Các nhà khoa học nhận định hiện tượng nước sông Hậu trong xanh như nước biển là do lượng phù sa mang về từ thượng nguồn đang ngày càng giảm.

Tây Nam Bộ cạn dần phù sa

19/05/2016, 07:11

Các nhà khoa học nhận định hiện tượng nước sông Hậu trong xanh như nước biển là do lượng phù sa mang về từ thượng nguồn đang ngày càng giảm.

Thời gian gần đây, cùng lúc xuất hiện mưa, sông Hậu chuyển sang trong xanh như nước biển. Người dân sống dọc sông Hậu ở tỉnh Vĩnh Long và TP.Cần Thơ xem đây là hiện tượng lạ vì từ trước đến nay con sông này chưa bao giờ trong như thế.

Bị phèn rửa

Anh Nguyễn Văn Hải (ngụ phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) phản ánh sông Hậu bỗng trở nên trong vắt trong nhiều ngày qua. “Nhà gần sông nên hằng ngày tôi hay xách nước lên xài mà không cần lóng phèn” - anh Hải nói.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhận định vào mùa khô, nước trên các sông sẽ trong do ít phù sa. Đặc biệt là đợt hạn hán lịch sử trong vòng 100 năm qua, thượng nguồn không có mưa, không mang được phù sa về thì nước sông càng trong xanh hơn.

Nước sông Hậu trong xanh trong những ngày qua
Nước sông Hậu trong xanh trong những ngày qua

Đồng tình với nhận định này, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường ĐH Cần Thơ, cho biết do mùa khô năm nay hạn hán khốc liệt đã làm đất đai bị khô nứt nặng, vết nứt trên mặt ruộng rất sâu gây hiện tượng ôxy hóa mạnh tầng phèn tiềm tàng, làm gia tăng lượng phèn hoạt động trong đất ruộng. “Những cơn mưa lớn chuyển mùa cả tuần nay đã đưa một lượng lớn phèn từ đồng ruộng xuống sông tạo nên hiện tượng kết tủa phù sa khiến nước sông trở nên trong hơn. Theo quan sát ở nhiều cánh đồng ở vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, phèn xuất hiện rất rõ rệt, nhất là những nơi vừa có các trận mưa lớn” - ông Tuấn nói.

Trong khi đó, theo ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ, màu nước trên sông Hậu thay đổi rõ rệt theo mùa. Mùa khô bắt đầu từ đầu năm đến Tết Đoan ngọ thì nước sẽ trong, còn mùa mưa sau đó trở đi, nước chuyển sang đục do có nhiều phù sa từ thượng nguồn đổ về. “Việc nước trên sông Hậu trong thời gian gần đây trong xanh hơn những năm trước chỉ là hiện tượng cảm quan, muốn biết chính xác thì cần phải phân tích, đánh giá cụ thể”.

Trầm tích bị thủy điện thượng nguồn giữ lại

Cho rằng việc nước trong do phèn lắng là hiện tượng bình thường nhưng các chuyên gia, nhà khoa học lo ngại về sự trù phú của vùng ĐBSCL khi lượng phù sa mà các con sông ở đây giảm đáng kể.

Theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông, năm 1992, lượng phù sa trên sông Mê Kông ghi nhận được khoảng 160 triệu tấn nhưng đến năm 2014 chỉ còn khoảng 75 triệu tấn, giảm hơn 50%. Còn ông Lê Anh Tuấn khẳng định những năm gần đây, lượng bùn cát xuống ĐBSCL giảm dần. Lượng cát thô và sỏi bị giữ lại nhiều ở các hồ chứa thủy điện. Nghiên cứu mới đây của 2 học giả Singapore cũng đã chứng minh từ khi đập Manwan trên thượng nguồn sông Mê Kông phía Trung Quốc đi vào hoạt động đã làm phù sa giảm đáng kể. Cụ thể, từ năm 1962-1992, trung bình tải lượng phù sa đo đạc ở trạm Chiang Saen (Thái Lan) là hơn 500 mg/lít, đến Tân Châu (Việt Nam) khoảng 120 mg/lít. Nhưng từ năm 1993-2000 (sau khi đập Manwan hình thành), trung bình tải lượng phù sa đo được ở 2 trạm nói trên lần lượt là 250 mg/lít và 100 mg/lít

Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (SEA) của Trung tâm Quốc tế quản lý môi trường (ICEM) chỉ rõ tác động của các đập ở Trung Quốc với trầm tích sông Mê Kông là rất lớn. Khi tất cả đập ở phía thượng nguồn đi vào hoạt động, lượng trầm tích của sông Mê Kông ước tính sẽ bị các đập giữ lại từ 1/3 đến 1/2 của tổng lượng trầm tích bình quân chảy về châu thổ sông Mê Kông.

“Các đập thủy điện giữ lại trầm tích trong hồ gây nên thâm hụt cán cân trầm tích ở hạ du, làm thay đổi địa mạo lòng sông và cửa biển” - GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước, nhận định. Theo ông Trân, thời gian gần đây, việc sụt lún nhiều nơi ở Cà Mau và sạt lở đê biển Gành Hào (Bạc Liêu) là một minh chứng cho việc suy giảm nguồn phù sa.

Nguy cấp!

Trong một nghiên cứu của TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) cho biết lượng phù sa lơ lửng trên sông Mê Kông ước lượng từ 160-165 triệu tấn/năm. Khoảng 50% lượng này sẽ bị mất do các dự án thủy điện ở thượng nguồn. Khi có các đập trên dòng chính phía hạ lưu, lượng phù sa này sẽ giảm tiếp 1/2; lượng phù sa ở trạm Kratie (Campuchia) ước chỉ còn 25% so với hiện nay (khoảng 42 triệu tấn/năm). Sự giảm lượng phù sa lơ lửng gây ra những hệ lụy đến việc vận chuyển dinh dưỡng và tính ổn định của ĐBSCL. Dự báo đến năm 2030, dinh dưỡng sẽ giảm 75%, tức còn 6.000 tấn/năm. Điều này ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, rừng ngập nước và thủy sản.

Theo Ca Linh/Người lao động
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tây Nam Bộ cạn dần phù sa