Nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới, vì đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Tăng thuế VAT có thể làm tăng thêm hơn 200.000 người nghèo

28/06/2018, 16:28

Nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới, vì đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Số lượng người nghèo sẽ tăng lên theo 2 phương án tăng thuế VAT vào khoảng 202.000 người và 240.000 người - Ảnh minh họa từ Internet

Sáng 28.6, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) tới xã hội và phúc lợi gia đình.

Theo báo cáo của VEPR, do cân đối thu chi chưa hiệu quả, Việt Nam chứng kiến thâm hụt ngân sách triền miên, cao nhất trong khu vực. Điều này dẫn tới thực tế là Việt Nam phải tăng cường vay nợ để chi đầu tư phát triển, kéo theo nợ công tăng cao. Mức nợ công của Việt Nam đã bắt đầu vượt ngưỡng gây tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Nếu không kiểm soát vay nợ, Việt Nam sẽ lún sâu vào nợ nần trước khi kịp "cất cánh".

Bên cạnh đó, thuế là nguồn thu ngân sách lớn nhất với tỷ lệ động viên cao nhất khu vực, phản ánh gánh nặng thuế tương đối lớn của người dân. Nguồn thu thuế hiện ngày càng dựa nhiều vào các loại thuế gián thu. Thuế VAT là nguồn thu ngân sách từ thuế lớn nhất. Mức hành thu VAT ở Việt Nam tương đối hiệu quả. Việc tăng thu ngân sách từ VAT hầu như chỉ còn phương án tăng thuế suất.

Trước đó, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án sửa đổi Luật thuế Giá trị gia tăng, trong đó phương án 1 tăng từ 5% lên 6% và từ 10% tăng lên 12%. Phương án 2 tăng các mặt hàng có thuế suất 5% lên 10%. Dự kiến nếu được Quốc hội thông qua, luật sẽ có hiệu lực từ 1.1.2019.

TS.Nguyễn Việt Cường từ Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy phương án 1 có tác động mạnh hơn lên hộ gia đình so với phương án 2. Cụ thể, phương án 1 làm chi tiêu bình quân của hộ gia đình giảm 0,89%, còn phương án 2 thì làm chi tiêu hộ giảm đi 0,32%.

Tỷ lệ nghèo tăng thêm 0,26 điểm phần trăm nếu như VAT được tăng theo phương án 1 và tăng thêm 0,22 điểm phần trăm nếu VAT được tăng theo phương án 2. Số lượng người nghèo sẽ tăng lên theo 2 phương án tương ứng vào khoảng 240.000 người và 202.000 người.

Hội thảo công bố nghiên cứu "Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình"

TS.Nguyễn Việt Cường phân tích, xét về tác động lên nghèo đói thì VAT chỉ có thể tác động lên nhóm thu nhập thấp ở cận nghèo. Các hộ gia đình có mức sống cao cũng bị giảm mức chi tiêu, nhưng mức giảm này không làm cho họ rơi vào nghèo như nhóm cận nghèo.

“Các hộ gia đình đông người, có tỷ lệ trẻ em và người già từ 80 tuổi trở lên cao hơn, tỷ lệ lao động lớn, bị ảnh hưởng nhiều nhất về nghèo đói. Các hộ gia đình mà chủ hộ có học vấn thấp, nghề nghiệp kỹ năng thấp và trong nông nghiệp cũng chịu nhiều tác động về nghèo đói”, ông Cường nêu.

Theo nhóm nghiên cứu, tăng thuế VAT theo phương án 2 có tác động nhỏ hơn phương án 1. Việc áp dụng thuế suất chung cũng tạo thuận lợi cho việc thu thuế. Tuy nhiên, phương án 2 cũng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến các hộ có thu nhập thấp. Do vậy, Nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới, vì đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Dưới góc độ vĩ mô, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy với đề xuất tăng thuế lên 1,2 lần của Bộ Tài chính (phương án 1), thu ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm 4,9%. Nếu Chính phủ dùng tiền thuế tăng thêm để đầu tư phát triển sẽ làm tổng đầu tư toàn xã hội tăng thêm 1,7%. Tuy nhiên, tổng thu nhập và tổng chi tiêu của hộ gia đình sẽ giảm bớt đi hơn 0,9%. Do đó, sản lượng thực của nền kinh tế không tăng lên.

Với phương án tăng thuế suất các mặt hàng chịu thuế 5% lên 10% để thống nhất thuế suất VAT (phương án 2), thu ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm 2% (thấp hơn phương án 1). Nếu Chính phủ dùng tiền này để đầu tư phát triển sẽ làm tổng đầu tư toàn xã hội tăng thêm gần 1,8%. Tuy nhiên, tổng thu nhập và tổng chi tiêu của hộ gia đình sẽ giảm bới đi 1%. Do đó, sản lượng của của nền kinh tế không tăng giống như phương án 1.

Nếu tăng thuế theo phương án 1 nhưng Chính phủ lại dùng tiền này để chi thường xuyên thay vì đầu tư như hai kịch bản trên, thu ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm 4,5% nhưng chi tiêu Chính phủ sẽ tăng thêm gần 7%. Tổng đầu tư toàn xã hội chỉ tăng thêm 0,5%.

Tổng thu nhập và tổng chi tiêu của hộ gia đình sẽ giảm bớt đi hơn 0,9% (giống như kết quả của phương án 1). Do đó, sản lượng thực của nền kinh tế bị giảm bớt 0,13%.

Trước khi tăng thuế phải thuyết phục được người dân về tính hợp lý của các khoản chi tiêu chính phủ

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho rằng, hiện nay nguồn thu từ dầu thô của Việt Nam đã giảm, không còn được như trước. Thu thuế theo hình thức cũ đã không còn phù hợp, trong khi bộ máy nhà nước ngày càng phình to, dẫn đến bội chi ngân sách. Nghịch lý là trong khi ngân sách nhà nước chi nhiều nhưng chi cho đầu tư lại rất ít.

Theo ông Thành, việc tăng thuế VAT dưới góc độ vĩ mô và vi mô nhìn chung đều ảnh hưởng đến người dân, hộ gia đình và những mức độ tác động là khác nhau. “Quan điểm của tôi thì thuế VAT vẫn có tính chất lũy tiến ở Việt Nam. Người giàu hay người nghèo đều chịu ảnh hưởng”.

“Chính phủ nên nghĩ đến việc cải cách lại các loại thuế tài sản, do tỷ trọng của loại thuế này trong tổng số thu thuế còn quá khiêm tốn. Bên cạnh đó, trước khi tăng thuế Chính phủ phải thuyết phục được người dân về tính hợp lý của các khoản chi tiêu chính phủ. Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách cần phải được nâng cao hơn và theo ko kịp với chuẩn mực quốc tế trước khi đưa ra các đề xuất tăng thuế”, ông Thành khuyến nghị.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng thuế VAT có thể làm tăng thêm hơn 200.000 người nghèo