Chương trình trọng điểm Một Vành Đai Một Con Đường (BRI) của Trung Quốc đã đổ khá nhiều tiền đầu tư, khiến thành phố Sihanoukville thay đổi chóng mặt, và dân địa phương bị chia rẽ.

Thành phố biển Campuchia trở thành ‘đặc khu’ sòng bạc Trung Quốc

04/08/2018, 15:30

Chương trình trọng điểm Một Vành Đai Một Con Đường (BRI) của Trung Quốc đã đổ khá nhiều tiền đầu tư, khiến thành phố Sihanoukville thay đổi chóng mặt, và dân địa phương bị chia rẽ.

Sòng bạc, nhà hàng Trung Quốc ở Sihanoukville - Ảnh: Getty Images

Theo báo Guardian, không như Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Thủ tướng Hun Sen rất trọng nguồn đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia, đảm bảo nước này là một phần của BRI ở Đông Nam Á.

Vùng biển phía nam Campuchia hiện có nhiều nhà máy điện và cơ sở khai thác dầu khí trị giá 4,2 tỉ USD, đều do các công ty Trung Quốc điều hành.

Trung Quốc xây cảng Sihanoukville - Ảnh : Reuters

“Không còn có chỗ cho người Campuchia ở Sihanoukville”

Sihanoukville là thành phố cảng nước sâu duy nhất của Campuchia, và là một phần trong dự án BRI do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, nên thành phố là một điểm đến của các nhà đầu tư Trung Quốc. Ở bất kỳ đâu đều có các dự án xây dựng lớn, và các con đường chính đầy cửa hiệu, nhà hàng ăn của Trung Quốc.

Tốc độ phát triển của “đặc khu” Sihanoukville khiến nhiều người dân thành phố lo âu. Vài người ước tính người Trung Quốc chiếm 20% tổng dân số Sihanoukville, và trong tổng số người nước ngoài đến đây năm 2017, có gần 120.000 người Trung Quốc (tăng trung bình 126 % năm).

Sự lo ngại của người dân địa phương đã làm tăng sự thù ghét dòng di dân Trung Quốc mới qua, dù hai cộng đồng sống sát nhau ở Sihanoukville nhưng hiếm khi họ giao lưu với nhau.

Cô Deu Dy, 23 tuổi rất lo ngại một công trình xây dựng khu nghỉ dưỡng lớn của Trung Quốc sát cạnh nhà hàng ăn của gia đình cô. Công trình này khởi công chưa đầy một năm trước, tiến hành xây dựng 24/24 giờ.

Dy đã học tiếng Hoa để có thể hội nhập với người Trung Quốc, nói với Guardian: “Mọi sự thay đổi hẳn ở Sihanoukville trong chỉ 2 năm. Trước kia ở đây rất yên, nhưng nay ồn ào vì tất cả những công trình xây dựng của Trung Quốc. Tôi sợ họ tàn phá môi trường bằng những tòa nhà, và chuyện gì sẽ xảy ra khi xây xong công trình và có thêm hàng ngàn người Trung Quốc đến đây? Sẽ không còn có chỗ cho người Campuchia ở Sihanoukville”.

Không như các chủ doanh nghiệp địa phương khác, Dy thường được các nhà đầu tư Trung Quốc tìm đến hỏi mua nhà hàng của gia đình với giá rất cao.

Đấy là một sự cám dỗ lớn, vì nhà hàng của gia đình Dy nay bị lỗ nặng, công trình xây dựng kế cận hoạt động suốt ngày làm thực khách châu Âu bỏ đi, trong khi du khách Trung Quốc chỉ ở trong resort, khách sạn của đồng bào họ.

Cô Deu Dy trước nhà hàng ăn ế khách của gia đình - Ảnh : Facebook của Deu Dy

Cách biệt giàu - nghèo gia tăng từ nguồn đầu tư của Trung Quốc

Theo báo Guardian, du khách Trung Quốc đổ xô đến thành phố Sihanoukville một thời yên tĩnh, vì nơi đây đã trở thành một “đặc khu” đầy những sòng bạc casino do các công ty Trung Quốc làm chủ, dù Campuchia cấm cờ bạc.

