BBC ngày 4.10 đưa tin, trong bản báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc về Yemen cho thấy có tới 1/4 trong tổng dân số 28 triệu người của nước này đang đói khát và có thể bị chết, nếu không được cứu trợ khẩn cấp. Bên cạnh đó là cuộc khủng hoảng bệnh dịch tả lan rộng vì thiếu thuốc men có thể đưa Yemen đối mặt với thảm hoạ tồi tệ nhất trong lịch sử.

Thảm hoạ lịch sử tại Yemen: Chính quyền sai lầm, người dân trả giá

15/10/2017, 16:41

BBC ngày 4.10 đưa tin, trong bản báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc về Yemen cho thấy có tới 1/4 trong tổng dân số 28 triệu người của nước này đang đói khát và có thể bị chết, nếu không được cứu trợ khẩn cấp. Bên cạnh đó là cuộc khủng hoảng bệnh dịch tả lan rộng vì thiếu thuốc men có thể đưa Yemen đối mặt với thảm hoạ tồi tệ nhất trong lịch sử.

Người dân và đất nước Yemen đang rơi vào thảm hoạ lịch sử

Đất nước Yemen đang rơi vào thảm hoạ lịch sử với chết chóc, nghèo đói và dịch bệnh

Theo báo cáp của LHQ, kể từ tháng 3.2015 cho đến nay, có hơn 8.530 người đã bị giết và 48.800 người bị thương trong các cuộc không kích và chiến tranh trên thực địa. Bên cạnh đó là 20,7 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cập, trong đó có 775.000 người đối mặt với dịch tả và có thể tử vong.

Đặc biệt, trong bản liệt kê của LHQ cho thấy rất nhiều trẻ em Yemen là nạn nhân chiến tranh, trong đó có tới 683 trẻ em bị giết chết trong năm 2016. Nguy hiểm hơn là gần một triệu trẻ em đang có nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tả đang hoành hành. LHQ kêu gọi các biện pháp khẩn cấp bảo vệ trẻ em Yemen trước lưỡi hái tử thần.

Bà Helle Thorning-Schmidt, Tổng giám đốc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế, lên tiếng: "Tổng thư ký LHQ hãy đứng dậy vì trẻ em Yemen và vì quyền của tất cả trẻ em đang sống dưới bom đạn chiến tranh. Hãy kêu gọi mọi phe phái trong cuộc xung đột tại Yemen - và các quốc gia đang ủng hộ, giúp đỡ họ - hãy quan tâm đến trẻ em và người dân vô tội".

Ả Rập Saudi và liên minh ủng hộ chính phủ Yemen, Iran đứng sau nhóm du kích Houthi được xem là những thủ phạm gây ra thảm hoạ tồi tệ này. "Thế giới phải đứng lên và thể hiện trách nhiệm để bảo vệ trẻ em khỏi những cuộc xung đột vũ trang khủng khiếp",bà Thorning-Schmidt kêu gọi.

Đại diện thường trú của Ả Rập Saudi tại LHQ, Abdallah Al-Mouallimi, cho biết không bình luận gì về bản báo cáo cho đến khi nó được Tổng thư ký António Guterres phê chuẩn vào cuối tháng này, Riyadh cho rằng không có cơ sở nào để đưa họ và các đồng minh vào danh sách thủ phạm gây ra thảm họa cho Yemen.

Còn nhớ ngày 24.3, trong thông cáo phát đi nhân dịp đánh dấu cuộc chiến Yemen bước sang năm thứ 3, Văn phòng Nhân quyền LHQ cho biết trung bình mỗi tháng có 100 dân thường thiệt mạng trong cuộc chiến tại Yemen, mà phần lớn là bởi các cuộc không kích và pháo kích của liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu gây ra.

Như vậy, cuộc nội chiến tại Cộng hòa Yemen vẫn là một điểm nóng tại Trung Đông và đã trở thành con bài cho những toan tính chính trị của các quốc gia khác chứ không còn là sự tranh giành quyền lực giữa các lực lượng và các đảng phái trên chính trường nước này.

