Tuần trước, nhân dịp kỷ niệm 160 năm thành lập TP.Vladivostok (Nga) gần biên giới với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, hàng loạt nhà ngoại giao, nhà báo cùng người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Nga và “đòi chủ quyền” cho vùng lãnh thổ này.

Thành phố 160 năm tuổi của Nga lại bị dân Trung Quốc đòi chủ quyền

11/07/2020, 18:23

Tuần trước, nhân dịp kỷ niệm 160 năm thành lập TP.Vladivostok (Nga) gần biên giới với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, hàng loạt nhà ngoại giao, nhà báo cùng người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Nga và “đòi chủ quyền” cho vùng lãnh thổ này.

Thành phố Vladivostok - Ảnh: Sputnik

Nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc tuyên bố vùng Primorsky Krai nơi có thủ phủ là TP.Vladivostok từng thuộc về Trung Quốc sau khi Đại sứ quán Nga tại Trung Quốc hôm 2.7 đăng trên mạng xã hội Weibo thông điệp chào mừng kỷ niệm 160 năm thành lập thành phố.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Pakistan, nhà ngoại giao Zhang Heqing, bình luận dưới bài đăng rằng "Đây chẳng phải là Hải Sâm Uy (tên người Trung Quốc gọi TP.Vladivostok) của chúng ta hồi trước đây sao?"

Bình luận của ông Zhang Heqing đã được nhiều người dùng Weibo lập tức ủng hộ, cho rằng Nga đã "thôn tính" khu vực Vladivostok bằng "hiệp ước bất bình đẳng" vào thế kỷ 19.

"Bây giờ chúng ta chỉ có thể cam chịu, nhưng người Trung Quốc sẽ luôn ghi nhớ từ thế hệ này sang thế hệ khác", một tài khoản Weibo viết. Một người dùng khác bình luận: "Chúng ta phải đặt niềm tin rằng vùng đất tổ tiên này sẽ trở về Trung Quốc trong tương lai".

Trên mạng xã hội Twitter, phóng viên Shen Shiwei của đài truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTN) lập luận rằng bài đăng của đại sứ quán Nga tại Trung Quốc không được chào đón trên Weibo. "Lịch sử của Vladivostok bắt đầu năm 1860 khi Nga xây dựng một quân cảng tại đây. Tuy nhiên, thành phố này từng là Hải Sâm Uy của Trung Quốc, trước khi bị Nga thôn tính thông qua một Hiệp ước Bắc Kinh bất bình đẳng", Shen viết.

Mặc dù những tuyên bố trên không được Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức xác nhận, nhưng chúng đã xuất hiện trong một thời điểm khá nhạy cảm khi căng thẳng leo thang gần đây liên quan tới hàng loạt những vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Ấn Độ, Bhutan, Tây Tạng hay việc Bắc Kinh tuyên bố yêu sách lãnh thổ phi lý tại Biển Đông.

Tờ Indian Express của Ấn Độ dẫn nhiều nguồn lịch sử cho biết, trước khi Primorsky Krai trở thành lãnh thổ của Nga vào năm 1860, khu vực này từng là một phần đất Mãn Châu thuộc quyền kiểm soát của Nhà Thanh. Vào thời điểm đó, thành phố Vladivostok từng có tên là Hải Sâm Uy.

Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Trường Nghiên cứu Khu vực và Quốc tế, Đại học Liên bang Viễn Đông tại Vladivostok, ông Artyom Lukin, giải thích rằng trong cuộc chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất nổ ra từ năm 1839 đến 1842 giữa Đế quốc Anh và Nhà Thanh, Đế quốc Anh đã khai phá vùng đất này và lập bản đồ. Khi đó, người Anh đã đặt tên cho cảng Vladivostok là Cảng tháng Năm (Port May).

Nhờ vai trò trong cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai, Đế quốc Nga đã có được quyền kiểm soát trên một phần lớn lãnh thổ của Nhà Thanh cũ, bao gồm Vladivostok - hải cảng lớn nhất Thái Bình Dương. Vùng lãnh thổ này được bàn giao cho Đế quốc Nga sau ba hiệp ước, mà Trung Quốc cho là "bất bình đẳng", được Nhà Thanh ký với Nga, Anh và Pháp năm 1860. Trong số này còn có hiệp ước cho thuê bán đảo Cửu Long, nay thuộc đặc khu hành chính Hồng Kông, được ký giữa đại diện của Anh và Nhà Thanh.

Ngày nay, vùng Primorsky Krai, với thủ phủ là TP.Vladivostok, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng về kinh tế và quân sự tại khu vực Thái Bình Dương. Chính quyền Moscow đã đặt căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương tại cảng Vladivostok.

Tìn hình biên giới Nga -Trung ngày nay tương đối yên bình khi hai nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc và Liên Xô cũ năm 1969 từng suýt nổ ra chiến tranh tổng lực vì tranh chấp một hòn đảo trên sông biên giới Ussuri.

Cuộc xung đột biên giới Liên Xô - Trung Quốc mở đầu bằng sự kiện lính Trung Quốc chiếm đảo Trân Bảo ở vùng giáp biên giới Primorsky Krai của Nga và Hắc Long Giang của Trung Quốc. Vài ngày sau, Liên Xô mở chiến dịch đòi lại đảo Trân Bảo, nã xuống hòn đảo này 10.000 quả đạn pháo, khiến lính Trung Quốc phải rút lui.

Nga và Trung Quốc bắt đầu đàm phán vào năm 1991 và đạt thỏa thuận cuối cùng về vấn đề biên giới năm 2008 khi hai bên ký thỏa thuận phân định biên giới, chấm dứt những tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ vùng Primorsky Krai. Nga cũng nhường đảo Trân Bảo cho Trung Quốc và vô số các đảo khác. Kể từ đó chính quyền Trung Quốc đã không nhắc đến Vladivostok khi phân định biên giới Nga - Trung lần cuối cùng, có nghĩa là Bắc Kinh không còn coi đây là vùng tranh chấp.

Hoàng Vũ (theo SCMP, Indian Express)

Bài liên quan
Sự quan tâm trên thế giới với 'ô tô điện Trung Quốc' tăng vọt, bỏ lại 'nóng lên toàn cầu' phía sau
Dữ liệu từ Google Trends cho thấy thế giới hứng thú với các loại xe năng lượng sạch mới nhất hơn là những nguyên tắc cao cả đằng sau chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành phố 160 năm tuổi của Nga lại bị dân Trung Quốc đòi chủ quyền