Tân nữ giáo sư toán học thứ 2 của Việt Nam Lê Thị Thanh Nhàn: “Thời chúng tôi và những thế hệ đi trước có thể ăn đói, chịu đựng khó khăn mà vẫn say mê làm khoa học và cống hiến, nhưng đừng yêu cầu các bạn trẻ thời nay phải thế”.

Tân nữ giáo sư Toán học: Đừng bắt giới trẻ 'nhịn đói' để làm khoa học

Một Thế Giới | 12/11/2015, 21:38

Tân nữ giáo sư toán học thứ 2 của Việt Nam Lê Thị Thanh Nhàn: “Thời chúng tôi và những thế hệ đi trước có thể ăn đói, chịu đựng khó khăn mà vẫn say mê làm khoa học và cống hiến, nhưng đừng yêu cầu các bạn trẻ thời nay phải thế”.

Tuổi thơ thường xuyên phải nhịn đói
Trong buổi Lễ công bố Quyết định và trao giấy chứng nhận cho các tân Giáo sư, Phó giáo sư năm 2015, tân GS Lê Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1970) tâm sự với các đồng nghiệp: Tôi lớn lên tại Thái Nguyên. Bố tôi là bộ đội tập kết ra Bắc – quê ở làng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Niềm Phò - Thừa Thiên Huế), mẹ là giáo viên cấp 1 sinh ra tại làng Tùng Ảnh (Đức Thọ - Hà Tĩnh) – quê của Tổng Bí thư Trần Phú, tuổi thơ của tôi là chuỗi ngày gian khó, phải nhịn đói thường xuyên. Do nhiều năm tháng ở chiến trường, bố bị sốt rét liên miên rồi mất sớm, nhưng tinh thần lạc quan, yêu đời của ông đã truyền cho chị em tôi một sức sống mãnh liệt.
Từ nhỏ đã thích học Toán nên tôi đã thi vào khoa Toán - Trường ĐHSP Việt Bắc. Lúc đó, mẹ tôi đã chuyển về quê chồng ở Huế. Suốt 4 năm đại học thời bao cấp, được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của thầy cô, bạn bè, tôi đã vươn lên hàng đầu trong khóa học, tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại trường giảng dạy khi tròn 20 tuổi.
Được biết, tân GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn nhận học vị thạc sĩ tại Trường ĐH SP Hà Nội năm 1995 và học vị tiến sĩ tại Viện Toán học năm 2001. Năm 2005, chị Thanh Nhàn được công nhận chức PGS ở tuổi 35 và trở thành PGS trẻ nhất năm đó.
Năm 2007, chị Nhàn được trao giải thưởng Khoa học Viện Toán học cho cụm công trình nghiên cứu về Đại số giao hoán. Đây là giải thưởng khoa học uy tín được trao 2 năm một lần cho không quá hai nhà Toán học xuất sắc của Việt Nam dưới 40 tuổi. Đến năm 2011, nữ nghiên cứu toán học tiếp tục được nhận giải thưởng Kovalevskaia, là giải thưởng cao quý trao thường niên cho các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên; và nhận chức danh GS ở tuổi 45.
“Trong đợt công nhận chức danh lần này có những GS, PGS trẻ hơn tôi, có nhiều người rất xuất sắc nhưng Ban tổ chức lại chọn tôi phát biểu có lẽ muốn động viên và tiếp thêm sức mạnh cho một người nghiên cứu Toán học trong suốt 20 năm qua ở Đại học Thái Nguyên, một Đại học vùng còn nhiều khó khăn” – tân GS Lê Thị Thanh Nhàn bày tỏ.
GS Nhàn cũng tiết lộ: Được nghiên cứu Toán là được làm điều tôi yêu thích, được phát huy năng lực của mình và đóng góp tốt hơn cho sự nghiệp khoa học và đào tạo. Thành công của tôi ngày hôm nay bắt đầu từ sự yêu thích đó.
“Mong ước của tôi đã trở thành hiện thực khi tôi may mắn được GS.TSKH Nguyễn Tự Cường - một nhà Toán học uy tín quốc tế, một người thầy tâm huyết, đồng ý và theo dõi hướng dẫn mình suốt chặng đường, từ một cô học viên miền núi ngơ ngác đến khi trở thành một GS Toán học thực thụ như ngày hôm nay. Tôi vô cùng kính trọng và biết ơn thầy” – GS Lê Thị Thanh Nhàn chia sẻ.
