Hàn Quốc đã xây dựng và học hỏi công nghệ tàu hỏa cao tốc như thế nào? Đây sẽ là bài học to lớn cho Việt Nam trong những năm tháng phát triển quyết liệt phía trước.
Nhân chuyện Việt Nam mới mua tàu điện Trung Quốc và ngày 2/6 Bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng quyết định tái khởi động nghiên cứu lập đề án đường sắt cao tốc Bắc – Nam - chắc chắn đây sẽ là một dự án lớn chưa từng có trong lịch sử ngành giao thông. Cũng như vài năm trước, khi dự án này được trình trước Quốc hội, các nhà kinh tế sẽ lại tốn rất nhiều công sức để phản đối một dự án được dự báo sẽ ngốn rất nhiều ngân sách quốc gia cũng như tăng tỷ lệ nợ công lên đáng kể. Điều này là hoàn toàn bình thường bởi các nghiên cứu chính sách đã chỉ ra rằng tất cả các dự án đường sắt cao tốc khi bắt đầu đều vấp phải sự phản đối kịch liệt. Từ khóa quen thuộc gắn liền với các dự án đường sắt cao tốc đó là “chi phí quá cao”, “thời gian xây dựng rất dài”, “khả năng hoàn vốn có thể lên tới vài chục năm”.
Tuy nhiên, một sự bất thường xảy ra tại đất nước Hàn Quốc, hầu như không có một sự phản đối nào khi tổng thông Park Chung Hee quyết định xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối liền Seoul và thành phố cảng Busan vào năm 1974, với tổng chi phí 15 tỷ đô la, trong khi thu nhập đầu người của người Hàn quốc khi đó chỉ là 191$/năm. Tất cả chính quyền và người dân Hàn quốc đều cho rằng đường sắt cao tốc là một công nghệ quan trọng của thế kỉ 21, dấu hiệu của xã hội hiện đại. Đường sắt cao tốc cung cấp việc làm, giải quyết vấn đề giao thông trong hiện tại và tương lai, thân thiên với môi trường và làm cho các hoạt động thương mại hiệu quả hơn. Sau 12 năm xây dưng và phát triển, tàu cao tốc KTX (Viết tắt từ tiếng Anh: Korea Train Express, Tàu cao tốc Hàn QuốcHàn Quốc) hoàn thành cuộc hành trình thương mại đầu tiên từ Seoul đi Busan chỉ với 2 giờ 40 phút cho quãng đường 435 km. Một người dân Hàn Quốc khi đó đã khóc và nói rằng “khi tàu KTX Busan rời bến và kéo một hồi còi, tôi có cảm giác rằng nền kinh tế đang đứng yên bỗng vọt lên như những đoàn tàu siêu tốc”. Trong lễ khánh thành tổng thống Nam Hàn khí đó là Goh Kun chỉ phát biếu ngắn gọn: “Tàu cao tốc KTX này mới chỉ là điểm khởi đầu cho con đường tơ lụa bằng sắt, những con tàu Hàn Quốc sẽ chạy trên nước Mỹ và khắp thế giới”. Sở dĩ vị tổng thống nói ra điểu này bởi khi đó những con tàu và công nghệ xây dựng không phải của người Hàn Quốc, họ phải thuê người Pháp và toàn bộ bí mật công nghệ được giữ kín. Đó không chỉ là lời nói xuông, một kế hoạch đặc biệt đã được đưa ra khi tổng thống thành lập một liên minh các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tập đoàn Chaebol lớn của Hàn Quốc với mục tiêu giải mã công nghệ và đưa Hàn Quốc trở thành một đất nước có khả năng xuất khẩu tàu cao tốc. Và rồi những thế hệ tàu KTX I, II, III lần lượt ra đời có những ưu điểm vượt trội so với công nghệ của Pháp. Những con tàu made in Korea đã chạy trên đất nước Brasil nối liền Rio de Janeiro, Sao Paulo và Campinas. Nó cũng đã đánh bại Shinkanshen và TGV(viết tắt từ tiếng Pháp: Train à grande vitesse, Tàu cao tốc) là một loại tàu hỏa chạy bằng điện có khả năng vận hành với vận tốc lớn (270 tới 300 km/h)) của Pháp để chạy trên bang California của nước Mỹ sau khi vị thống đốc bang nổi danh Schwarzenegger cùng phái đoàn trực tiếp trải nghiệm thử tàu của Nhật bản, Hàn quốc và Pháp. Một dự án lớn nhất trong lịch sử lập quốc của Nam Hàn đã thành công ngoài tưởng tượng, họ thu lại cả vốn lẫn lời chỉ bởi một lý do duy nhất, người Hàn quốc đã không phản đối dự án này giống như các đất nước khác. Tiếp nối thành công này, năm 2010 chính quyền Hàn Quốc đã đưa ra một dự án được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử đường sắt của nhân loại đó là xây dựng một mạng lưới đường sắt cao tốc khắp đất nước Hàn Quốc để 95% người dân Hàn Quốc có thể sử dụng dịch vụ này và thời gian để di chuyển giữa hai điểm bất kỳ trên toàn quốc không qua 2 tiếng đồng hồ. Và cũng như thường lệ, không có một ý kiến phản đối nào từ phía người dân dù biết rằng sau lưng họ sẽ lại thêm một gánh nặng nợ nần.
Tàu KTX của Hàn Quốc (Ảnh sưu tầm)
Trở lại với câu chuyện của Việt Nam, tôi tin sẽ không có sự phản đối nào từ phí người dân nếu chúng ta cũng có một kế hoạch dài hơi như người Hàn Quốc. Chúng tôi không tham vọng xuất khẩu công nghệ nhưng chúng tôi chỉ cần những con tàu made in Việt Nam chạy trên đất nước Việt Nam. Nhưng chúng tôi sẽ kịch liệt phản đối nếu đoàn tàu thứ nhất chúng ta mua của Trung Quốc, rồi đoàn tàu thứ 2 chúng ta mua của Nhật, và đoàn tàu thứ 3 chúng ta mua của Pháp... Về phía các nhà khoa học, tôi mong rằng những câu chuyện tranh cãi đại loại như “nhân danh TS ngành XYZ tôi tin rằng dự án này sẽ lỗ mấy đồng, sẽ gánh nặng nợ công thêm mấy đồng” hoặc những lùm xùm quanh chuyện vị này vị kia có học vị tiến sỹ hay chưa sẽ dừng lại. Bởi lẽ, chẳng cần phải tiến sỹ, một người bình thường cũng biết rằng làm đường sắt cao tốc là lỗ và những phát ngôn như thế cũng không chứng minh được các bạn là những nhà khoa học chân chính, cũng không đóng góp gì cho sự phát triển khoa học của đất nước. Tôi tin rằng rất nhiều người Việt Nam sẽ khóc nếu một ngày nào đó báo chí đưa tin “các nhà khoa học Việt Nam đã giải mã thành công công nghệ đường sắt cao tốc”.
Ngọc Hải (Đại Học Myongji, Korea) - Hà Thu (Thạc sỹ Kinh tế giao thông, Hà Nội)