Quan tâm đến chất lượng suất ăn của học trò và đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, một hiệu trưởng trường tiểu học ở Sóc Trăng đã “kháng lệnh” cấp trên, xây bếp ăn trong trường, nên đang đối mặt nguy cơ mất chức.

Tâm sự của ông hiệu trưởng sắp mất chức vì… lo suất ăn cho học sinh

Duy Khang | 06/09/2018, 15:39

Quan tâm đến chất lượng suất ăn của học trò và đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, một hiệu trưởng trường tiểu học ở Sóc Trăng đã “kháng lệnh” cấp trên, xây bếp ăn trong trường, nên đang đối mặt nguy cơ mất chức.

Suốt tuần qua, hàng nghìn phụ huynh Trường tiểu học Hùng Vương ở P.6, TP.Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) rất quan tâm đến chuyện Hiệu trưởng Lâm Văn Hải bị UBND TP.Sóc Trăng đình chỉ công tác. Tình hình có vẻ xấu đi khi cuối tháng 8, UBND TP.Sóc Trăng tiếp tục bỏ phiếu đểkỷ luật ông Hải.

Cuộc họp do Phó chủ tịch UBND TP.Sóc Trăng Trần Văn Trí chủ trì. Có 5 phiếu được phát ra và kết quả 4 phiếu chọn hình thức kỷ luật là cách chức ông Hải, phiếu còn lại buộc thôi việc. “Cuộc họp còn yêu cầu tôi làm lại tờ kiểm điểm theo hướng không chấp hành chỉ đạo của cấp trên về việc không cho xây bếp ăn trong trường”, ông Hải nói.

“Kháng lệnh” cấp trên

Chuyện tại Trường tiểu học Hùng Vương bắt đầu “sôi động” khi lãnh đạo trường này làm công văn gửi cấp trên về việc Ban đại diện cha mẹ học sinh không đồng ý với nội dung công văn của Phòng GD-ĐT TP.Sóc Trăng. Công văn 341 do Trưởng phòng Dương Thị Ngọc Diễm ký, yêu cầu trường Hùng Vương không tựtổ chức nấu ăn tại trường cho học sinh bán trú.

Công văn nêu: “Năm học 2018-2019, nhà trường không được tổ chức đấu thầu nấu ăn tại trường để cung cấp suất ăn phục vụ cho học sinh bán trú vì thời gian công tác của hiệu trưởng còn không đầy 1 năm học (tháng 3.2019 nghỉ hưu) và thời gian để thực hiện quy trình, thủ tục mời thầu, đấu thầu cũng như xây dựng bếp ăn tại trường không đảm bảo tiến độ.

Phòng GD-ĐT Sóc Trăng giao Trường tiểu học Hùng Vương tái ký hợp đồng với doanh nghiệp Ẩm thực 36 trong năm học 2018-2019. Trường có hiệu trưởng mới thì tổ chức đấu thầu nấu ăn cho học sinh bán trú theo đúng quy định”.

Không đồng ý, ông Hải không tái ký hợp đồng với Ẩm thực 36 mà ngăn một phần nhà ăn để làm bếp nấu ăn cho học sinh. UBND TP.Sóc Trăng phát hiện nên đình chỉ công tác ông Hải 15 ngày để kiểm điểm vị hiệu trưởng.

Ông Lâm Văn Hải- Ảnh: Hàm Yên

Quyết định của UBND TP.Sóc Trăng nêu các sai phạm của Hiệu trưởng Trường Hùng Vương: không chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, tự ý xây dựng và cải tạo để tổ chức nấu ăn trong nhà trường khi chưa được UBND TP cho phép. Ông Hải có dấu hiệu vi phạm Nghị định 59 của Chính phủ vì UBND TP phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước.

Sai phạm thứ 3 được UBND TP.Sóc Trăng đưa ra là vi phạm Luật Cán bộ, công chức liên quan việc chỉ đạo tổ chức, thực hiện nhiệm vụ được giao. Cuối cùng là vi phạm Nghị định 157 của Chính phủ liên quan việc gương mẫu và chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước...

Cách chức là quá nặng!

Theo ông Hải, ông không vi phạm nghiêm trọng như những gì nêu trong quyết định của UBND TP.Sóc Trăng. Do đó, ông sẽ có phản hồi chứ không thể nhận hình thức kỷ luật nặng như vậy.

“Tôi thấy mình chỉ ngăn nhà ăn để làm cái bếp ăn cho các em. Nói chung là đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, đảm bảo nhu cầu chất lượng bữa ăn cho các em. Họ ghép tôi vô cái lỗi là làm mà sao không xin phép, không báo cáo. Còn công văn của phòng giáo dục nêu không cho làm mà mình làm thì chống lại.

Họ nói tôi không thực hiện quy tắc tập trung dân chủ, cấp dưới không phục tùng cấp trên, ý thức kỷ luật chưa cao. Tôi thấy văn bản đưa ra vậy là chưa hợp lý”, ông Hải nói.