Kết quả hình ảnh cho picture of Yemen war

Thảm hoạ lịch sử do chiến tranh tại Yemen

Điều rất nguy hại là trong cuộc nội chiến tại Yemen hiện nay là người ta không thể xác định được đâu là hành động chính nghĩa, đâu là hành động phi nghĩa vì không thể xác định được đâu là lực lượng đại diện cho lợi ích của người dân và đất nước Yemen.

Chính phủ Yemen từ lâu đã không còn là chính thể đại diện cho chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc của Yemen, còn lực lương du kích Houthi, đại diện cho người Zaidi theo dòng Hồi giáo Shiite ở cực bắc Yemen, chiếm khoảng 1/3 dân số Yemen, thì bị xem là quân phản loạn, theo Al-Jazeera.

Hậu quả từ một cuộc hôn phối khiến cưỡng - thống nhất Nam Bắc Yemen

Cũng nên nhắc lại, năm 1990, Cộng hòa Ả Rập Yemen (Bắc Yemen) và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yemen (Nam Yemen) đã sáp nhập với nhau và cho ra đời nhà nước Cộng hòa Yemen. Tuy nhiên, việc thống nhất hai nhà nước lại đưa cuộc sống của người dân Yemen ngập chìm trong khó khăn và lửa đạn chiến tranh, theo BBC.

Đến nay, sau hơn một 1/4 thế kỷ đã trôi qua, có thể nhận thấy việc thống nhất Yemen chưa phải là yêu cầu cấp bách và cũng chưa phải là mong muốn của toàn dân tộc Yemen. Nghĩa là việc thống nhất Yemen diễn ra một cách gượng ép, chưa đúng thời điểm lịch sử.

Tại sao lại nhận định như vậy?

Xét về cơ sở pháp lý, không hề có một hiệp ước hay thỏa thuận nào mà nội dung hay mục đích của nó gây nên sự chia cắt Bắc - Nam Yemen. Hàng trăm năm dưới sự cai trị của thực dân, đế quốc, người dân hai miền đứng lên giành độc lập theo hai cách thức khác nhau, thành lập hai chính thể khác biệt.

Lịch sử ghi nhận việc ra đời hai chế độ chính trị ở Nam - Bắc Yemen hoàn toàn độc lập với nhau, không có sức ép hoặc sự vị phạm bất kỳ thỏa thuận hay nguyên tắc nào. Do vậy, không có việc đấu tranh cho sự thống nhất Yemen là mục đích thi hành hoặc xóa bỏ những thỏa ước hay những cam kết chính trị trước khi hai nhà nước ra đời, theo Reuters.

Như vậy, có thể nhận định việc quyết định thống nhất chỉ là ý muốn chủ quan của giới chính trị nắm quyền điều hành hai nhà nước ở Yemen thời điểm đó. Ở miền bắc Yemen, nhà nước Cộng hòa Yemen được điều hành bởi chính phủ của Tổng thống Ali Abdullah Saleh nhưng quyền lực không mạnh vì chính quyền không được sự ủng hộ của đa số người dân.

Còn ở miền nam Yemen, chính quyền do Ali Salim Al-Beidh đứng đầu nhưng có nguy cơ bị lật đổ, bởi làn gió của Cải tổ và Công khai đã lật nhào chính quyền ở hầu hết các quốc gia Đông Âu, những quốc gia tài trợ chính cho nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yemen, theo tường thuật của The Time.

Hình ảnh có liên quan

Thống nhất Yemen một cách duy ý chí là nguyên nhân gây ra xung đột và nội chiến

Thực tế đó được xem là nguyên nhân và động lực khiến cho lực lượng chính trị nắm quyền tại Nam - Bắc Yemen quyết định thống nhất hai nền chính trị nhằm đảm bảo lợi ích của họ. Việc thống nhất giữa Cộng hòa Yemen với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yemen - được định đoạt vào năm 1990.

Theo lịch sử các học thuyết chính trị, việc chia tách hay sát nhập có liên quan đến chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc thì nhân dân phải là người quyết định vì họ là chủ thể của lịch sử dân tộc. Và thuận chiều lịch sử thì chính quyền Nam - Bắc Yemen phải tổ chức trưng cầu để người dân thể hiện ý nguyện và để họ tự viết nên lịch sử cho Tổ quốc mình.

