Nguyên mẫu Starship mới nhất của SpaceX, SN11, đã được phóng lên bầu trời Texas vào sáng 30.3 sau 24 giờ trì hoãn. Tuy nhiên, con tàu đã không thể hạ cánh nguyên vẹn.

Tàu Starship SN11 của SpaceX phát nổ trong quá trình thử nghiệm

Long Hải | 31/03/2021, 11:55

Nguyên mẫu Starship mới nhất của SpaceX, SN11, đã được phóng lên bầu trời Texas vào sáng 30.3 sau 24 giờ trì hoãn. Tuy nhiên, con tàu đã không thể hạ cánh nguyên vẹn.

khai-hoa1.png
Ba động cơ Raptor của nguyên mẫu SN11 khai hỏa trong lần phóng vào ngày 30.3 - Ảnh: SpaceX

Nguyên mẫu tàu Starship SN11 đã được phóng từ bãi thử Starbase của SpaceX gần làng Boca Chica ở Nam Texas vào 8 giờ sáng 30.3 (giờ địa phương). Con tàu đã bay lên độ cao khoảng 10 km trước khi bắt đầu các thủ tục hạ cánh. Tuy nhiên gần 6 phút sau vụ phóng, máy quay phát sóng trực tiếp của SpaceX bị ngắt.

“Có vẻ như chúng ta có một cuộc thử nghiệm khác với Starship SN11”, John Insprucker, bình luận viên của SpaceX nói trong buổi phát sóng.

Giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk cho biết dường như có điều gì đó không ổn với một trong những động cơ Raptor của SN11. Nhưng đó có thể không phải là lý do khiến con tàu gặp sự cố.

“Có vẻ như động cơ 2 đã gặp vấn đề khi bay lên và không đạt được áp suất buồng điều hành khi hạ cánh, nhưng về lý thuyết điều này là không cần thiết. Một sự cố quan trọng nào đó đã xảy ra sau khi quá trình hạ cánh bắt đầu. Chúng ta sẽ biết đó là gì khi kiểm tra lại các dữ liệu”, Elon Musk viết trên Twitter.

Giống như những phiên bản trước đó, SN11 đã không hạ cánh nguyên vẹn sau chuyến bay thử nghiệm ngắn ngủi. Con tàu đã phát nổ trong quá trình thử nghiệm, mặc dù điều kiện sương mù ở Boca Chica khiến nó rất khó quan sát.

khai-hoa3.jpg
Rất khó quan sát quá trình thử nghiệm do sương mù dày đặc ở Boca Chica - Ảnh: SpaceX

Theo các quan chức Texas, nguyên mẫu tàu Starship SN11 ban đầu dự kiến ​​sẽ được phóng vào thứ Hai (29.3). Tuy nhiên, một thanh tra của Cục Hàng không Liên bang (FAA), cơ quan giám sát các vụ phóng thương mại vào không gian, đã không thể đến địa điểm phóng đúng lúc.

Cơ quan này hiện yêu cầu một thanh tra viên phải có mặt tại hiện trường cho tất cả các lần phóng tàu Starship, theo giấy phép mới nhất được cấp vào ngày 12.3. Giấy phép nêu rõ rằng bất kỳ chuyến bay thử nghiệm nào cũng phải diễn ra “chỉ khi thanh tra an toàn của FAA có mặt tại địa điểm phóng và hạ cánh”.

Sự thay đổi này là một chính sách mới cho các chuyến bay thử nghiệm, bắt nguồn từ việc SpaceX vi phạm giấy phép phóng vào tháng 12 năm ngoái khi thử nghiệm nguyên mẫu SN8. FAA khi đó cảnh báo rằng hồ sơ chuyến bay SN8 vượt quá nguy cơ tối đa cho phép đối với công chúng trong trường hợp xảy ra vụ nổ. Chuyến bay thử nghiệm đó đã kết thúc với một vụ nổ lớn, tuy nhiên không có báo cáo nào về thiệt hại nào đối với tài sản bên ngoài khu vực thử nghiệm của SpaceX.

khai-hoa2.jpg
Một góc nhìn từ tàu Starship SN11 trong chuyến bay vào ngày 30.3 - Ảnh: SpaceX

SpaceX đang phát triển tàu Starship để chở người và hàng hóa lên Mặt trăng, sao Hỏa và các điểm đến khác trong không gian. Hệ thống vận chuyển bao gồm 2 bộ phận được thiết kế để có thể tái sử dụng hoàn toàn. Đó là tàu vũ trụ bằng thép không gỉ cao 50 mét được gọi là Starship và tên lửa khổng lồ Super Heavy.

