Yumy, Mico, Yoho đều là ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội nổi tiếng ở Đông Nam Á lẫn Trung Đông. Chúng có điểm chung là do Newborn Town (Trung Quốc) tạo ra.

Thành công ở Đông Nam Á, nhà máy ứng dụng Trung Quốc gặp khó khi muốn mở rộng sang Mỹ

Sơn Vân | 28/05/2023, 11:08

Yumy, Mico, Yoho đều là ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội nổi tiếng ở Đông Nam Á lẫn Trung Đông. Chúng có điểm chung là do Newborn Town (Trung Quốc) tạo ra.

thanh-cong-o-dong-nam-a-nha-may-phat-trien-ung-dung-trung-quoc-gap-kho-khi-muon-mo-rong-sang-my.jpg
Yoho là một trong nhiều ứng dụng của Newborn Town gặt hái được thành công ở Đông Nam Á và Trung Đông

Giống như hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc là mặt hàng chủ lực của các cửa hàng bán lẻ trên khắp thế giới, sự bùng nổ dịch vụ internet ở nước này trong hai thập kỷ qua đã tạo ra các nhà máy ứng dụng với tham vọng biến sản phẩm của họ thành cái tên quen thuộc trên khắp thế giới.

Bất chấp sự giám sát chính trị ngày càng gia tăng, các nhà phát triển Trung Quốc như Newborn Town đang ngày càng chứng minh rằng có khả năng thành công.

Không như ByteDance (có trụ sở tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc), được biết đến chủ yếu nhờ ứng dụng video ngắn cực kỳ phổ biến TikTok, Newborn Town đang có những bước tiến vững chắc trong việc đưa nhiều ứng dụng nhỏ hơn của mình lên smartphone và tích hợp vào lối sống của người dùng ở nhiều nơi trên thế giới.

Sau thành công ban đầu ở châu Á và Trung Đông, Newborn Town đã bắt đầu tập trung vào các thị trường trưởng thành hơn như Mỹ và Nhật Bản. Li Ping, đồng sáng lập của công ty, nói điều này với trang SCMP trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông ở Bắc Kinh.

Hành trình khởi nghiệp kinh doanh ứng dụng của Li Ping có khởi đầu khiêm tốn. Ban đầu ông gặp khó khăn để tìm kiếm một công việc lý tưởng sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học và Công nghệ Sư phạm Hà Bắc (trường nổi tiếng khu vực về đào tạo giáo viên) vào năm 2011.

Li Ping chuyển đến Bắc Kinh để tìm kiếm tương lai hứa hẹn hơn, giống nhiều người trẻ khác tham vọng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, việc di chuyển đó đã mang lại những điều may mắn cho Li Ping theo cách khác. Ông gặp gỡ Liu Chunhe, người đang tìm đối tác để giúp mở một doanh nghiệp trong những ngày mà dường như cả Trung Quốc vẫn còn bị thu hút bởi sự phấn khích của tinh thần khởi nghiệp.

Khi nhìn lại, chúng tôi bắt đầu công việc kinh doanh mới có lẽ đơn giản vì ông ấy không tìm được người tham gia vào công ty của mình, còn tôi không tìm được việc làm. Vì vậy, chúng tôi đã đến với nhau”, Li Ping kể.

thanh-cong-o-dong-nam-a-nha-may-phat-trien-ung-dung-trung-quoc-gap-kho-khi-muon-mo-rong-sang-my1.jpg
Li Ping, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Newborn Town, đã tập trung phát triển ứng dụng cho thị trường nước ngoài, nơi ít cạnh tranh hơn - Ảnh: SCMP

Dự án này đã thành công khi mạng xã hội và phát trực tiếp (livestream) trở nên phổ biến. Sự phổ biến của smartphone và các dịch vụ băng thông rộng đã thay đổi vĩnh viễn cách người dân ở Trung Quốc tương tác với nhau. WeChat được tập đoàn Tencent Holdings giới thiệu vào năm 2011 và trở thành công cụ thiết yếu cho cuộc sống trực tuyến ở Trung Quốc. WeChat hiện là ứng dụng truyền thông xã hội lớn nhất ở nước này.

Nhiều ứng dụng xã hội và hẹn hò khác mọc lên trong những năm sau đó. Sự bùng nổ này cung cấp nhân tài và kinh nghiệm mà Newborn Town cần khi tập trung vào các thị trường nước ngoài, nơi cạnh tranh tương đối ít. Hiện Newborn Town sở hữu một số ứng dụng truyền thông xã hội, gồm cả ứng dụng hẹn hò dành cho cộng đồng người đồng tính nam Blued, kể khi trở thành cổ đông lớn của BlueCity Holdings (công ty có trụ sở tại Bắc Kinh).

Theo báo cáo thường niên, các ứng dụng truyền thông xã hội của Newborn Town có trung bình 22,9 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Công ty báo cáo doanh thu 2,8 tỉ nhân dân tệ (395,8 triệu USD) cho năm 2022, tăng 18,6% so với 2021. Lợi nhuận của Newborn Town thậm chí còn tăng nhanh hơn, tăng 174,2% vào năm 2022 lên 287,3 triệu nhân dân tệ.

Vào năm 2021, Li Ping tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành Newborn Town từ Liu Chunhe, người đang giữ chức Chủ tịch.