Các khách sạn - sòng bạc này không được BRI đầu tư trực tiếp, nhưng chúng là sản phẩm phụ của một thành phố “tự dâng mình” hoàn toàn cho nguồn đầu tư từ Trung Quốc. Trong tổng số tiền 1,3 tỉ USD đổ vào Sihanoukville trong năm 2017, 1,1 tỉ USD là từ Trung Quốc.

Chủ sòng bạc người Trung Quốc cũng tranh thủ quy định hạn chế cờ bạc “có cũng như không” và luật chống rửa tiền lỏng lẻo của chính quyền Campuchia, để lập nên cơ sở giải trí cờ bạc cho riêng người nước ngoài, vì dân Campuchia vẫn bị cấm cờ bạc.

Nhiều chủ doanh nghiệp Trung Quốc đến Sihanoukville cũng để tranh thủ một khu kinh tế miễn thuế mới do Campuchia hợp tác với Trung Quốc. Tại khu này, hơn 100 xí nghiệp đều do các công ty Trung Quốc điều hành, và hơn 200 công ty sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may Trung Quốc sẽ là một phần trong nỗ lực mở rộng khu kinh tế.

Một công ty xây dựng Trung Quốc trúng thầu xây dựng tuyến đường cao tốc 4 làn xe nối Sihanoukville với thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Đối với dân địa phương, sự chuyển mình này đang gây chia rẽ, khi một số người hưởng lộc từ dòng tiền đầu tư ồ ạt vào thành phố, trong khi nhiều người bị gạt ra khỏi vì đời sống đắt đỏ “chọc thủng trời”.

Tài xế lái xe tuk-tuk Kong Samol, 32 tuổi là một trong những người dân bị ảnh hưởng: “Vì dân làm ăn Trung Quốc đổ đến đây, thu nhập của tôi bị giảm nghiêm trọng, trong khi chi phí tăng vọt. Tiền thuê nhà tăng từ 50 lên 150 USD/tháng, tôi không chịu nổi. Chủ nhà trọ muốn đuổi tôi để cho người Trung Quốc chịu thuê với giá cao hơn. Tôi biết nhiều người đã bỏ quê lên đây tìm việc, nhưng rồi phải trở về làng vì nay không thể thuê chỗ trọ”.

Tiệm may của Seng Lim Huon cũng sát cạnh một sòng bạc Trung Quốc mới tinh. Ông nói nguồn đầu tư của Trung Quốc đã đào sâu cách biệt giàu - nghèo nơi đồng bào ông: “Chủ đất có nhà cho thuê có thể sống thoải mái vì kiếm được nhiều tiền hơn trước. Giá phòng cho dân địa phương thuê từng là 500 USD/tháng, nay là 4.500 USD cho du khách Trung Quốc. Nhưng với người không có đất thì tình hình thật khủng khiếp”.

Bà Svay Sovana, 42 tuổi, thuộc nhóm người thụ hưởng nguồn đầu tư của Trung Quốc vào Sihanoukville. Bà từng cho du khách châu Âu thuê ngôi nhà 3 tầng giá 1.000 USD/tháng, nay bà sẽ hưởng 15.000 USD/tháng khi khách thuê người Trung Quốc sẽ dọn đến ở trong tháng 8 này.

Người Campuchia làm thợ xây công trình Trung Quốc ở Sihanoukville - Ảnh: Reuters

Sự chuyển mình của Sihanoukville cũng đem lại việc làm cho thành phố. Trong khi đa số nhân công Trung Quốc được làm ở các sòng bạc, nhiều việc làm cũng dành cho dân Campuchia, vốn hưởng mức lương từ 120 đến 200 USD/tháng và họ cho đó là mức lương xứng đáng.

Người Campuchia làm ở các công trình xây dựng của Trung Quốc hưởng số tiền gấp 3 lần so với khi họ làm ở các công trình địa phương. Và nhiều dự án lớn (và gây chia rẽ) ngày càng nhiều. Một liên doanh mới giữa người Trung Quốc với người Malaysia trị giá 1tỉ USD, sẽ điều hành khu nghỉ dưỡng Wisney World ở Sihanoukville.