“Công văn 341 kêu tôi ký hợp đồng với Ẩm thực 36. Sau đó trường có làm văn bản gửi Phòng GD-ĐT về việc xin mời thầu, đấu thầu mà không được sự đồng thuận. Xin tự tổ chức nấu ăn cũng không được, xin tổ chức mời thầu cũng không được? Sau đó mình làm thì sai so với văn bản 341 nhưng đáp ứng nguyện vọng lớn của phụ huynh có con em đang học bán trú, đảm bảo chất lượng suất ăn cho học sinh”, ông nói.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó ban Đại diện cha mẹ học sinh, cho biết: “Việc này mâu thuẫn nhỏ giữa phụ huynh học sinh và Ẩm thực 36. Đáng lý là cấp trên phải nghe nhà trường đề xuất để tìm ra sự đồng thuận mà giải quyết vấn đề này nhưng nhiều lần báo cáo thì cấp trên không có nghe. Rồi cứ buộc tiếp tục hợp đồng với Ẩm thực 36.

Ông Nguyễn Thanh Liêm kể chuyện thầy Hải vì bữa ăn cho các em mà bị kỷ luật - Ảnh: Hàm Yên

Mâu thuẫn này từ thời thầy Lý Hồng Kiệt làm hiệu trưởng, bởi tôi tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh từ rất lâu. Mâu thuẫn chính là chuyện ăn uống của các cháu, phụ huynh phản ảnh nơi cung cấp thức ăn nấu cơm sống, con họ ăn không được, cha mẹ các em yêu cầu giải quyết. Cơm không nấutại chỗ nên mang lại thì nó nguội. Thức ăn nguội vì mang từ nơi khác về.

Khi họp phụ huynh, thầy Kiệt nói thế này: “Bởi vì đây là nghề làm dâu trăm họ. Tất nhiên là phục vụ có người này người kia, hài lòng với không hài lòng. Nếu phụ huynh nào thấy không đảm bảo cho conem mình thì có thể đem con về nhà cho ăn”. Giải quyết như vậy thì phụ huynh không hài lòng. Người ta đẩy lên cao trào, mâu thuẫn hơn.

Mâu thuẫn hơn thì Ẩm thực 36 có thái độ thách thức, xem thường người ta. Thì nguyên nhân bắt nguồn từ đó, còn thầy Hải chỉ là người đến sau”.

Cũng theo ông Liêm, khi phụ huynh phản ứng quá thì thầy Hải có làm việc với anh Long là chủ Ẩm thực 36. Lúc đó là năm ngoái, anh này lại đòi đánh ông Hải. Từ đó, phụ huynh học sinh phản ứng rất dữ dội.

Người ta đề nghị là phải đưa ra phương án đấu thầu để có các lợi ích là: Nâng cao chất lượng phục vụ cho các em, trong đó cái chính là chất lượng bữa ăn, thứ hai là giảm giá thành. Còn nhà ăn trong trường thì khi khấu hao xong sẽ thuộc về tài sản của tập thể Ban đại diện cha mẹ học sinh, do trường quản lý chứ không phải của Ẩm thực 36 nữa.

Cha mẹ học sinh tin tưởng giao cho nhà trường quản lý để phục vụ cho các em. Thức ăn các em trong những năm qua là 22.000 đồng/suất, trong đó có 4.000 đồng là tiền khấu hao tài sản. Trong 5 năm qua tính ra trên 1 tỉ đồng, thì đã quá dư so với mức đầu tư nhà ăn (trên 450 triệu đồng).

Ông Liêm cũng cho rằngvăn bản của Phòng GD-ĐT có nhiều bất cập. “Tôi thấy các lý do này vô cùng vô lý. Thứ nhất là không đủ thời gian đấu thầu nhưng văn bản ký ngày 12.5, đến ngày khai giảng là 5.9 thì gần 100 ngày. Như vậy thì làm sao không đủ thời gian cho đấu thầu?

Thứ hai là nói thầy Hải vài tháng nữa về hưu thì không thể ký hợp đồng được với doanh nghiệp mới mà lại yêu cầu thầy Hải tái ký với Ẩm thực 36. Chỗ này cóvấn đề, vì tại sao ký với người cũ được mà ký với người mới không được?

Gần tới ngày các em nhập học thì thầy Hải mời tôi vô, hỏi: “Anh Tám ơi, phương án này ra sao. Tôi nói đâu còn con đường nào khác, một là ký với Ẩm thực 36, hai là tự nấu. Ký với người khác thì đâu được”. Vậy là chúng tôi nhất trí dựng cái vách, xây cái bệ để thớt với mấy chỗ đặt bếp chứ có gì lớn đâu?”, ông nói.

Hàm Yên

https://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/hieu-truong-bi-dinh-chi-vi-khong-mua-suat-an-theo-chi-dao-cua-phong-giao-duc-95300.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tâm sự của ông hiệu trưởng sắp mất chức vì… lo suất ăn cho học sinh