Trong nỗ lực chinh phục thị trường nước ngoài, Newborn Town đã thực hiện nhiều chiến dịch tiếp thị địa phương. Ví dụ, ứng dụng Mico đã tung ra các bài hát chủ đề sản phẩm ở Thái Lan và Việt Nam vào năm ngoái. Bài hát dành cho Thái Lan của Mico có tên Tuk Krub đã được phát 120 triệu lần trên YouTube. Đây cũng là bài hát nằm trong top 5 lượng nhấp chuột hàng năm cao nhất Thái Lan, theo số liệu từ nền tảng âm nhạc địa phương phổ biến.

Li Ping nói: “Khi nhiều người bắt đầu kinh doanh ở quê nhà, việc nhìn vào thị trường nội địa là điều tự nhiên. Ở giai đoạn ban đầu, chúng tôi cũng đã làm một việc tương tự. Song khi nhìn ra quốc tế, chúng tôi nhận thấy thị trường ngoài Trung Quốc chắc chắn lớn hơn”.

Mark Tanner, Giám đốc điều hành hãng China Skinny, nhận xét: “Đông Nam Á và Trung Đông mang lại lợi thế so với các thị trường khác vì chúng đang phát triển nhanh, tập trung vào kỹ thuật số và hiện khá hấp dẫn với các doanh nghiệp muốn mở rộng ra toàn cầu”.

Theo Mark Tanner, rủi ro địa chính trị cũng thấp hơn nhiều trong khu vực, nơi các quốc gia “nhìn chung có mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh và tiếp xúc nhiều hơn về kinh tế”.

thanh-cong-o-dong-nam-a-nha-may-phat-trien-ung-dung-trung-quoc-gap-kho-khi-muon-mo-rong-sang-my11.jpg
BlueCity Holdings, chủ sở hữu ứng dụng Blued, đã niêm yết cổ phiếu trên Nasdaq vào ngày 8.7.2020, trước khi được tư nhân hóa hồi 2022 trong thỏa thuận gồm cả khoản đầu tư từ Newborn Town -  Ảnh: SCMP

Năm ngoái, Newborn Town đã mở rộng sang mạng xã hội LGBTQ. Metaclass Management ELP, quỹ được thành lập thông qua sự góp vốn từ Newborn Town, đã tham gia vào quá trình tư nhân hóa BlueCity Holdings. Theo thỏa thuận mua bán mới được công bố vào tháng 3, Newborn Town trở thành cổ đông kiểm soát BlueCity Holdings.

Chủ tịch của chúng tôi đã kết nối với người sáng lập BlueCity Holdings. Khi nói về việc mua bán, chúng tôi đã thành công. Chúng tôi đang tìm cách mở rộng lĩnh vực truyền thông xã hội, dựa trên nhu cầu thực sự của người dùng và cũng đạt được sự đồng thuận với đội ngũ ban đầu của BlueCity. Vì vậy, quá trình này mất chưa đầy một năm và diễn ra tương đối nhanh chóng”, Li Ping chia sẻ.

Như bạn có thể tưởng tượng, trên thực tế, việc tìm kiếm bạn đời trong cộng đồng LGBTQ có thể rất khó khăn. Thế nhưng, nếu làm điều này thông qua các nền tảng truyền thông xã hội, hiệu quả có thể được cải thiện rất nhiều và dần dần sẽ hình thành bầu không khí cộng đồng riêng”, ông nói thêm.

Nỗ lực mạnh mẽ để tìm kiếm sự phát triển quốc tế những năm gần đây khi tăng trưởng trong nước giảm tốc, các công ty internet Trung Quốc cũng đang đối mặt với một số trở ngại trên thị trường toàn cầu.

TikTok đối mặt với áp lực lớn tại Mỹ, nơi có 150 triệu người dùng hoạt động, khi chính quyền Biden đe dọa cấm ứng dụng hoặc chủ sở hữu người Trung Quốc thoái vốn.

Theo báo cáo của hãng tư vấn Bain & Company được công bố đầu năm nay, các công ty Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro và sự phức tạp ngày càng tăng trong việc mở rộng ra nước ngoài.

Larry Zhu, đối tác của Bain & Company, cảnh báo các doanh nghiệp nên có “kỳ vọng đúng đắn” khi gặp rủi ro địa chính trị. “Chúng tôi không muốn trình bày một bức tranh sai lầm về hòa bình và thịnh vượng. Vấn đề địa chính trị đang trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là khi các sự kiện lớn như bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm sau”, Larry Zhu nói.

Li Ping cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong việc mở rộng ra nước ngoài là tuân theo các quy định của địa phương. Ông nói: “Khi nghĩ về một mô hình kinh doanh, bạn phải tuân thủ các quy tắc của Apple App Store và Google Play Store cũng như các chính sách của từng thị trường nơi chúng tôi kinh doanh”.

Nghĩ lại về cả hành trình của mình, Li Ping cho biết khó khăn luôn hiện hữu. “Tôi phải thừa nhận rằng, tất nhiên chúng tôi đã thất bại nhiều lần. Đôi khi mọi thứ có thể bị trì trệ. Nó có nhiều khúc ngoặt. Nếu làm đúng mọi việc, có lẽ chúng tôi sẽ tự tin hơn bây giờ”, ông cho hay.

Bài liên quan
OpenAI phát hành ứng dụng ChatGPT cho iOS, đối mặt sự giám sát  nhiều hơn của người dùng
Hôm 18.5, OpenAI cho biết đã phát hành ứng dụng ChatGPT cho iOS.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành công ở Đông Nam Á, nhà máy ứng dụng Trung Quốc gặp khó khi muốn mở rộng sang Mỹ