Bắt đầu từ năm học 2022-2023 nhiều trường ĐH đã áp dụng việc tăng học phí, đặc biệt là các trường đang tự chủ khiến nhiều sinh viên và học sinh lo lắng.
Tăng học phí khiến nhiều học sinh buộc thay đổi nguyện vọng
Khoảng thời gian này chính là thời gian các học sinh vừa kết thúc kỳ thi THPT 2022 và đã biết điểm, đang lựa chọn nguyện vọng ngành học theo đúng năng lực, sở thích và... cả kinh tế của bản thân và gia đình. Hiện nay các sinh viên đang băn khoăn lựa chọn các trường theo nguyện vọng và sở thích, nhưng điều quan trọng nhất cũng chính là lựa chọn xem học phí của trường ĐH đó như thế nào, có đáp ứng được hay không cũng là cả một vấn đề lớn với các sinh viên hiện nay. Đặc biệt là khi một số trường công bố mức học phí tăng khá cao. Điều này đã dẫn đến nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải đổi hướng, điều chỉnh nguyện vọng. Học phí trở thành gánh nặng đối với những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và những sinh viên ở các tỉnh lên thành phố ở trọ.
Chia sẻ với phóng viên, em Nguyễn Minh Nhất (Hà Tĩnh, đạt 28,5 điểm ở kỳ thi THPT 2022) cho biết: "Năm nay e rất muốn theo học trường ĐH Ngoại thương, nhưng với mức học phí tăng cao, bố mẹ ở quê làm ruộng, lại có 1 anh trai cũng đang học ngoài Hà Nội và còn 1 em gái đang theo học cấp 2 ở quê nên bố mẹ mong muốn em học tại trường nào có mức học phí thấp hơn so với trường ĐH Ngoại thương. Nên em đang tính thay đổi nguyện vọng vào Sư phạm hoặc một trường nào đó có mức học phí phù hợp với gia đình em hơn".
Cũng như Minh Nhất, sinh viên Đỗ Đức Tuấn (ĐH Giao thông vận tải, Hà Nội) cho rằng việc tăng học phí lên từ 10-20% khiến không chỉ sinh viên mà chính gia đình hay các em đang muốn vào trường cũng sẽ cân nhắc. "Thu nhập của bố mẹ em ở quê cũng chỉ đủ cho chúng em đóng học phí, còn ăn uống hay học thêm, mua sách vở em đều phải đi làm thêm 1-2 nơi mới đủ sinh hoạt. Có những lúc vì việc làm thêm mà bỏ cả học nhưng cũng đành chấp nhận, để thi lại hoặc vắng đủ số tiết để có thể có kinh phí sinh hoạt tại Thủ đô đắt đỏ này".
Sinh viên Nguyễn Hà Phương (Trường ĐH Thương mại) cho biết hiện nay mỗi tháng gia đình cũng đã gửi lên cho em gần 2 triệu đồng nhưng với số tiền đó vẫn chưa đủ để em sinh hoạt, thuê nhà, đi học thêm... tại Hà Nội. "Khi đa số các trường tăng học phí, đến cả đồ ăn thức uống, nhà cửa cũng lên thì việc này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh viên như chúng em. Nếu học phí dự kiến tăng lên tới 12-15 triệu đồng/1 kỳ thì con số này là khá lớn. Mình sẽ phải cố gắng đi làm thêm, dạy thêm để đủ trang trải cho cuộc sống sinh viên năm thứ 3 này".
Một số trường điều chỉnh tăng học phí năm học này từ 5-40%. Thậm chí có những khoa chất lượng cao, mức học phí có thể lên đến vài trăm triệu/năm. Trong khi đó, thủ tục vay vốn ngân hàng còn là rào cản với nhiều sinh viên vì điều kiện áp dụng chỉ dành cho hộ nghèo và cận nghèo. Đồng thời, mức vay cũng không đủ chi phí cho sinh hoạt của sinh viên.
Việc tăng học phí là điều khó tránh khỏi ở tất cả các trường ĐH, tuy nhiên tăng học phí có đi kèm chất lượng hay không? Và các trường ĐH tự chủ nếu tăng học phí thì chất lượng giảng dạy, số lượng giáo sư, tiến sĩ tham gia công tác giảng dạy cho sinh viên cũng là điều đáng bàn tới.
Học phí tăng có kéo theo chất lượng?
