Là một tiến sĩ kinh tế, tân Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đưa ra những kế hoạch bước đầu về tăng trưởng kinh tế cho thành phố.
Ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ ông nhận nhiệm vụ trong thời điểm đất nước tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, trong đó hội nhập kinh tế là trung tâm, đặc biệt là quá trình thực hiện các cam kết trong cộng đồng ASEAN, tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)...
Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP.HCM. Tuy nhiên, một số vấn đề còn hạn chế như năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố chưa cao, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
"Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm đã đề ra, đòi hỏi nội dung kế hoạch thể hiện tư duy đột phá, chính sách đột phá, xác định giải pháp đột phá và triển khai, tổ chức thực hiện đột phá, thu hút nhân tài cho mục tiêu phát triển bền vững"
5 nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất
Theo ông Nguyễn Thành Phong, trước yêu cầu mới cho sự phát triển và hội nhập sâu hơn của thành phố, vấn đề đặt ra là đòi hỏi cao hơn về yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển.
Trong thời gian qua kinh tế của thành phố chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, nông nghiệp đang giảm dần tỷ trọng, công nghiệp giảm dần và dịch vụ đang gia tăng, hiện dịch vụ chiếm tỷ trọng 59,9%. Lợi thế lớn nhất của thành phố là trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ và tạo ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.
Tân Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định đây là điều mà lãnh đạo thành phố sắp tới sẽ tìm giải pháp thúc đẩy phát triển, do vậy còn rất nhiều việc cần phải làm, tập trung giải quyết ngay trong năm 2016 và giai đoạn tiếp theo.
Trước mắt chủ động, tích cực, khẩn trương tuyên truyền sâu rộng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất. Cụ thể sẽ điều chỉnh, bổ sung các quy định, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của UBND thành phố để phù hợp với các cam kết của Việt Nam với các nước; đồng thời ban hành các chính sách mới nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, về vốn, mặt bằng và hỗ trợ đổi mới công nghệ. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt", phát huy hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thu hút nhân tài cho mục tiêu phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chính phủ đã có Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016. Nhiệm vụ quan trọng của thành phố là thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết số 19, đặc biệt là những mục tiêu, định hướng chiến lược mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10 nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, tập trung tái cấu trúc kinh tế thành phố, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh...
Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, những thành tựu kinh tế của thành phố đã đạt được trong thời gian qua, điển hình như kinh tế thành phố tăng trưởng khá cao, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, hoàn thành vượt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước (năm 2015 ước thu gần 270.000 tỉ đồng), thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…, sẽ phải được tập trung phát huy.
Thành phố đang thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía nam nhiệm kỳ 2015 - 2016 nên cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng, thu hút sản phẩm hỗ trợ, nguyên liệu công nghiệp chế biến, nguồn thực phẩm sạch, an toàn về thành phố...
Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm đã đề ra, đòi hỏi nội dung kế hoạch thể hiện tư duy đột phá, chính sách đột phá, xác định giải pháp đột phá và triển khai, tổ chức thực hiện đột phá, thu hút nhân tài cho mục tiêu phát triển bền vững, tân Chủ tịch Nguyễn Thành Phong quyết tâm.
Cơ quan hành chính nhà nước phải hết sức chú trọng nâng cao năng lực quản lý điều hành; cán bộ, công chức hết lòng phục vụ người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính phải được đơn giản hóa, minh bạch, công khai; chấm dứt tình trạng cán bộ, công chức ngại trách nhiệm, nhũng nhiễu, phiền hà dân, thiếu chặt chẽ trong công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Kiên quyết cắt giảm chi tiêu công
Song song với những hoạch định về kinh tế, tân Chủ tịch UBND TP.HCM cam kết chính quyền thành phố triệt để tiết kiệm trong sử dụng ngân sách, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết; cắt giảm tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, lễ hội, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài; tăng cường thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân.
Thành phố tiếp tục tập trung xây dựng môi trường văn hóa đô thị lành mạnh, hiện đại, văn minh, nghĩa tình, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, tác phong công nghiệp, đồng thời mang nét đặc trưng của văn hóa Nam bộ, TP.HCM.
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của UBND thành phố và các ngành, các cấp, cá nhân ông rất mong nhận được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, HĐND thành phố; sự quan tâm, giúp đỡ, góp ý của các đồng chí lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ; sự ủng hộ, giám sát của các vị đại biểu HĐND thành phố; sự chung sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân vì sự phát triển của TP.HCM.
Không để trì trệ, ách tắc công việc của dân, doanh nghiệp
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá UBND thành phố có sự thay đổi nhân sự lớn, miễn nhiệm 10 nhân sự thôi giữ nhiệm vụ Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên UBND thành phố do chuyển công tác, nghỉ hưu theo quy định; và bầu bổ sung 8 nhân sự chủ chốt, gồm Chủ tịch, 2 Phó chủ tịch (ông Lê Văn Khoa và bà Nguyễn Thị Thu), 5 Ủy viên UBND thành phố (Giám đốc Công an thành phố, thiếu tướng Lê Đông Phong; Chánh văn phòng UBND thành phố Võ Văn Hoan; Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Sử Ngọc Anh; Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Xuân Cường; Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng).
Kỳ họp lần thứ 20 HĐND thành phố khóa 8 đã thông qua Nghị quyết về kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2016 và các Nghị quyết khác có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của thành phố. Do vậy, sau kỳ họp, UBND thành phố và các ngành chức năng sớm cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện. Tiếp tục kiện toàn nhân sự UBND thành phố đúng quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của một đô thị lớn. Không để trì trệ, ách tắc công việc của dân, doanh nghiệp.
Tân Phú (báo Thanh Niên)