Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), với tình hình giá dầu ở thời điểm hiện nay thì việc gia tăng sản lượng khai thác để thúc đẩy nền kinh tế sẽ là một sáng kiến không khôn ngoan.

Tăng sản lượng dầu thô để đạt mục tiêu kinh tế không phải là... sáng kiến khôn ngoan

tuyetnhung | 12/10/2016, 06:33

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), với tình hình giá dầu ở thời điểm hiện nay thì việc gia tăng sản lượng khai thác để thúc đẩy nền kinh tế sẽ là một sáng kiến không khôn ngoan.

Theo báo cáo doViện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố tại tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 3/2016 ngày 11.10, nền kinh tế Việt Nam trong quý 3 đã có những cải thiện đáng kể so với nửa đầu năm. Dù thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, GDP quý 3 vẫn đạt mức tăng 6,4%, thúc đẩy tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 5,93%.

Báo cáo chỉ ra, trong quý 3 vừa qua, ngànhnông nghiệp suy giảm kết hợp với khó khăn trong ngành công nghiệp khai khoáng được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng thấp. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, ngành khai khoáng ước tính giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, làm giảm 0,28 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế.

Khu vực lâm nghiệp và thủy sản cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chỉ tăng 0,65%, mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Trong khi đó, khu vực nông nghiệp, vốn chiếm 11-13% GDP, ước tính chỉ tăng 0,05% trong 9 tháng đầu năm và chỉ đóng góp được 0,01 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Ở chiều ngược lại, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng chính của nền kinh tế, với mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 11,22%, cao hơn nhiều so với 2 năm trước đó.

Về lạm phát, các chuyên gia kinh tế có mặt tại tọa đàm đều nhận định rằng, lạm phát chính là yếu tố cần quan tâm nhất trong quý cuối cùng 2016. Vì sau xu hướng tăng liên tục trong nửa đầu năm, lạm phát cuối năm hoàn toàn có thể chạm mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra.

Trước những chỉ số tăng trưởng khá chênh lệch giữa các ngành kinh tế, để quý 4/2016 về đích ổn định mà lạm phát không gia tăng, TS Nguyễn Đức Thành đã có cuộc trao đổi riêng với báo chí.

Tăng trưởng kinh tế quý 3 đã hồi phục nhẹ, tuy nhiên VEPR vẫn cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay không đạt được mục tiêu đề ra. Vậy căn cứ vào đâu để VEPR có kết luận này?

TS Nguyễn Đức Thành: Chúng tôi đưa ra nhận định này là do có khuynh hướng phục hồi tích cực trong quý 3. Nhưng những quý đầu năm vẫn tăng trưởng tương đối thấp và quá trình phục hồi hiện vẫn đang diễn ra. VEPRtính toán rằngquý 4 sẽ tăng trưởng tốt hơn quý 3, nhưng kinh nghiệm thì vẫn luôn chỉ ra rằng, quý cuối cùng khó có thể kéo 3 quý kia lên được để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Chính phủ giữ mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, và nhấn mạnh phấn đấu GDP cả năm ở mức 6,3-6,5%. Theo tôi, mức phấn đấu này trong năm nay khó khả thi, bởi dựa vào kinh nghiệm tăng trưởng những năm qua, dù tăng trưởng quý 4 có tăng cao hơn quý 3, cũng không thể vượt 1 điểm phần trăm. Chỉ số này sẽ chỉ quanh mức 6% trong năm nay.

Trong khi luôn được xem là động lực tăng trưởng kinh tế, ngành khai khoáng đã có sự sụt giảm mạnh trong quý 3 vừa qua. Vậy đến thời điểm này, chúng ta có nên xem xét lại ngành công nghiệp này không?

Tôi nghĩ rằng đây là điểm mà chúng ta cần xem xét lại và thừa nhận sự suy giảm của ngành khai khoáng. Khuynh hướng này là tốt với nền kinh tế Việt Nam vì chúng ta sẽ bớt phụ thuộc hơn vào ngành này và phụ thuộc nhiều hơn vào ngành sản xuất chế biến công nghiệp với chất lượng cao hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp với những tiến bộ trong việc phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Tổng cục Thống kê vừa qua đã đề xuất cần tiếp tục khai thác thêm khoảng 2 triệu tấn dầu thô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ôngđánh giá gì về đề xuất này?

Ngành công nghiệp khai khoáng, trong đó có dầu thô, có mức đóng vào GDP không cao như dự đoán ban đầu. Tuy nhiên, theo tôi, dựa vào ngành khai khoáng để gia tăng sản lượng khai thác dầu ở thời điểm hiện nay thì không phải là sáng kiến khôn ngoan.

Nếu tăng sản lượng để đáp được mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì cũng không phải là thời điểm thích hợp vì giá dầu vẫn đang thấp. Chúng ta chỉ nên tăng sản lượng khi giá ở mức cao thôi. Nếu giờ chúng ta không khai thác, thì tài nguyên vẫn còn đó.

Một trong những cảnh báo của VEPR trong những tháng cuối năm là lạm phát. Vậy ông có kiến nghị gì trong việc điều hành kinh tế vĩ mô ở quý cuối năm?

Riêng lạm phát, mức dự báo được VEPR đưa ra làhoàn toàn có khả năng chạm mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra vào cuối 2016. Chúng tôi cũng khẳng định là tăng trưởng kinh tế sẽ không đạt được mục tiêu.

Theo tôi, không nên dùng mọi cách để gồng lên đạt được mục tiêu vì có thể gây ra những bất ổn về kinh tế vĩ mô nhưlạm phát. Đây là mối lo ngại chính trong quý cuối nămnên phải ổn định được yếu tố này để cân bằng nền kinh tế vĩ mô.

Lạm phát đang có cơ sở tăng, tín dụng hiện nay chúng ta đặt mục tiêu rất cao cho cả năm. Nhưng đến hết quý 3 mới đạt được dưới 2/3 của kế hoạch. Nếu bằng mọi cách để đạt được mục tiêu thì phải dồn hết vào quý 4, mà trong 1 thời gian ngắn như vậy thì nền kinh tế không thể hấp thu được vốn. Điều này có thể đẩy vốn vào các thị trường không sinh lời, thông qua đó sẽ tạo ra lạm phát trong quý 4 và đầu năm 2017. Và điều quan trọng nhất vẫn là mất đi lợi thế của nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế vĩ mô ổn định.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng sản lượng dầu thô để đạt mục tiêu kinh tế không phải là... sáng kiến khôn ngoan