Chiều 13.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Theo dòng thời sự

Tăng cường nguồn lực để ngăn chặn ma túy

Mộc Lam 13/11/2024 20:50

Chiều 13.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 được xây dựng nhằm tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, trọng tâm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia với nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy, tăng cường nguồn lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra với công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, góp phần quan trọng trong bảo vệ sức khỏe mỗi cá nhân, duy trì giống nòi, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người.

matuy1.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận - Ảnh: media.quochoi.vn

Thảo luận về chủ trương đầu tư chương trình, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ ủng hộ cao về chương trình này và cho biết đây là tiếp nối việc thực hiện chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành.

ĐB Nguyễn Anh Trí cho biết, hiện nay ma túy diễn biến phức tạp, khó hơn trước nhiều và cũng thách thức toàn xã hội. Do đó, cần tập trung nhiều hơn, sâu sắc hơn việc phòng so với chống. Ngoài ra, ông Trí cũng cho rằng, cần chú ý vấn đề ma túy khi sử dụng thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và loại khác…). Tất cả loại thuốc lá mới đều có nguy cơ là phương tiện sử dụng ma túy.

matuy3.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) thảo luận - Ảnh: media.quochoi.vn

ĐB Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) bày tỏ băn khoăn với chỉ tiêu giảm cung về ma túy. Về phấn đấu phát hiện, triệt phá 100% các điểm phức tạp về ma túy và các đối tượng bán lẻ, theo ông Bình, mục tiêu này quá cao và có thể khó đạt được. Đặc biệt trong bối cảnh các điểm, các đối tượng ma túy ngày càng tinh vi, dễ di chuyển mà tỷ lệ đặt ra 100% là khó, trừ khi có sự phối hợp thật tốt, chặt chẽ liên ngành, hiệu quả.

Với chỉ tiêu về giảm cầu, việc kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1% mỗi năm có thể khó thực hiện vì sự phức tạp trong kiểm soát và quản lý số lượng người nghiện. "Tỷ lệ này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố xã hội và kinh tế", đại biểu Thạch Phước Bình nói.

Ông Bình cũng cho rằng, chỉ tiêu trên 80% trạm y tế cấp xã và 100% cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện là mục tiêu hợp lý, cần thiết để nâng cao hiệu quả xác định và quản lý người nghiện. Dù vậy, thực tế cho thấy, y tế cơ sở hiện nay có cơ sở vật chất chưa bảo đảm. Tính khả thi lại phụ thuộc vào ngân sách hỗ trợ trong việc nâng cấp cơ sở vật chất và đào tạo nhân sự. Từ đó, ĐB đề nghị xem xét lại chỉ tiêu này.

dong-thap.jpg
Đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp)

ĐB Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) đề nghị Bộ Công an quan tâm khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để rà soát, thống kê, cập nhật số liệu qua đó quản lý tốt hơn người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, ưu tiên, bố trí kinh phí cho công tác đấu tranh, công tác xác định tình trạng nghiện, cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Nhiều ý kiến của đại biểu quốc hội đồng tình chương trình có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự của quốc gia, bởi tội phạm ma túy là tội phạm có tính chất xuyên quốc gia và có tính đặc biệt nghiêm trọng, độ liều lĩnh, bất chấp cao.

Phát biểu giải trình ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của chương trình tập trung vào 3 mục tiêu cụ thể là giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Trên cơ sở tổng kết và đánh giá kết quả đã đạt được trong các giai đoạn trước, chương trình được xây dựng nhằm xác định các mục tiêu và chỉ tiêu sát với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính khả thi về nguồn lực.

13-11-2024-tap-trung-giam-tac-hai-cua-ma-tuy-abf2c7f-details.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quốc hội nêu

Theo Bộ trưởng, quá trình xây dựng chương trình đã được rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo các nhiệm vụ và nội dung đầu tư không trùng lặp với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội khác hiện đang triển khai. Các dự án trong chương trình được thiết kế theo hướng ưu tiên đầu tư trực tiếp cho cơ sở để chủ động làm tốt công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy từ sớm, từ xa, từ địa bàn, để đảm bảo giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại, ngăn chặn, giảm thiểu những hệ lụy của ma túy đối với mỗi người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước trong 6 năm (2025-2030) gồm 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án do Bộ Công an quản lý chương trình và 8 bộ ngành chủ trì thực hiện các dự án thành phần.

Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là 22.450,194 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương chiếm 78,96%, còn lại là vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện chương trình từ năm 2025 đến hết năm 2030.

Bài liên quan
Bắt kẻ vận chuyển ma túy, súng quân dụng qua biên giới
Ngày 14.11, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vừa phối hợp các lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng vận chuyển ma túy và súng quân dụng qua biên giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường nguồn lực để ngăn chặn ma túy