Tính đến ngày 25.3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm, năm 2023 tăng 1,17%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26% (cùng thời điểm, năm 2023 tăng 1,99%).
Tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu dương
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), lãi suất huy động và lãi suất cho vay duy trì xu hướng giảm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định; thị trường chứng khoán tăng trưởng khởi sắc với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 12,2%.
Tính đến thời điểm 25.3.2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm, năm 2023 tăng 1,17%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26% (cùng thời điểm, năm 2023 tăng 1,99%).
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước trước đó cũng cho biết tính đến ngày 25.3, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỉ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023 (riêng tháng 3 tăng 0,98%).
Theo NHNN, tín dụng đầu năm tăng thấp chủ yếu do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn chưa cao, tuy nhiên đã phục hồi trong tháng 3.
NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 và đang rà soát để sửa đổi, bổ sung, gia hạn thông tư; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng như chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng, chương trình cho vay đối với các ngành lâm sản, thủy sản...
Trước đó, tăng trưởng tín dụng đã ở mức âm trong 2 tháng đầu năm. Số liệu của NHNN cho biết, đến ngày 29.2.2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).
Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 3 đạt 11.279 tỉ đồng/phiên, tăng 20,5% so với tháng trước; bình quân quý 1/2024 đạt 9.698 tỉ đồng/phiên, tăng 48,8% so với bình quân năm 2023. Tại thời điểm cuối tháng 2.2024, thị trường trái phiếu có 457 mã niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 2.040 nghìn tỉ đồng, tăng 17,1% so với cuối năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tính từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 191.436 hợp đồng/phiên, giảm 19% so với bình quân năm 2023; sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 63,2 triệu chứng quyền/phiên, tăng 93,1%.
CPI quý 1 tăng 3,77%
Cũng theo báo cáo, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý 1/2024 theo giá hiện hành tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng phục hồi ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Mức tăng này sẽ tạo đà tiếp tục bứt phá cho các quý tiếp theo, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam quý 1/2024 ước đạt 4,63 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất 3 tháng đầu năm của các năm từ 2020 đến nay.
Báo cáo cũng nêu, theo quy luật tiêu dùng, nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán khiến giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường giảm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.2024 giảm 0,23% so với tháng trước, so với tháng 12.2023 tăng 1,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,97%. Tính chung quý 1/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
Giá sản xuất quý 1/2024 tăng giảm đan xen, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản và chỉ số giá dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá sản xuất công nghiệp giảm nhẹ và chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có xu hướng giảm theo thị trường thế giới.
Trong tháng 3, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,09 tỉ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỉ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỉ USD.