ChatGPT trở thành cái tên quen thuộc với nhiều người ngay cả trước khi năm 2023 bắt đầu. Chỉ vài tuần sau khi ra mắt chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) này vào ngày 30.11.2022, OpenAI được dự đoán sẽ thu về doanh thu lên tới 1 tỉ USD trong năm 2024, các nguồn tin nói với Reuters thời điểm đó.
Nhịp đập khoa học

Tạo cơn sốt vào 2023, AI đóng vai trò gì trong năm bầu cử lớn nhất lịch sử?

Sơn Vân 03/01/2024 22:15

ChatGPT trở thành cái tên quen thuộc với nhiều người ngay cả trước khi năm 2023 bắt đầu. Chỉ vài tuần sau khi ra mắt chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) này vào ngày 30.11.2022, OpenAI được dự đoán sẽ thu về doanh thu lên tới 1 tỉ USD trong năm 2024, các nguồn tin nói với Reuters thời điểm đó.

Khả năng của mô hình ngôn ngữ lớn trong việc biến lời nhắc thành thơ, bài hát và bài tiểu luận ở trường trung học đã thu hút 100 triệu người dùng ChatGPT chỉ 2 tháng để trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất từ ​​trước đến nay, đạt thành tích mà Facebook phải mất 4 năm rưỡi và Twitter mất 5 năm mới có được.

Mô hình ngôn ngữ lớn là kiểu mô hình học máy có khả năng hiểu và tạo ra ngôn ngữ tự nhiên với quy mô lớn. Những mô hình này thường được đào tạo trên dữ liệu văn bản lớn để hiểu ngữ cảnh, cấu trúc ngôn ngữ và có khả năng tạo ra văn bản mới dựa trên thông tin học được.

Các mô hình ngôn ngữ lớn thường sử dụng các mạng nơ-ron sâu, đặc biệt là mạng nơ-ron chuyển giao (transformer), để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý ngôn ngữ tự nhiên, như dịch máy, tóm tắt văn bản và tạo văn bản mới.

Một số mô hình ngôn ngữ lớn nổi tiếng là GPT (Generative Pre-trained Transformer) của OpenAI, BERT (Bidirectional Encoder Representations from Transformers) của Google, XLNet (Transformer-XL) của Đại học Carnegie Mellon và Google. Những mô hình này đã đạt được những tiến triển đáng kể trong việc hiểu và tạo ra ngôn ngữ tự nhiên, đóng góp vào nhiều ứng dụng khác nhau trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên và AI.

Dù ChatGPT đưa ra câu trả lời với sự tự tin nhưng đôi khi chúng lại sai. Điều này xảy ra thường xuyên đến mức “ảo giác” (theo nghĩa AI tạo ra thông tin sai lệch) được chọn là từ của năm trên Wikipedia.com do ấn tượng sâu sắc mà công nghệ này mang lại cho xã hội.

Những sai lầm như vậy đã không làm mất đi sự hưng phấn hoặc ngăn chặn nỗi sợ hãi hiện hữu mà AI đã truyền cảm hứng.

Theo hãng Pitchbook, các nhà đầu tư đã bơm 27 tỉ USD vào các công ty khởi nghiệp generative AI (AI tạo sinh) trong năm 2023, dẫn đầu là khoản đặt cược nhiều tỉ USD của Microsoft vào OpenAI.

Cuộc chiến giành quyền tối cao về AI, vốn diễn ra giữa các hãng công nghệ lớn trong nhiều năm, đột nhiên trở thành tâm điểm, khi Alphabet, Meta Platforms và Amazon đều công bố những cột mốc quan trọng mới.

Đến tháng 3.2023, hàng ngàn nhà khoa học và chuyên gia AI, gồm cả Elon Musk, đã ký một bức thư ngỏ yêu cầu tạm dừng đào tạo các hệ thống AI mạnh hơn mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4 để nghiên cứu tác động của chúng và mối nguy hiểm tiềm tàng với nhân loại. Bước đi này gợi nhớ đến bộ phim ăn khách Oppenheimer của đạo diễn Christopher Nolan, trong đó nhà sản xuất bom nguyên tử Oppenheimer cảnh báo rằng việc theo đuổi tiến bộ không ngừng có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người.

“Đây là một rủi ro hiện hữu. Nó đủ gần để chúng ta phải nỗ lực ngay bây giờ và dồn nhiều nguồn lực vào việc tìm hiểu những gì có thể làm được”, theo Geoffrey Hinton, một trong những “cha đẻ AI”, người rời Alphabet vào tháng 5.

tao-ra-nhung-dieu-ky-dieu-vao-2023-ai-dong-vai-tro-gi-trong-nam-bau-cu-lon-nhat-lich-su.jpg
AI giúp tạo ra những điều kỳ diệu vào năm 2023 - Ảnh: Reuters

Tại sao AI lại quan trọng?

Công ty tư vấn PwC ước tính tác động kinh tế liên quan đến AI có thể đạt 15.700 tỉ USD trên toàn cầu vào năm 2030, gần bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.

