Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước và sau Tết. Đồng thời, doanh nghiệp còn thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, để chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng Tết Canh Tý 2020, cơ quan này đã phối hợp các sở ngành, làm việc với các doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Cụ thể, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng tết là 19.027,3 tỉ đồng, tăng 602,5 tỉ đồng (3,27%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Kỷ Hợi 2019, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.244,9 tỉ đồng.
Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 26.12.2019 đến 24.1.2020 (tức ngày 1 đến 30 tháng chạp), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.224,5 tỉ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.088,5 tỉ đồng.
Lượng hàng chuẩn bị đã tăng 14,6- 17,3% so kế hoạch TP.HCM giao và tăng 21- 28% so kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 20- 53,2% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo…
Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…
Cạnh đó, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng tết như nước giải khát, bánh kẹo, mứt, quần áo… Các hệ thống phân phối lớn như: Saigon Co.op, Satra, Aeon - Citimart, BigC dự kiến tổ chức chương trình khuyến mãi giảm giá từ 5- 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt…
Đáng chú ý, nhằm chuẩn bị nguồn hàng cung ứng từ nay đến Tết Canh Tý 2020, Sở Công thương TP.HCM cho biết sẽ phối hợp với sở, ngành có liên quan, UBND các quận - huyện để nắm chắc diễn biến thị trường, đảm bảo cung ứng cân đối cung - cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Song song đó, cơ quan này cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, chấp hành quy định về điểm bán. Cục Quản lý thị trường phối hợp UBND của 24 quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đồng thời, tăng cường thực hiện bán hàng lưu động từ nay đến Tết, thực hiện bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng. Riêng 2 tháng cao điểm trước Tết thực hiện 350 chuyến. Tập trung tăng cường thực hiện tại các quận ven - huyện ngoại thành, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết.
Trong khi đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ giải quyết cấp giấy phép lưu thông 24/24 cho xe tải doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường để cung ứng hàng hóa kịp thời đến các điểm bán.
Đặc biệt, Sở Công thương cũng vận động các hệ thống siêu thị kéo giản thời gian phục vụ khách hàng. Cụ thể, từ ngày 20 - 27 tháng chạp, siêu thị mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ; từ ngày 28 đến 29 tháng chạp mở cửa từ 6 giờ đến 24 giờ; ngày 30 tháng chạp mở cửa từ 6 giờ đến 12 giờ. Còn khai trương năm mới 8 giờ sáng mùng 2 Tết Nguyên đán. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết Nguyên đán mở cửa từ 8 giờ đến 12 giờ; mùng 6 Tết Nguyên đán hoạt động kinh doanh bình thường.
Phan Diệu