Ba nguyên mẫu gần nhất của Starship đã cất cánh trong thử nghiệm bay cao trong vài tháng qua. Hai phiên bản SN8 và SN9 đã bay rất tốt trong các cuộc thử nghiệm lần lượt vào ngày 9.12.2020 và 2.2.2021, nhưng cả hai đều tiếp đất quá nhanh nên phát nổ và biến thành cầu lửa lớn.

Tàu SN10 bay hôm 3.3 vận hành tốt hơn và đạt độ cao hơn 10 km, thực hiện một số thao tác phức tạp trên không và hạ cánh an toàn sau 6 phút 20 giây sau khi cất cánh. Tuy nhiên, Starship SN10 cũng bất ngờ phát nổ trên bệ hạ cánh sau đó 8 phút.

Video SN10 hạ cánh thành công và bất ngờ phát nổ - Nguồn: Space.com

SpaceX đang hướng tới việc ra mắt tàu vũ trụ Starship cuối cùng thông qua một loạt các nguyên mẫu ngày càng phức tạp. Những phiên bản Starship trước đó là Starhopper, SN5 và SN6 đã bay đến độ cao 150 m. Cả 3 con tàu đều khá đơn giản với hình dáng giống kho chứa ngũ cốc và chỉ trang bị một động cơ Raptor thế hệ mới của SpaceX.

Trong khi đó, các nguyên mẫu SN8, SN9 và SN10 đều sử dụng 3 động cơ Raptor, có chóp mũi và cánh tà dọc thân để điều hướng, kiểm soát khí động học nên bay cao hơn nhiều. Starship SN8 từng đạt đến độ cao 12,5 km trong chuyến bay thử nghiệm trước đó.

Mẫu tàu Starship cuối cùng sẽ có 6 động cơ Raptor và đủ mạnh để phóng lên Mặt trăng và sao Hỏa. Tuy nhiên, con tàu sẽ cần tên lửa đẩy Super Heavy để thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái đất. Super Heavy được lắp 30 động cơ Raptor sẽ hạ cánh xuống Trái đất ngay sau khi phóng Starship lên quỹ đạo. Theo thiết kế, tàu Starship có thể chở 100 người vào không gian cùng lúc với khoang điều áp có thể tích khoảng 1.000 m3.

dong-co11.jpg
Các nguyên mẫu SN8, SN9 và SN10 đều sử dụng 3 động cơ Raptor, có chóp mũi và cánh tà dọc thân để điều hướng - Ảnh: SpaceX

Theo SpaceX, Starship sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ ở nhiều điểm đến khác nhau nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch. Công ty này cũng có kế hoạch loại bỏ dần các phần cứng không gian vũ trụ khác theo thời gian và giao tất cả các nhiệm vụ cho Starship và Super Heavy.

Gần đây, Elon Musk, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành SpaceX, đặt mục tiêu phóng Starship lên quỹ đạo cuối năm nay. Tỉ phú người Nhật Yusaku Maezawa đã đặt lịch bay quanh Mặt trăng bằng tàu Starship vào năm 2023.

SpaceX đang cố gắng đáp ứng khung thời gian trên bằng cách phát triển nhanh các nguyên mẫu và bay thử thường xuyên tại cơ sở ở nam Texas. Công ty cũng sẽ sớm tiến hành chuỗi thử nghiệm tương tự với tên lửa Super Heavy.

Starship cũng là ứng cử viên cho chương trình Artemis nhằm đưa phi hành gia NASA trở lại Mặt trăng vào năm 2024 và thiết lập sự hiện diện thường xuyên của con người trên vệ tinh tự nhiên này.

Bài liên quan
Tàu vũ trụ Trung Quốc sẽ thu thập mẫu đá sao Hỏa để đưa về Trái đất thế nào?
Trung Quốc tiến thêm một bước nữa trong việc đưa những mẫu vật đầu tiên của sao Hỏa trở về Trái đất với việc phát triển một thiết bị nhẹ để thu thập mẫu đá hành tinh đỏ trên quỹ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu Starship SN11 của SpaceX phát nổ trong quá trình thử nghiệm