Điều dưỡng là những người gần gũi nhất đối với bệnh nhân. Vì thế từng cử chỉ, ánh mắt, lời động viên của họ chính là động lực lớn để những bệnh nhân xoa dịu cơn đau, giúp người nhà người bệnh an tâm hơn trong suốt quá trình điều trị. Đó chính là những điều thầm lặng mà các điều dưỡng đã mang lại giá trị sống cho bệnh nhân.

Thầm lặng nghề điều dưỡng: Trao đi nụ cười là nhận lại niềm vui!

12/05/2020, 13:14

Điều dưỡng là những người gần gũi nhất đối với bệnh nhân. Vì thế từng cử chỉ, ánh mắt, lời động viên của họ chính là động lực lớn để những bệnh nhân xoa dịu cơn đau, giúp người nhà người bệnh an tâm hơn trong suốt quá trình điều trị. Đó chính là những điều thầm lặng mà các điều dưỡng đã mang lại giá trị sống cho bệnh nhân.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Ảnh: N.P

Những niềm vui bình dị

Hơn 15 năm làm điều dưỡng tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - nơi mà lằn ranh giữa sự sống và cái chết rất mong manh, chị Nguyễn Thị Lan Ngọc đã không biết bao nhiêu lần rơi nước mắt khi chứng kiến những bệnh nhân “từ cõi chết trở về”.

Chị Ngọc cho biết, mới đây chị trực tiếp chăm sóc cho một bệnh nhân bị đa chấn thương, tổn thương thận cấp và bị hôn mê trong tình trạng rất nguy kịch. Sau khi bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, người nhà người bệnh đã khóc rất nhiều.

Với chị, người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân mỗi ngày, chứng kiến sự hồi sinh từng phút của bệnh nhân nên những cử chi, ánh mắt cùng với lời động viên, chia sẻ của chị đã giúp cho người nhà bệnh yên tâm, có thêm niềm tin để tiếp tục cuộc hành trình điều trị cho người thân của mình.

Mỗi ngày, chị luôn nhận được những câu hỏi của người nhà bệnh nhân xung quanh sức khỏe người bệnh. Tất nhiên, chị không phải là bác sĩ, không trực tiếp khám, nhưng nhìn qua bệnh án và sự chăm sóc trực tiếp mỗi ngày, chị hiểu được sự hồi sinh và biết được bệnh nhân có thể cứu sống. Tất cả những điều ấy được chị chia sẻ và cảm thấy hạnh phúc trong lòng.

“Sau 1 thời gian hồi sức tích cực thì kỳ tích xuất hiện, người bệnh cải thiện hơn, tỉnh dần và được chuyển về chuyên khoa. Lúc đó, mỗi thành viên trong khoa ai cũng vui mừng. Ngày xuất viện, người bệnh lại ghé qua khoa Hồi sức tích cực cảm ơn bác sĩ, điều dưỡng đã chăm sóc cho mình. Nhìn thấy người bệnh được hồi sinh, đối với tôi không có hạnh phúc nào lớn hơn thế”, chị Ngọc chia sẻ.

Lòng nhân ái, sự thấu hiểu và chia sẻ nỗi đau của người bệnh có lẽ là điều đầu tiên có thể nhận thấy ở một người điều dưỡng. Từng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười và lời nói của điều dưỡng đã góp phần giúp người bệnh xoa dịu cơn đau, giúp người nhà người bệnh an tâm hơn trong suốt quá trình điều trị. Và khi trao đi nụ cười, cũng là lúc họ tự tạo niềm vui cho chính mình.

Điều dưỡng Lê Thị Thi - Khoa Hậu môn trực tràng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, chị không ít lần nhận được những lá thư cảm ơn, những lời thăm hỏi bình dị của người bệnh như đã kịp ăn cơm chưa, có ngủ được chút nào không... “Những lời chia sẻ ấy các bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân chính là động lực lớn giúp tôi vững tin với nghề, đặc biệt là yêu thương và chăm sóc bệnh nhân nhiều hơn nữa”, chị Thi nói.

Và trăn trở với nghề “làm dâu trăm họ”

Trong hệ thống y tế, lực lượng điều dưỡng đóng vai trò quan trọng khi là người tham gia vào quá trình điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh. Bên cạnh bác sĩ điều trị, họ là người chăm sóc toàn diện về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh từ lúc nhập viện cho tới khi khỏe mạnh và được xuất viện.

Đối diện với áp lực lớn từ công việc liên quan đến tính mạng con người, có lẽ mong muốn lớn nhất của những người điều dưỡng vẫn hàng ngày, hàng giờ tận tụy với công việc của mình đó là sự thấu hiểu, cảm thông và hợp tác của người bệnh, người nhà người bệnh trong suốt quá trình chăm sóc và điều trị.

“Chúng tôi hi vọng rằng, người bệnh và người nhà người bệnh có thể hiểu và đồng hành cùng chúng tôi. Chúng tôi luôn hết lòng chăm sóc người bệnh như người nhà của mình. Ở khoa Hồi sức tích cực, người bệnh cần rất nhiều những can thiệp, những thủ thuật và chăm sóc toàn diện từ điều trị cho đến vệ sinh cá nhân. Trong mỗi ca trực, chúng tôi đều kiên trì, hướng đến mục tiêu giúp người bệnh mau chóng hồi phục. Vì vậy, chúng tôi rất cần sự cảm thông và hợp tác để mang lại những điều tốt nhất cho người bệnh”, điều dưỡng Ngọc chia sẻ.

Theo ThS Nguyễn Thị Hồng Minh – Trưởng Phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để giúp người bệnh vượt qua nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần, từ lúc ngồi trên ghế nhà trường cho tới xuyên suốt quá trình làm việc, người điều dưỡng phải luôn tự trau dồi, cập nhật kiến thức và các quy định để đáp ứng sự thay đổi, phát triển trong lĩnh vực chăm sóc y tế và nâng cao hài lòng người bệnh.

Quá trình đào tạo này diễn ra liên tục và mọi lúc, mọi nơi. Trong công việc hàng ngày, người điều dưỡng luôn phải cập nhật kiến thức liên tục để cung cấp dịch vụ chăm sóc an toàn hơn, hiệu quả hơn cho người bệnh.

Trong ngày Quốc tế điều dưỡng (12.5) - ngày tôn vinh những người làm công tác điều dưỡng này có lẽ điều mà chúng ta thấy rõ nhất ở nơi họ chính là "những bông hoa thầm lặng tỏa hương".

Dù công việc thầm lặng và nhiều áp lực, nhưng sự thấu hiểu và tình yêu thương con người sẽ luôn là động lực giúp mỗi điều dưỡng nhận thấy được sứ mệnh của mình trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những kỳ tích mới sẽ lại xuất hiện, những cống hiến thầm lặng sẽ được ghi nhận bằng sự hồi phục sức khỏe của người bệnh. Và rồi, nụ cười sẽ lại rạng rỡ hơn trên gương mặt của những người điều dưỡng tận tâm và không ngừng nỗ lực vì người bệnh của mình.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầm lặng nghề điều dưỡng: Trao đi nụ cười là nhận lại niềm vui!