Tàu thăm dò Parker Solar của Cơ quan Hàng không Vũ Trụ Mỹ (NASA) đã khởi đầu năm mới với lần tiếp cận gần Mặt trời nhất vào ngày 17.1 (giờ Mỹ).

Tàu thăm dò Parker Solar của NASA tiếp cận gần Mặt trời

Long Hải | 20/01/2021, 15:25

Tàu thăm dò Parker Solar của Cơ quan Hàng không Vũ Trụ Mỹ (NASA) đã khởi đầu năm mới với lần tiếp cận gần Mặt trời nhất vào ngày 17.1 (giờ Mỹ).

tau-vu-tru-parker-solar.jpg
Tàu vũ trụ Parker Solar sẽ tiến hành tổng cộng 4 chuyến bay tiếp cận gần Mặt trời và 2 lần bay sát sao Kim trong năm 2021

Năm 2021 đánh dấu một năm đầy bận rộn của Parker Solar. Con tàu sẽ tiến hành tổng cộng 4 chuyến bay tiếp cận gần Mặt trời và 2 lần bay sát sao Kim. Ngoài ra, Parker Solar cũng sẽ thực hiện một số thao tác điều chỉnh hướng cần thiết để phục vụ một số quan sát khoa học.

Tàu thăm dò Parker Solar đã tiếp cận gần nhất với Mặt trời lúc 12 giờ 39 chiều 17.1 (giờ Mỹ). Vào thời điểm đó, tàu vũ trụ này bay cách bề mặt Mặt trời 13,5 triệu km với vận tốc khoảng 470.000 km/h, theo thông tin từ Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng thuộc Đại học Johns Hopkins, đơn vị vận hành con tàu. Chuyến tiếp cận Mặt trời gần đây nhất của Parker Solar diễn ra vào tháng 9.2020.

Giới khoa học xác nhận hoạt động của Mặt trời dần dần tăng lên khi nó bước vào chu kỳ hoạt động mới gọi là Chu kỳ Mặt trời 25. Tháng 11.2020, Mặt Trời giải phóng vết lóa mạnh nhất trong vòng 3 năm.

Theo các nhà khoa học, Chu kỳ Mặt trời là chu kỳ mà số lượng vết đen Mặt trời thay đổi về số lượng. Chu kỳ được giới hạn bởi năm Mặt trời hoạt động mạnh nhất (năm có nhiều vết đen nhất - cực đại) và năm Mặt trời tĩnh (có ít vết đen nhất - cực tiểu).

Mỗi Chu kỳ Mặt trời có thời gian trung bình khoảng 11 năm. Đây là một hiện tượng quan trọng cần dự đoán vì những tác động bất thường của nó ảnh hưởng lớn đến thời tiết không gian cũng như khí hậu trên Trái đất, đôi khi gây ra những hậu quả tàn khốc.

Ban dự đoán Chu kỳ Mặt trời (SCPP) nói rằng Chu kỳ Mặt trời 25 sẽ đạt cực đại vào năm 2025 nhưng nhìn chung sẽ là một chu kỳ ít hoạt động. Theo SCPP, chu kỳ này khá giống với Chu kỳ Mặt trời 24 đã kết thúc vào tháng 12.2019.

chu-ky-mat-troi.jpg
Hình ảnh cho thấy Mặt trời trong giai đoạn cực đại của Chu kỳ Mặt trời ở bên trái (tháng 4.2014) và giai đoạn cực tiểu ở bên phải (tháng 12.2019) - Ảnh: NASA

Doug Biesecker, nhà vật lý năng lượng Mặt trời tại Trung tâm dự báo thời tiết không gian (SWPC) của NOAA cho biết, trong giai đoạn cực đại, Mặt trời đạt số lượng vết đen trung bình cao hơn 200. Tuy nhiên, con số này ở Chu kỳ Mặt trời 25 ước tính chỉ là 115. Ông Biesecker nhấn mạnh đây là chu kỳ yếu nhất trong 100 năm qua và là chu kỳ yếu thứ 4 từng được ghi nhận.

Một số rác thải vũ trụ cũng sẽ được hút về khí quyển Trái đất nhờ Chu kỳ Mặt trời. Theo đó, cứ 11 năm, hiện tượng từ trường mặt trời đảo cực lại xảy ra một lần. Khí quyển Trái đất chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng này, mở rộng, co rút và có thể kéo rác thải vũ trụ về. Đó là một dạng cơ chế tự làm sạch. “Thật không may, một chu kỳ Mặt trời ít hoạt động đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không loại bỏ được nhiều rác thải không gian”, Biesecker nhấn mạnh.

rac-vu-tru.jpg
Một số rác thải vũ trụ cũng sẽ được hút về khí quyển Trái đất nhờ Chu kỳ Mặt trời

Mặc dù vài năm qua đã có nhiều sứ mệnh tìm hiểu thời tiết không gian và Mặt trời được khởi động, nhưng Biesecker nói rằng nhóm dự đoán không dựa vào dữ liệu từ các tàu vũ trụ mới đó. Ông nói: “Khi chúng tôi tìm hiểu về chu kỳ Mặt trời, những dữ liệu mới luôn hữu ích nhưng rất khó để tin tưởng. Các sứ mệnh mới vẫn chưa đóng vai trò gì trong quá trình này nhưng có thể chúng sẽ có ý nghĩa khi dự đoán Chu kỳ Mặt trời 26”.

Vết đen của Mặt trời là dấu hiệu khởi đầu cho các vụ nổ và sự kiện giải phóng ánh sáng, vật chất và năng lượng vào không gian. Trong gần 2 năm qua, ngôi sao của chúng ta đã trải qua một thời kỳ yên ắng với hầu như không có vết đen nào trên bề mặt.

Việc hiểu rõ chu kỳ hoạt động của Mặt trời sẽ giúp các nhà khoa học dự đoán thời tiết không gian, cũng như tác động của nó đến hệ thống lưới điện, hàng không, GPS, tên lửa, vệ tinh và phi hành gia trong không gian, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu thăm dò Parker Solar của NASA tiếp cận gần Mặt trời