Theo nguyên tắc, cứ học phí tăng thì chất lượng sẽ tăng bởi lẽ việc giáo dục chính là việc "trồng người" chứ không hẳn là kinh doanh. Tuy nhiên việc lạm dụng thu học phí và mở rộng đào tạo để thu hút người học nhưng không đảm bảo chất lượng, sinh viên ra trường không có việc làm, đó cũng là sự lãng phí về nguồn nhân lực. Thực tế nhiều trường ĐH ngoài công lập và cả các trường công, việc đầu tư cho chất lượng đào tạo chưa được chú trọng. Nhiều ngành kỹ thuật với yêu cầu cơ sở vật chất rất cao nhưng nhiều trường không đầu tư, đi thuê cơ sở của trường khác để sinh viên thực tập là điều dễ thấy. Vậy thì lấy đâu ra chất lượng đào tạo tại chính các cơ sở này?
Trên thực tế, nhiều trường vẫn chưa làm tốt khoản đầu tư cho các ngành học. Ví dụ các ngành đào tạo về y dược, nếu tính đúng, tính đủ, học phí phải trên 100 triệu đồng/năm, nhưng thử hỏi các khoa y dược ở các trường ngoài công lập hiện nay đầu tư đến đâu để xứng đáng với số học phí mà sinh viên phải nộp. Do vậy, yêu cầu trước hết của việc tăng học phí là phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo.
Trả lời câu hỏi về việc tăng học phí cũng như việc các trường bắt đầu điều chỉnh để tự chủ ĐH, PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại cho rằng: "Cần đổi mới chính sách học phí theo nguyên tắc chia sẻ chi phí với xã hội, trong đó các trường đại học đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ. Bộ GD-ĐT cần trao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập về mức thu, trước hết là thu học phí, lệ phí. Các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương và chi phí hoạt động thường xuyên trong giá dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở khung giá. Tuy nhiên, kèm theo cơ chế này cần có chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa về mức học phí… tạo điều kiện cho mọi người đều được tiếp cận giáo dục đại học".
Liên quan đến vấn đề học phí Đại học tại Việt Nam, theo đánh giá của ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết từ xưa đến nay, kinh phí đào tạo chủ yếu từ ngân sách nhà nước cấp thường xuyên và do người học tự đóng góp, tỷ lệ doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách đào tạo giáo dục có nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Theo tính toán của các chuyên gia, đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam thu về lợi ích cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới. Người học cũng cần đặt ra bài toán đầu tư cho tương lai, bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ người học thông qua cơ chế tín dụng.
Theo PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điều khó khăn nhất khi tự chủ ĐH là thay đổi nhận thức để phát huy được nội lực của từng giảng viên, qua đó thu nhập của trường cũng như của các thầy cô sẽ tăng lên, giúp bình ổn cuộc sống và có nhiều thời gian cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu.
Việc tăng học phí hay các trường tự chủ ĐH cần có một cơ chế minh bạch rõ ràng, bao nhiêu % học phí trích ra trong quỹ học bổng cho sinh viên để xã hội có thể giám sát. Đồng thời nên tạo quỹ học bổng mở để thu hút tài trợ giúp sinh viên thêm cơ hội vào đại học. Cần mở rộng đối tượng gói hỗ trợ vay theo nhu cầu, mức phí vay đáp ứng đủ nhu cầu học tập và sinh hoạt thực tế ở thành phố lớn.
Điều đáng lo ngại nhất là việc tăng học phí ở các trường thì rất nhanh chóng nhưng trong bối cảnh đất nước vừa kết thúc đợt dịch COVID-19 thì kinh tế của các gia đình cũng sụt giảm đáng kể. Các nguồn thu cũng hạn chế, dễ dẫn đến việc sẽ khó khăn cho các gia đình nếu có 2 người con đều là sinh viên ĐH hay đang theo học THPT. Điều quan trọng là cần nâng cao chất lượng đào tạo, kết hợp với trách nhiệm của nhà trường và trách nhiệm của người học để đào tạo ra một cử nhân có khả năng và có đủ tri thức đảm nhận công việc luôn.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) khẳng định hiện nay một nền giáo dục tốt phải thỏa mãn một số yếu tố bao gồm tính công bằng về cơ hội học tập, tiêu chí chất lượng, hiệu quả. Khi nâng cao chất lượng bằng cách nâng chi phí cho đào tạo lên mà không có các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hay từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ dựa vào học phí thì không ổn. Khi nói đến tăng học phí thì bất kể quốc gia nào cũng đều có nguyên tắc với các trường công lập là học phí phải đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Do đó, mức học phí thường có quy định giới hạn, không phải tăng vô hạn mà cần căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân.