Trong khi Trung Quốc thích chọc ngoáy Mỹ về thất bại xấu hổ ở Afghanistan thì Bắc Kinh cũng lo ngại sâu sắc về những rủi ro an ninh do Taliban chiến thắng lấy lại quyền lực.

Taliban chiến thắng khiến Trung Quốc bên ngoài cười Mỹ, bên trong khóc thầm

Anh Tú | 18/08/2021, 16:52

Trong khi Trung Quốc thích chọc ngoáy Mỹ về thất bại xấu hổ ở Afghanistan thì Bắc Kinh cũng lo ngại sâu sắc về những rủi ro an ninh do Taliban chiến thắng lấy lại quyền lực.

Afghanistan hiện ra trong suy nghĩ của giới lãnh đạo Trung Quốc nhiều hơn chúng ta tưởng tượng, ít nhất là nhiều hơn đoạn biên giới chung chỉ 47 dặm của 2 nước. Dám chắc là nếu nhìn qua Google Maps không được phóng to đủ, bạn cũng chẳng biết Afghanistan có giáp biên giới với Trung Quốc hay không.

afghanistan-kabul-china.jpg
Đại sứ quán Trung Quốc tại Kabul - Ảnh: Internet

Trong khi Trung Quốc thích chọc ngoáy đối thủ không đội trời chung của mình là Mỹ về thất bại xấu hổ ở Afghanistan - thậm chí phương tiện truyền thông nhà nước còn hồ hởi cảnh báo Đài Loan rằng Mỹ sẽ bỏ rơi đồng minh ở Đài Bắc tương tự như vậy - thì Bắc Kinh cũng lo ngại sâu sắc về những rủi ro an ninh do Taliban lấy lại quyền lực. Không ai mong đợi Trung Quốc sẽ lao vào và lấp đầy khoảng trống chính trị.

Đối với Trung Quốc, cơn ác mộng là các cuộc tấn công khủng bố của lực lượng Hồi giáo cực đoan, xuyên qua đường biên giới ngắn ngủi đó. Trước khi Bắc Kinh gặp những thách thức từ phong trào Hồi giáo ở khu vực Tân Cương, nơi giáp Afghanistan, các quan chức chống khủng bố Trung Quốc cáo buộc Taliban hậu thuẫn các chiến binh Duy Ngô Nhĩ, những người mà họ cáo buộc đã có "hàng nghìn" âm mưu tấn công bên trong lãnh thổ từ những năm 1990.

Trung Quốc quy cho nhiều vụ tấn công chết người trong những năm 2000 và 2010 - gồm một vụ bên ngoài Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 2013, cũng như một vụ đâm ở ga xe lửa ở thành phố Côn Minh một năm sau đó - cho một nhóm nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ gọi là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan. (ETIM).

Bắc Kinh đặc biệt lo ngại rằng sự bất ổn trong khu vực có thể làm gia tăng sự ủng hộ của lực lượng Hồi giáo Afghanistan đối với các chiến binh liên kết với ETIM. Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nói với người đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar, người được dự đoán là tổng thống Afghanistan tiếp theo, phải cắt đứt quan hệ với ETIM.

"Chúng tôi hy vọng Taliban ở Afghanistan sẽ đoạn tuyệt với tất cả các tổ chức khủng bố gồm cả ETIM và chống lại chúng một cách kiên quyết và hiệu quả để loại bỏ các trở ngại, đóng vai trò tích cực và tạo điều kiện thuận lợi cho an ninh, ổn định, phát triển và hợp tác trong khu vực", ông Vương cho biết tại cuộc họp vào cuối tháng 7.

"Trung Quốc đã tìm ra những cách thức thực dụng để làm việc với Taliban, nhưng họ vẫn lo ngại rằng Afghanistan sẽ là một môi trường dễ dãi cho các tay súng Duy Ngô Nhĩ và chiến thắng của Taliban sẽ có tác động khích lệ lực lượng du kích trên toàn khu vực", Andrew Small phân tích. Small là chuyên gia về các mối quan hệ của Trung Quốc với Nam Á tại Quỹ Marshall của Mỹ.

"Không giống như lần cuối cùng Taliban nắm quyền (năm 1996), người Trung Quốc biết họ đang đối phó với ai – những người đã tiếp xúc với họ hơn 20 năm nay", Small nói.

Tiền không phải là tất cả

Trong khi Trung Quốc thu hút sự chú ý trên toàn thế giới về việc thọc sâu túi tiền của mình để xây dựng các dự án thương mại lớn, đó thực sự chưa bao giờ là ưu tiên của Bắc Kinh ở Afghanistan, nơi lợi ích của họ còn tương đối khiêm tốn. Bỏ qua Afghanistan đầy bất trắc, Bắc Kinh đã ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở Pakistan, gồm cả cảng Gwadar, như một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường nhằm kết nối các nhà xuất khẩu của họ với các thị trường phương Tây.

Raffaello Pantucci, một cộng sự cấp cao tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Liên hiệp Anh, nhấn mạnh an ninh là vấn đề số 1 khi Trung Quốc nói đến nước láng giềng này.

"Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng một vai trò, nhưng không phải là người kẻ cả và sẽ tìm cách tập trung toàn lực vào lợi ích của mình, mà mối lo ngại về việc các chiến binh Duy Ngô Nhĩ sử dụng Afghanistan làm căn cứ chống lại họ", Pantucci nói.

Hiện tại, hai bên đang có thái độ thân thiện.

Trên thực tế, Taliban đã tìm cách trấn an Bắc Kinh về những lo ngại của họ về các chiến binh xuyên biên giới. "Những người từ các quốc gia khác muốn sử dụng Afghanistan làm địa điểm (để tiến hành các cuộc tấn công) chống lại các quốc gia khác, chúng tôi đã cam kết sẽ không cho phép họ xâm nhập, cho dù đó là cá nhân hay tổ chức chống lại bất kỳ quốc gia nào kể cả Trung Quốc", phát ngôn viên của Taliban Suhail Shaheen tuyên bố vào tháng 7.

Trung Quốc cũng đang tăng cường hợp tác an ninh với Trung Á, đặc biệt là với Tajikistan, "để duy trì an ninh nội địa ở Tajikistan và ngăn chặn sự bất ổn từ Afghanistan tràn sang Tajikistan rồi đến Tân Cương", Dirk van der Kley, một nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc, cho biết trong một báo cáo năm 2019. Ông nói, cách tiếp cận này liên quan đến việc cung cấp thiết bị và cơ sở vật chất để tăng cường khả năng an ninh của Tajikistan và tiến hành các hoạt động chung với các lực lượng Tajikistan và Afghanistan gần biên giới của cả ba nước.

Hiện tại, có rất ít điều để Trung Quốc cung cấp cho Taliban và cả Afghanistan nói chung, vì còn quá sớm để lên kế hoạch cho các dự án kinh tế quy mô lớn ở đất nước không giáp biển, nơi dân số có khoảng một nửa trong 38 triệu người sống dưới mức nghèo khổ.

"Họ gần như chắc chắn sẽ hợp tác với chính phủ do Taliban lãnh đạo trong các dự án kinh tế, nhưng quy mô và phạm vi của sự hợp tác đó vẫn còn phải xem xét", Small nói. "Không rõ là Trung Quốc đã sẵn sàng cho các cam kết kinh tế lớn cho đến khi tình hình chính trị và an ninh ổn định lâu dài và cũng không rõ là họ có muốn Afghanistan do Taliban điều hành trở thành một trung tâm của khu vực vì đó là nơi có thể dung dưỡng những mầm họa chống Trung Quốc"

Quả trứng trên khuôn mặt của nước Mỹ (từ lóng để chỉ sự bẽ bàng)

Nếu có điểm tươi sáng trong bức tranh u ám tại khu vực này đối với Bắc Kinh, đó là hình ảnh của một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ suy yếu - đến mức Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị hôm 16.8 đã có dịp lên lớp trong khi nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã gấp rút phối hợp với các đối tác quốc tế.

"Vương giải thích lập trường của Trung Quốc về tình hình ở Afghanistan, nói rằng sự thật đã một lần nữa chứng minh rằng việc sao chép một cách máy móc một mô hình không thể sử dụng dễ dàng ở một quốc gia có lịch sử, văn hóa và điều kiện hoàn toàn khác”, Tân Hoa xã đưa tin.

Các kênh truyền thông nhà nước khác cũng đang đưa tin nổi bật về hoạt động "đáng xấu hổ" của Mỹ trong khi nghi ngờ khả năng của Joe Biden trong việc tập trung vào đối đầu với Trung Quốc sau thảm họa ở Afghanistan.

"Một mặt, phía Mỹ không thể cố tình kiềm chế và áp đặt Trung Quốc và làm suy yếu các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc, mặt khác, Mỹ mong đợi sự hỗ trợ và hợp tác từ Trung Quốc", Vương nói với Blinken. "Logic như vậy không bao giờ tồn tại trong trao đổi quốc tế".

Bất chấp những luận điệu có phần gai góc và mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, các chuyên gia nói rằng họ thực sự thấy nhiều điểm chung khi cả hai nói đến mối nguy hiểm trước mắt liên quan đến Afghanistan và ít người thấy rằng Trung Quốc chịu đóng vai trò có ý nghĩa để lấp đầy khoảng trống của Mỹ.

"Người Trung Quốc cũng cảnh giác với Taliban và họ đều đã nghe đến biệt danh Nghĩa địa của các Đế chế", Pantucci nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chủ trì họp Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ
6 giờ trước Sự kiện
Chiều tối 30.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Nghị quyết số 18 – NQ/TW) chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Taliban chiến thắng khiến Trung Quốc bên ngoài cười Mỹ, bên trong khóc thầm