Nghiên cứu khoa học là con đường chông gai!
Tiếp tục câu chuyện nghiên cứu khoa học, GS Nhàn bày tỏ: “Cuộc sống vốn có nhiều đường đi, tôi không có ý định mang mô hình của chúng tôi ra để “làm mẫu” cho tất cả các bạn trẻ. Thời chúng tôi và những thế hệ đi trước có thể ăn đói, chịu đựng khó khăn mà vẫn say mê làm khoa học và cống hiến, nhưng đừng yêu cầu các bạn trẻ thời nay phải thế”.
Nu giao su Toan hoc, Le Thi Thanh Nhan, DH Thai Nguyen, Vien Toan hoc, khoa hoc, nhin doi
GS Lê Thị Thanh Nhàn nhận giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh ngày 12.11
Cũng theo GS Nhàn, mặc dù ngày càng ít người giỏi chọn sự nghiệp nghiên cứu khoa học, vì đây là con đường chông gai và rất khó để “làm giàu”, nhưng vẫn có những bạn trẻ đang dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, vẫn có những người có công trình xuất sắc, những người đã bỏ lại ưu đãi ở nước ngoài, trở về phục vụ đất nước trong bối cảnh môi trường làm việc còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Chẳng hạn như các đồng nghiệp của GS Nhàn ở Viện Toán chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, lương của các GS cũng chỉ 8-9 triệu đồng/tháng. Với mức lương như vậy thì làm sao có thể yên tâm nghiên cứu khoa học được.
“Nhưng, tôi tin rằng, nếu có cơ chế, chính sách hợp lý của Nhà nước và các cơ quan hữu quan, có sự quan tâm tài trợ thích đáng của các tổ chức, các Bộ/ngành, thì cách nghĩ của giới trẻ sẽ thay đổi, sẽ ngày càng nhiều người xuất sắc chọn sự nghiệp khoa học và theo đuổi ước mơ trở thành nhà khoa học chân chính” – GS Nhàn nhấn mạnh.
GS Nhàn cũng thẳng thắn nhìn nhận, thành công ngày hôm nay GS có dấu ấn bởi sự nâng đỡ, tài trợ nghiên cứu từ Chương trình Fornath Vietnam, Viện Toán Fouier (CH Pháp), Trung tâm ICTP (CH Italia), ĐH Zurich (Thụy Sĩ), Chương trình Semina phối hợp Nhật - Việt…Đặc biệt là Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia – Nafosted ra đời. Quỹ đã mang lại niềm hy vọng tràn đầy cho những người nghiên cứu khoa học cơ bản, trong đó có Toán học.
Hơn thế nữa, việc thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về Toán và Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đến 2020 đã tiếp thêm sức mạnh về vật chất, về tinh thần và tạo môi trường nghiên cứu, học tập lý tưởng cho các nhà Toán học, các sinh viên Toán học toàn quốc, để nền Toán học Việt Nam có một chỗ đứng thực sự trên thế giới.
Từ sự thành công của mình, GS Nhàn bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ có thêm nhiều hội đồng khoa học có chất lượng chuyên môn cao, vô tư và công bằng, có thêm nhiều mô hình hỗ trợ như Quỹ Nafosted, như Viện nghiên cứu cao cấp vê Toán. Bên cạnh đó GS cũng mong những chính sách của nhà nước được kịp thời và thỏa đáng để chúng ta có thể phát triển bền vững đội ngũ các nhà nghiên cứu Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước.
Nguyễn Hùng/ Dân Trí
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tân nữ giáo sư Toán học: Đừng bắt giới trẻ 'nhịn đói' để làm khoa học