Đức Thịnh và Thái Hòa đều lớn lên ở xóm Lò Heo chợ Bà Chiểu. Nhà Thái Hòa cách nhà Đức Thịnh chừng 20 mét. Từ nhà Thái Hòa ngoặt vào hẻm là tới nhà đạo diễn phim "Ma dai"...

Thái Hòa - Đức Thịnh và phần đời ít biết tại xóm Lò Heo nghèo

motthegioi | 31/05/2016, 17:33

Đức Thịnh và Thái Hòa đều lớn lên ở xóm Lò Heo chợ Bà Chiểu. Nhà Thái Hòa cách nhà Đức Thịnh chừng 20 mét. Từ nhà Thái Hòa ngoặt vào hẻm là tới nhà đạo diễn phim "Ma dai"...

Có lẽ những người dân ở xóm Lò Heonghèo năm ấy, không ai có thể nghĩ rằng, xóm Lò Heo sau này lại có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đến vậy: Thái Hoà, Đức Thịnh, Cao Minh Đạt, Thanh Thúy.

Lại càng không ai có thể biết rằng, cậu nhóc ốm yếu và nghèo khó năm nào sau này trở thành một đạo diễn tên tuổi, một nghệ sĩ ưu tú (Đỗ Đức Thịnh - pv).

Và cậu con trai hay đánh nhau, trốn học đi chơi với đám bạn đua xe ngày nào lại trở thành diễn viên "bảo chứng phòng vé" như hiện nay (Thái Hòa - pv).

Không chỉ là bạn chung xóm, Thái Hòa - Đức Thịnh còn là một cặp bài trùng ăn ý trên sân khấu hài đầu những năm 2000 trong nhóm "Ba chú nhóc".

Hai người cũng học chung khóa 18 trường Sân khấu Nghệ thuật 2, lại cùng có thời gian đi bộ đội với nhau.

Đức Thịnh: Chuyện về cái quần mốc trắng

Ba mẹ của đạo diễn Đức Thịnh là người gốc Bắc nhưng anh sinh ra ở Sài Gòn. Gia đình anh rất đông người, Đức Thịnh là út cũng là con thứ 12.

Ba anh làm thợ mộc, mẹ buôn bán rau ngoài chợ. Nhà anh ai cũng có máu nghệ thuật nhưng không ai theo. Đức Thịnh nhận mình là người ít máu nhất nhưng lại theo nghiệp này.

Trong nhà, Đức Thịnh là người chơi đàn guitar dở nhất, hát tệ nhất nên gia đình ai cũng khắt khe với nghề nghiệp của anh. Thay vì khen, họ thường góp ý, "tại sao mày nói câu thoại thế này"?

Nhưng điều đó xuất phát từ tình thương. Đức Thịnh là út nên rất được các anh chị cưng. Họ muốn anh hoàn thiện. Bất kỳ chuyện gì xảy ra với Đức Thịnh cũng là chuyện lớn với gia đình.

Một bài báo khen anh là niềm vui của gia đình, ngược lại một bài báo chê cũng là nỗi buồn của cả nhà. Điều đó cũng dễ hiểu vì Đức Thịnh là niềm tự hào đối với họ. Anh được ba mẹ và anh chị cưng lắm dù ngày xưa nhà rất nghèo.

Đức Thịnh kể: "Tôi là thằng phá của nhất vì bệnh suốt ngày. Tôi nhớ ngày xưa còn xài tiền xu, cứ 10 xu mẹ gói vào 1 gói bằng giấy. Hồi đó mẹ để dành được 1 rổ tiền xu như vậy nhưng rổ tiền cứ cạn dần vì tôi bệnh miết.

Hồi 4 tuổi, có lần tôi nằm trong phòng cấp cứu 24 ngày. Người ta nằm rồi chuyển, còn tôi nằm hoài. Nằm phòng cấp cứu lâu như vậy là nằm giữa ranh giới cái sống cái chết.

Mẹ bảo hồi đó tôi bị phổi, ban khỉ, cháy rạ, suy dinh dưỡng... yếu đến mức đứng lên không nổi. Khi tôi đã ngồi xuống rồi muốn đứng lên phải bám vào một cái gì đó.

Tôi cứ nhớ là lúc ra viện về nhà, tôi muốn đứng lên phải bám cột mới đứng lên được, không là té. Có lẽ cũng một phần vì ba mẹ sinh tôi lúc đã già cả rồi. Tôi là cái trứng còn sót lại(cười - pv)... ".

Tuổi thơ của Đức Thịnh gắn liền với những buổi hòa tấu guitar và sáo của các anh chị trong nhà. Cứ tối, họ ra trước cửa chơi guitar và sáo. Anh ngồi nghe và đắm chìm trong các giai điệu đó nhưng mãi về sau Đức Thịnh mới tự học tự chơi được guitar.

Trong cái xóm nhỏ nghèo nàn năm ấy có hai cô hàng xóm hát rất hay thế nên tối nào Đức Thịnh cũng được sống trong không khí âm nhạc.

Sau này, yếu tố âm nhạc trong các vở diễn của anh rất chắc. Anh không chuyên sâu về âm nhạc nhưng cảm nhận về âm nhạc lại khá chính xác. Đức Thịnh không biết nhạc lý nhưng nghe một giai điệu, anh có thể đệm được ngay.

Đức Thịnh bảo khi lập gia đình, có con anh mới thấy ngưỡng mộ ba mẹ mình. Với gánh rau ở chợ hàng ngày, mẹ anh nuôi 12 người con ăn học. Thế mới thấy sức mạnh của người mẹ vĩ đại đến thế nào.

Hồi đó, một thời gian khá dài, mấy anh chị lớn trong nhà chưa có việc làm. Một tay mẹ anh gánh hết, chỉ bán rau. Khi kinh tế có thay đổi, các anh chị đi tìm việc mới dễ hơn.

Hồi nhỏ, bạn bè anh được đi học thêm nhưng nhà anh lo được cho ăn học đã là may lắm rồi. Anh cũng đi bộ vì không có xe đạp. Quần áo thì... mặc lại của các anh.

Đức Thịnh kể: "Tôi còn nhớ chi tiết, có lần đi picnic với nhóm bạn. Tôi mặc cái quần lâu đến nỗi mốc trắng lên ở đùi. Lớp nhiều bạn gái, tôi rất mắc cỡ nên cứ xuống hồ nước quệt quệt cho bay vệt mốc đó đi. Nhưng chỉ được một lát, nó nổi lên tôi lại phải lấy nước quệt".

Thái Hòa: Bị ở lại lớp chỉ vì quá nghèo

Thái Hòa đúng ra học cùng khóa 18 với Đức Thịnh, Việt Hương, Tiết Cương, Cao Minh Đạt, Thúy Nga... nhưng vì bị rớt nên anh học khóa sau cùng Long Đẹp Trai.

Thái Hòa rớt không phải vì học kém mà vì nhà nghèo. Những năm học ở trường Sân khấu nghệ thuật 2, có những ngày Thái Hòa phải ngồi uống trà đá... thay cơm.

Thực ra, gia đình Thái Hòa vốn rất có điều kiện. Mẹ anh là thương buôn, buôn hàng ra chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Sống trong điện kiện đầy đủ, Thái Hòa từng có những ngày tháng trốn nhà tụ tập với đám bạn đua xe, bụi đời hè phố.

Năm 1994, chợ Đồng Xuân xảy ra cháy lớn cũng chính là năm vận hạn với gia đình anh. Bao nhiêu vốn liếng của mẹ tan thành khói theo vụ cháy đó. Khách hàng không có tiền trả, gia đình anh vỡ nợ.

Của cải quý giá trong nhà đội nón ra đi.Cái ánh mắt đỏ hoe xót xa của mẹ, cái thở dài lặng thinh của ba khi nắm chặt tay mẹ ngày ấy cứ ám ảnh Thái Hòa mãi.

Nhìn cảnh nhà hiu hắt, Thái Hòa buồn quá lấy xe chạy ra đường. Anh cứ chạy mà không biết chạy đi đâu. Chiếc xe máy ấy cũng chính là tàisản quý giá duy nhất còn lại của cả nhà nhưng cũng bị anh làm mất vì quá tin người.

Bạn của một người bạn nói mượn đi có công chuyện. Họ mượn rồi đi luôn, không quay lại nữa.Thái Hòa chờ từ sáng tới tối biết chắc là mất rồi. Anh không dám về nhà...

Vì đói mà Thái Hòa cao mét bảy nhưng chỉ nặng có 48 kg. Thái Hòa từng phải làm đủ việc để có tiền.

Phụ quán cà phê của nghệ sĩ Minh Nhí, làm "thợ đụng" tại sân khấu 135, từ sửa ghế, mở phát quảng cáo, bật tắt đèn, chuyển micro.Anh còn nhận làm thâu băng, dán tem, dán poster cho hãng Phước Sang...

Không ít lần, Thái Hòa phải thức trắng đêm để làm cho xong việc.Làm nhiều, ít đến lớp, Thái Hòa nợ môn riết nên bị rớt. Thậm chí, anh còn có nguy cơ không thể tốt nghiệp.

Trong lúc nguy cấp ấy, Thái Hòa may mắn được đóng chung phim với thầy hiệu trưởng trong "Những đứa con thành phố". Vai Râu Bắp nhỏ xíu nhưng ấn tượng với cậu học trò diễn xuất tốt, nhiệt tình, sáng tạo, thầy hiệu trưởng đã phá lệ cho Thái Hòa tốt nghiệp.

Nhưng ra được trường, Thái Hòa cũng như Đức Thịnh và hàng loạt các diễn viên trẻ khác đều phải tự bươn chải. Hầu như ai cũng phải làm những công việc linh tinh rất nhiều.

Bởi lẽ, thời điểm Thái Hòa, Đức Thịnh, Việt Hương, Tiết Cương ra trường, ở lĩnh vực sân khấu đã định hình khung diễn viên vững mạnh với những tên tuổi rải đều các sân khấu như Hồng Vân, Hồng Đào, Hoàng Sơn, Nhật Cường...

Phải chờ đến khi có liên hoan sân khấu hài toàn thành, Lê Bảo Trung rủ Thái Hòa, Trần Hữu Phúc và Đức Thịnh tập kịch để tham gia dự thi.

Bốn người lúc đó không ai có tiếng tăm gì. Họ tập vở "Phòng trọ 3 người" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và được giải B liên hoan.

Sau giải thưởng này, Thái Hòa, Đức Thịnh và Khoa Nam (đạo diễn Khoa Nam bây giờ - pv) lập nhóm hài Ba Chú Nhóc.

Thái Hòa rong ruổi đi diễn hài cho tới khi gặp Hồng Vân. Anh viết vào một tờ giấy số điện thoại của mình và một câu rất tha thiết: "Cô ơi, con đói lắm, cô có việc gì cho con làm với".

Tờ giấy ấy đã đưa đường cho Thái Hòa về sân khấu Phú Nhuận để rồi sau này anh trở thành một diễn viên trụ cột, một đạo diễn đầy cá tính ở sân khấu của bà bầu Hồng Vân.

Theo Trí Thức Trẻ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thái Hòa - Đức Thịnh và phần đời ít biết tại xóm Lò Heo nghèo