Bày tỏ quan điểm về đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) lên 8.000 đồng/lít, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đã bày tỏ quan điểm ủng hộ và cho rằng cần phải tăng loại thuế này để bù trừ vào các khoản khác giảm như giá dầu thô hay thuế nhập khẩu.
Trao đổi với báo giới bên lề Hội thảo "Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế" ngày 16.5 về vấn đề tăng khung thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết đây là vấn đề cân đối ngân sách nhà nước, thực chất tăng thuế BVMT là để bù trừ vào các khoản thất thu như giá dầu thô và thuế nhập khẩu giảm.
"Tăng 1.000 đồng thuế thì chúng ta có thể thu về hàng chục tỉ, nếu tăng lên 8.000 đồng thì khoản thu về sẽ rất lớn và có thể giải quyết được vấn đề môi trường ở nhiều nơi sử dụng xăng dầu, còn bao nhiều thì có thể cân đối vào ngân sách nhà nước. Khoản thu thuế BVMT cũng là một trong những nguồn để phát triển đất nước. Là công dân, ai cũng hiểu trách nhiệm này", ông Ruệ nói.
Theo ông Ruệ, với vấn đề xăng dầu, hiện nay cần phải quan tâm đến 3 nhóm lợi ích gồm: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, lợi ích Nhà nước là rất quan trọng.
Lý giải thêm về việc tăng thuế BVMT, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho biết nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi. Khi thuếnhập khẩu giảm xuống 0% thì tất yếu phải tìm nguồn thu để bù vào, và đây chính là trách nhiệm của công dân
Trên thực tế, giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế, tăng cái này, giảm cái kia thì giá vẫn không thay đổi. Trên thế giới, các nước cũng đều tăng thuế BVMT.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh lại cho rằngđề xuất tăng thuế BVMT cần được nhìn nhận và xem xét cặn kẽ, không nên tăng quá cao vì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế. Điều này còn đặc biệt ảnh hưởng tới lạm phát và "túi tiền" của người dân.
"Bảo vệ thị trường trong nước là cần thiết nên cần phải đưa ra nhiều sáng kiến về các rào cản kỹ thuật để bảo vệ. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được điều này. Vì áp dụng rào cản này sẽ khiến doanh nghiệp suy yếu. Thực tế, doanh nghiệp trong nước không thể đáp ứng được", ông Doanh cho hay.
Trong khi đó, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết hiện Chính phủ đang rà soát các loại thuế. Trong đó, đối với các sắc thuế nội địa như thuế BVMT sẽ rà soát theo hướng phù hợp với lộ trình giảm thuế nhập khẩu.
Song, ông Quyền cũng nói thêmviệc tăng khung thuế BVMT lên 8.000 đồng/lít là mức tối đa, khi điều chỉnh còn phụ thuộc vào sức chịu đựng của nền kinh tế để làm sao cho phù hợp. Khung là khung cho phép, còn điều chỉnh thế nào thì Chính phủ sẽ có tính toán cẩn thận để đảm bảo lợi ích của người dân, nhà nước, doanh nghiệp.
Tuyết Nhung