.

Bài liên quan
Nhiều tiệm vàng bán trang sức giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng
Thời gian qua, thị trường vàng diễn biến phức tạp, giá tăng nóng, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng chức năng liên tục thanh tra, kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh toán không dùng tiền mặt kiểm soát đầu cơ vàng