Điểm mấu chốt thúc đẩy sự lạc quan về tăng trưởng là thực tế rằng gần như mọi ngành nghề, từ tài chính và pháp lý đến sản xuất và giải trí, đều đã coi AI là một phần trong chiến lược dự kiến của mình.

Người thắng và kẻ thua trong kỷ nguyên AI chỉ mới xuất hiện. Giống như ở các thời đại khác, những người hưởng lợi có thể sẽ dựa trên nền tảng kinh tế - xã hội.

Những người ủng hộ dân quyền đã nêu lên mối lo ngại về sự thiên vị tiềm ẩn trong AI ở các lĩnh vực, chẳng hạn tuyển dụng, trong khi các liên đoàn lao động cảnh báo về sự gián đoạn sâu sắc với việc làm khi AI đe dọa cắt giảm hoặc loại bỏ một số công việc, gồm cả lập trình và soạn thảo nội dung giải trí.

Nvidia, hãng chip lớn nhất thế giới có bộ xử lý đồ họa (GPU) là mặt hàng hot nhất trong cuộc đua AI toàn cầu, nổi lên như cái tên chiến thắng sớm, với vốn hóa thị trường tăng vọt để lọt vào CLB ngàn tỉ USD cùng Apple và Alphabet.

Những tháng cuối năm 2023, một người chiến thắng khác bất ngờ xuất hiện trong cơn hỗn loạn. Vào tháng 11, hội đồng quản trị OpenAI bất ngờ sa thải Giám đốc điều hành Sam Altman vì “không thường xuyên giao tiếp thẳng thắn với họ”.

Trong cơn bối rối không có lời giải thích, sự việc đã trở thành cuộc trưng cầu dân ý về niềm tin vào AI, được đại diện bởi một bên là Sam Altman – chuyên thúc đẩy thương mại hóa AI, đối lập những người hoài nghi và bi quan mong muốn một cách tiếp cận chậm rãi và cẩn thận hơn với công nghệ này.

Những người lạc quan về AI và Sam Altman đã thắng. Vị CEO bị lật đổ hôm 17.11.2023 đã được phục hồi chức vụ chỉ vài ngày sau đó, một phần không nhỏ nhờ vào hầu hết nhân viên OpenAI đe dọa nghỉ việc nếu không có ông lãnh đạo.

Khi giải thích điều gì đã đưa công ty đến bờ vực, Sam Altman cho biết nhiều người đang lo lắng về những rủi ro cao khi phát triển AI có thể vượt qua trí tuệ con người.

"Tôi nghĩ rằng tất cả đã bùng nổ", doanh nhân người Mỹ 38 tuổi nói tại một sự kiện ở thành phố New York (Mỹ) vào tháng 12.2023.

Một số nhà nghiên cứu OpenAI đã cảnh báo về một bước đột phá AI mới trước khi Sam Altman bị sa thải, thông qua mô hình tuyệt mật có tên Q*, Reuters đưa tin vào tháng 11.

AI đóng vai trò gì trong năm bầu cử lớn nhất lịch sử?

Một câu hỏi được đặt ra bởi câu chuyện về OpenAI: Liệu tương lai AI và tác động của công nghệ này đến xã hội có tiếp tục được thảo luận sau cánh cửa đóng kín bởi một số ít người có đặc quyền ở Thung lũng Silicon không?

Các cơ quan quản lý do Liên minh châu Âu (EU) đứng đầu đã quyết tâm đóng vai trò chủ chốt trong năm 2024 với một kế hoạch toàn diện để xây dựng bức tường an ninh cho công nghệ dưới hình thức của Đạo luật AI. Các chi tiết của dự thảo sẽ được công bố trong vài tuần tới.

Các quy tắc này, cùng với những quy định đang được soạn thảo ở Vương quốc Anh và Mỹ, xuất hiện trong bối cảnh thế giới bước vào năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử, gây lo ngại về thông tin sai lệch do AI tạo ra nhắm đến cử tri.

2024 được đánh giá sẽ là năm của những cuộc bầu cử. Hơn 30 quốc gia, với tổng dân số hơn 4 tỉ người, sẽ chứng kiến người dân của họ đi bỏ phiếu.

Chỉ riêng trong năm 2023, NewsGuard (công ty thiết lập hệ thống xếp hạng cho các trang web tin tức và thông tin) đã theo dõi 614 trang web “không đáng tin cậy” do AI tạo ra bằng 15 ngôn ngữ từ tiếng Anh, tiếng Ả Rập đến tiếng Trung.

Dù tốt hay xấu, hãy kỳ vọng AI, vốn đã được đưa vào sử dụng để thực hiện các cuộc kêu gọi vận động tranh cử ở Mỹ, sẽ đóng một vai trò to lớn trong nhiều cuộc bầu cử diễn ra trong năm 2024.

Bài liên quan
Tìm kiếm chìa khóa để phát triển chip AI tiên tiến trong não người
Với mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vượt xa khả năng tính toán thông thường, một nhóm các nhà khoa học ở Hồng Kông (Trung Quốc) đang lấy cảm hứng từ mô hình nguyên bản là bộ não con người.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo cơn sốt vào 2023, AI đóng vai trò gì trong năm bầu cử lớn nhất lịch sử?