Dự án này có các công viên nước, khách sạn, casino, siêu thị, vườn hoa và nhà thờ trên 65ha đất. Tuy nhiên, tỉnh trưởng Sihanoukville, ông Yun Min nói chưa hề nghe nói đến dự án này.

Người Trung Quốc lắm tiền thì lắm quyền

Theo Guardian, Sihanoukville không xa lạ với các nhà đầu tư nước ngoài. Trước người Trung Quốc, người Nga đã từng bơm tiền vào các khu nghỉ dưỡng và nhà hàng ăn. Mối quan hệ này được ghi nhớ bằng một tấm bảng lớn đã nhạt màu bên ngoài một khu resort bỏ hoang, cho thấy hình ảnh Thủ tướng Hun Sen bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, sự phàn nàn chính của nhiều người dân Sihanoukville, là dù nguồn đầu tư của Trung Quốc đem lại sự thịnh vượng, thì sự thịnh vượng này chỉ dành riêng cho cộng đồng kiều dân Trung Quốc. Họ và du khách Trung Quốc chỉ mua hàng hóa và vào nhà hàng, khách sạn của đồng bào họ.

Bà Srey Mach, 43 tuổi là một chủ tiệm tạp hóa, nói:”Hàng hóa Trung Quốc rất đắt tiền, không tốt cho chúng tôi, và người Trung Quốc chỉ mua hàng Trung Quốc nên chúng tôi bị ra rìa. Ngay cả rau quả cũng nhập từ Trung Quốc. Người Trung Quốc lắm tiền hơn người Campuchia, điều đó có nghĩa ở đây họ có nhiều quyền lực hơn”.

Một cửa tiệm Trung Quốc ở Shihanoukville - Ảnh: AP

Là một trong những nước nghèo nhất Đông Nam Á, Campuchia rộng vòng tay hân hoan đón nhận những khoản cho vay ưu đãi “khủng” cùng các kế hoạch cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Từ năm 2013 đến 2017, Trung Quốc đầu tư 3, 5 tỉ USD vào Campuchia, nhiều hơn cả khoản chi của chính phủ nước này. Vài tháng gần đây, sự lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc đã khiến Mỹ và EU ngưng chi viện trợ cho Campuchia.

Theo Guardian, tốc độ dòng tiền chảy vào quá nhanh, cũng khiến chính quyền Sihanoukville lúng túng, không có thời gian và nguồn lực để lập các quy định quản lý những hoạt động ngầm (có thể có) của các sòng bạc Trung Quốc, như tội phạm tài chính hiện đại và rửa tiền.

Từ đó, sự bất mãn của người dân Sihanoukville càng tăng. Họ sôi nổi kể cho Guardian nghe những vụ bắt cóc, nạn đĩ điếm và tai nạn giao thông tăng do lái xe khi say rượu.

Đầu năm 2018, chính quyền tỉnh Sihanoukville phàn nàn tỉ lệ tội phạm tăng cao, phần nào do “làn sóng mafia Trung Quốc đội lốt nhà đầu tư, đến đây phạm pháp và bắt cóc những nhà đầu tư Trung Quốc, gây bất ổn cho tỉnh ta”.

Dù vậy, người Trung Quốc vẫn không chống lại BRI, nhất là ở Sihanoukville. Ông Vannarith Chheang, đồng sáng lập Viện nghiên cứu chiến lược Campuchia, nói: “Hình ảnh của Trung Quốc ở Campuchia bị tác động bởi những gì xảy ra ở Sihanoukville. Tôi cho rằng chính quyền Trung Quốc và Sứ quán Trung Quốc chấp nhận có sự bài xích chống Trung Quốc ở Campuchia”.

Ông Chheang cũng nói thêm rằng chính quyền Campuchia - Trung Quốc đã nỗ lực bài trừ tội phạm và kéo giảm sự bất mãn của người địa phương: “Điều quan trọng là Trung Quốc phải chinh phục được cảm tình của dân Campuchia. Nếu Trung Quốc thất bại ở Campuchia thì sẽ thất bại ở toàn khu vực”.

Vĩnh Thụy (theo Guardian)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành phố biển Campuchia trở thành ‘đặc khu’ sòng bạc Trung Quốc