Không đồng tình  với mức tăng 12,4%, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất xem xét tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 lên 14,4%. Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế, tăng lương chính là đang "bóp chết" doanh nghiệp.

Tăng lương năm 2016 lên 14,4% là đang bóp chết doanh nghiệp?

Một Thế Giới | 08/10/2015, 09:30

Không đồng tình  với mức tăng 12,4%, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất xem xét tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 lên 14,4%. Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế, tăng lương chính là đang "bóp chết" doanh nghiệp.

Có nhiều lý do để tăng lương

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hiện nay có 4 lý do để để tăng lương ở mức 14,4%. Đó là do tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2015 đã khởi sắc, dự báo kinh tế xã hội 2016 có nhiều triển vọng và thuận lợi hơn năm 2015 mức tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,8%.

Thứ 2, điều 91 Bộ Luật Lao động quy định: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Bộ Lao động đã cam kết với ILO về việc thực hiện đầy đủ điều 91 Bộ Luật Lao động vào năm 2017. 

Thứ 3, đời sống công nhân lao động còn nhiều khó khăn. Theo điều tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam, có 19,9% NLĐ cho biết tiền lương hiện nay không đủ sống; 72% NLĐ cho biết phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm mới đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 8 % NLĐ có có tích lũy. 
Điều này lý giải tại sao có 62% số lao động Việt Nam phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống, và như vậy NLĐ sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa, học hành, nâng cao trình độ theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng Giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước.

Thứ tư, về khả năng chi trả của doanh nghiệp. Hiện nay trong thực tế doanh nghiệp đã chi trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 20%-40%. Qua báo cáo của các cơ quan thuế cho biết, chi phí tiền lương hợp lý để xác định tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì tiền lương thực chi cho người lao động đã cao hơn 1,5 lần tiền lương tối thiểu.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, nói năng suất lao động của nước ta còn thấp nên mức điều chỉnh  tăng lương tối thiểu cũng phải thấp tương ứng là không chính xác. Đại diện cơ quan này cho hay, năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp không đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị; sử dụng công nghệ lạc hậu ; quản trị doanh nghiệp không hiệu quả, bộ máy nhân sự cồng kềnh dẫn đến năng suất lao động thấp .

Tăng lương là “bóp chết” doanh nghiệp

Trao đổi với báo Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, việc tăng lương như đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động là không hợp lý. Ông Trinh phân tích rằng, hiện doanh nghiệp làm chỉ có 30% thặng dư, tăng lương thêm 10% nữa thì không còn thặng dư, doanh nghiệp rất khó sống.

Ông Trinh cho hay, hiện nay tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam khoảng 3%, trong khi tốc độ trượt giá của đồng tiền khoảng 1-3%. Dó đó, với đề xuất tăng lương lên 14,4 % là khá cao. Việc tăng cao này sẽ không có lợi cho việc tạo thêm việc làm mới cho người lao động và thất nghiệp sẽ gia tăng.

“Muốn tăng lương phải đi cùng với năng suất lao động chứ không thể muốn tăng thế nào là tăng. Tăng cao quá sẽ bóp chết doanh nghiệp” – ông Bùi Trinh nhấn mạnh.

Theo thống kê của VCCI, hiện nay doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa 2%, còn lại là 96% doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Trong khi gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Hiện nay chi phí chủ sử dụng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn phí ở các doanh nghiệp VN cao nhất so với các nước trong khu vực.

Trên quan điểm của VCCI, tốc độ tăng lương tối thiểu tại Việt Nam trong thời gian qua khá cao. Tiền lương tối thiểu đã tăng từ mức 350.000 đồng/tháng vào năm 2005 lên mức 2.150.000 đồng/tháng vào năm 2015 (đối với vùng IV). Tổng mức tăng chung trong cả giai đoạn là 6,14 lần, tương đương mức tăng trung bình khoảng 20%/năm.

Về phía doanh nghiệp, trước đó, Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và Tiểu ban nhân lực và đào tạo đã gửi thư tới Thủ tướng kiến nghị Chính phủ cân nhắc mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 là 12,4%.

Các đơn vị trên cho rằng, mức tăng này sẽ ảnh hưởng tới tăng chi phí sản xuất, đội giá thành sản phẩm, khả năng cạnh tranh tồn tại của doanh nghiệp và có nguy cơ nhiều doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động, người lao động sẽ mất việc làm.

Hoàng Long

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng lương năm 2016 lên 14,4% là đang bóp chết doanh nghiệp?