Tuy nhiên, một sự việc trọng đại như thế và ảnh hưởng đến quyền lợi của cả dân tộc như vậy mà chỉ là sự thỏa thuận giữa hai chính quyền rồi bỏ phiếu thông qua quyết định tại cơ quan đại diện quyền lực là Quốc hội hai nước. Điều đó cho thấy trong sự kiện này, nhân dân Yemen không được xem là chủ thể lịch sử.

Do đó, việc thống nhất như là cuộc hôn phối khiên cưỡng, từ đó khởi nguồn cho những mâu thuẫn nội tại và ngày càng diễn ra gay gắt. Về mặt chính trị, vì là công dân một quốc gia nên người dân Yemen phải miễn cưỡng chấp nhận cuộc trưng cầu dân ý cho Hiến pháp của một quốc gia thống nhất vào năm 1991 - chuyện thống nhất đất nước trở thành việc đã rồi.

Song về lợi ích thì họ mâu thuẫn với nhau ngay từ khi sáp nhập, theo tài liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, và xung đột xã hội tại Yemen bắt đầu từ đó. Tuy nhiên chính quyền nhà nước Yemen thống nhất lại không thể hiện được là trung tâm hòa giải dân tộc, mà bị cuốn theo lợi ích đảng phái, tôn giáo và sắc tộc. Vì vậy nội chiến tại Yemen đã nổ ra.

Cả dân tộc Yemen phải trả giá cho những sai lầm thiển cận của lực lượng cầm quyền

Theo History, từ năm 1994, nghĩa là chỉ 4 năm sau ngày thống nhất, chính quyền nhà nước Yemen thống nhất đã chĩa súng vào chính người dân đất nước mình. Máu của nhân dân Yemen đã đổ nhưng không phải để nhuốm lên màu cờ của Tổ quốc mà vì những toan tính của lực lượng cầm quyền.

Đến nay, khi mà những con người tự viết nên lịch sử của đất nước Yemen một cách duy ý chí đã bị đánh bật khỏi chiếc ghế quyền lực hay đã bỏ chạy tháo thân thì nỗi khổ của người dân Yemen lại còn nặng nề hơn bởi sự xâu xé của ngoại bang, mà lại hành động dưới danh nghĩa vì đất nước Yemen.

Kết quả hình ảnh cho picture of Yemen war

Yemen đã trở thành nơi cho ngoại bang trút giận và khẳng định sức mạnh

Sinh mạng và lợi ích của người dân Yemen lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào những lực lượng, những quốc gia chỉ xem Yemen là nơi tranh giành sự ảnh hưởng và khẳng định sức mạnh. Người dân Yemen ngã xuống không phải vì nền độc lập mà để trả giá cho những toan tính của những người xa lạ.

Chính quyền Yemen - lực lượng phải bỏ chạy tháo thân - đang được sự hậu thuẫn của Ả Rập Saudi nhằm phục vụ cho mộng “Bá chủ Trung Đông” của họ. Còn lực lượng du kích Houthi thì được xem là có sự đỡ đầu của Iran - đối trọng của Ả Rập Saudi trong việc khẳng định sức mạnh vả ảnh hưởng tại vùng đất nóng đầy bạo lực, theo Reuters.

Thế là đất nước Yemen vốn tồn tại trong xung đột và mâu thuẫn xã hội, nay lại là nơi trút giận của các quốc gia mâu thuẫn. Người dân, đất nước Yemen đã trở thành những con rối trong những toan tính thấp hèn và trở thành nạn nhân của những hành động hết sức tàn nhẫn, đê hèn.

Hàng ngày phải đối diện với đói khát và chết choc, khiến cho ước muốn được sống trong một đất nước hòa bình, sống một cuộc sống thanh bình đã trở thành thứ xa xỉ nhất ngay trong cả giấc mơ của người dân Yemen. Và có lẽ ước vọng não nề nhất của họ lúc này là mong chờ cho đến ngày xưa.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thảm hoạ lịch sử tại Yemen: Chính quyền sai lầm, người dân trả giá